Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an ninh lương thực và giá lương thực trong nước không tăng quá cao. Xuất khẩu gạo phải gắn với tiêu thụ nội địa, góp phần giúp Nhà nước ổn định giá cả trong nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần sớm hoàn thành đề án về Chiến lược đảm bảo an ninh lương thực.
Cơn “sốt gạo ảo” cuối tháng Tư vừa rồi mới làm cho chúng ta nhận ra rằng, cho dù có thừa gạo để xuất khẩu, nhưng chưa chắc đã đảm bảo được an ninh lương thực.
An ninh lương thực của một quốc gia được đánh giá bằng một hệ thống hàng chục chỉ tiêu. Nhưng điều quan trọng hơn là từng quốc gia phải tổ chức được hệ thống phân phối, có chính sách đảm bảo cơ hội tiếp cận nguồn lương thực cho mọi người với giá cả phù hợp. Nếu không thì sẽ có nơi, có lúc xảy ra tình trạng là người có tiền cũng không mua được gạo, chứ không chỉ là người nghèo thiếu tiền mua do giá gạo tăng cao.
Qua đợt này, nhiều nhà quản lý mới thấy rằng, nguyên nhân “sốt gạo ảo” là do các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ghìm gạo lại để bán cho các nhà nhập khẩu nước ngoài. Khi mà gạo xuất khẩu bán được nghìn đôla, tương đương với 16 triệu đồng một tấn, thì nếu muốn các doanh nghiệp bán gạo trên thị trường nội địa duy trì giá ở mức hơn 10 triệu đồng một tấn thì chúng ta không thể hô hào chung chung. Hơn nữa, theo dự báo giá gạo xuất khẩu có thể còn lên tới 1.400 USD, tương đương hơn 22 triệu đồng một tấn, thì làm thế nào để ngăn được các doanh nghiệp không đầu cơ, ghìm gạo lại để chờ bán ra nước ngoài?
Trong trường hợp này, để xử lý khẩn cấp phải có mệnh lệnh hành chính. Và Thủ tướng đã ra lệnh. Lúc đó mới lòi ra rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước kể cả Trung ương và địa phương đang tích trữ đến hàng trăm ngàn tấn gạo. Đó là chưa kể các doanh nghiệp tư nhân và cả sự liên kết của tư thương với doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, ngành công an cùng quản lý thị trường cần nhanh chóng điều tra về những kẻ đầu cơ gạo trong cơn sốt ảo vừa qua, sớm công bố kết quả để xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe. Nếu không thì rồi sẽ đến lúc có lệnh của Chính phủ các doanh nghiệp cũng không làm theo.
Tuy nhiên, mệnh lệnh hành chính chỉ nên sử dụng khi có tình hình khẩn cấp. Về lâu dài chúng ta cần có chính sách kinh tế cụ thể.
Ví dụ như dự trữ quốc gia về lương thực của chúng ta vẫn tăng hàng năm. Nhưng vấn đề là làm thế nào để vào những thời điểm như vừa qua gạo dự trữ được đưa ra thị trường kịp thời, không cho giá tăng bừa bãi, không để nơi nào thiếu lương thực cục bộ, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều đồng bào nghèo khó. Mặt khác, cũng không nên lùi quá xa việc ký thêm các hợp đồng xuất khẩu gạo, bởi thực tế gạo xuất khẩu hiện nay đang rất được giá, có thể đạt đỉnh và sau đó sẽ giảm dần theo quy luật. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo cũng không nên mở ra quá nhiều đầu mối, mà nên quy gọn lại mới chủ động cân đối được số lượng gạo hàng hoá trong nước với việc ký hợp đồng xuất khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng.
Nói gì thì nói, mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an ninh lương thực và giá lương thực trong nước không tăng quá cao. Xuất khẩu gạo phải gắn với tiêu thụ nội địa, góp phần giúp Nhà nước ổn định giá cả trong nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần sớm hoàn thành đề án về Chiến lược đảm bảo an ninh lương thực, trong đó duy trì diện tích lúa tối thiểu từ 3,8-4 triệu ha, nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời đảm bảo sinh kế lâu dài cho nông dân./