16 sinh viên và các nhà bảo tồn trẻ đến từ Việt Nam, Campuchia, Thái Lan.., vừa tham gia lớp tập huấn kéo dài một tuần (từ 7 đến 14/05) về công tác bảo tồn rái cá tại Đại học Cần Thơ và Công ty Lâm nghiệp Sông Trẹm. Đây là cơ hội để giảng viên và học viên từ 8 quốc gia khác nhau gặp gỡ và thiết lập một mạng lưới thông tin liên lạc nhằm đảm bảo hoạt động bảo tồn rái cá dài hạn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn rái cá thuộc Nhóm chuyên gia bảo tồn rái cá thuộc IUCN/SSC và cán bộ nhân viên thuộc Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (Vườn Quốc gia Cúc Phương) đã hướng dẫn cặn kẽ về kỹ thuật như đọc bản đồ, GPS, ghi chép số liệu, kỹ năng điều tra thực địa và giám sát môi trường sống (bao gồm cả điều tra dấu chân, vết cào, đúc dấu chân bằng thạch cao), kỹ thuật giám sát quần thể và bẫy ảnh.
Sở dĩ nước ta được chọn làm nơi tổ chức lớp học này, bởi theo GS. Padma K De Silva, điều phối viên khu vực châu Á thuộc Nhóm chuyên gia bảo tồn rái cá thuộc IUCN/SSC, hiện có 4 loài rái cá có mặt tại Việt Nam bao gồm rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), rái cá vuốt bé (Amblonyx cinerea), rái cá lông mượt (Lutra perspicillata) và rái cá thường (Lutra lutra).
Bốn loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng do bị buôn bán trái phép, mất môi trường sống. Đặc biệt, rái cá lông mũi là loài trọng tâm bảo tồn của thế giới và Việt Nam và nếu như chúng ta không có những hành động cụ thể để bảo vệ thì loài này sẽ sớm bị tuyệt chủng.
Hiện Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê đang thực hiện một dự án bảo tồn rái cá tại Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2006.
Khóa tập huấn này hoạt động nhờ sự tài trợ của Quĩ Giáo dục thiên nhiên thuộc WWF Russell E. Train. Đồng thời khóa tập huấn còn được sự hỗ trợ của Vườn thú Chester (Vương quốc Anh), Vườn thú Houston và Vườn thú Cleveland (Hoa Kỳ), Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) và Conseration International.