Đã nhiều lần xảy ra tình trạng dòng nước từ đầu nguồn sông Rạch Đông chảy về phía cuối nguồn có màu đen xỉn, bốc mùi hôi thối. Người dân ở ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết, từ 3 năm nay, cứ thỉnh thoảng lại thấy cá chết nổi lềnh bềnh…
Cá sông, cá nuôi và vịt… cùng “đột tử”!
Ngày 03/05, một đợt nước đen nồng nặc mùi hôi từ đầu nguồn sông Rạch Đông chảy tràn về. Người dân ở xã Tân An đã vớt được khoảng 300 kg cá lăng và các loại cá tự nhiên khác từ thượng nguồn trôi về dật dờ lênh láng đầy miệng đập tràn Bến Xúc.
UBND xã Tân An đã cho ngăn đập lại để nước khỏi chảy thẳng ra sông Đồng Nai, nhiều người dân cũng tìm cách chặn dòng nước bẩn lại để nước khỏi tràn vào ao, ruộng nhưng không làm được. Đến ngày 04/05, lượng nước đen đổ về nhiều hơn làm cá nuôi trong ao của nhiều hộ dân bị chết hàng loạt.
Bà Nguyễn Thị Mãng, người dân ấp Cây Xoài có ao nuôi cá gần ngay khu vực đập Bến Xúc bị “lây” nguồn nước ô nhiễm cho biết: “Ngày 04/05, các loại cá nuôi trong ao nhà bà đột nhiên chết trắng mặt ao. Số lượng cá chết ước tính cũng vài trăm kg. Nguyên nhân cá chết là do nước ô nhiễm từ con đập tràn vào, nước đổi màu đen và rất hôi”.
Ngày 09/05, khi đến khảo sát, nước trong ao vẫn đen đặc và nồng mùi hôi, cá trong ao vẫn nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Chị Võ Thị Hòa, nhà ngay đầu con kênh Bến Xúc buồn rầu vì đàn vịt 500 con của chị đã gần đến ngày xuất chuồng bỗng lăn quay ra chết, con còn sống thì xuội lơ, nằm co rút, chị phải đem xuống ấp Bình Chánh gởi để may ra còn có thể vớt vát. Một số hộ khác nuôi vịt cũng bị tình trạng như đàn vịt của gia đình chị Hòa. Đàn vịt của anh Hồ Minh Sang, người cùng ấp cũng rơi vào tình trạng tương tự với số vịt chết lên đến hơn 1.000 con…
Trước tình trạng này, chính quyền xã Tân An đã lấy mẫu máu của vịt đưa đi thử để biết chính xác vịt chết vì lý do gì và có kết luận âm tính với virus cúm gia cầm H5N1. Như vậy, thủ phạm chỉ có thể là do nguồn nước thải công nghiệp từ đầu nguồn chảy về đột ngột với số lượng lớn, vịt uống vào và bị trúng độc ngay lập tức. Ông Nguyễn Hữu Cảnh, Ấp phó ấp Cây Xoài còn cho biết thêm, dòng nước ô nhiễm tràn về không chỉ làm chết vịt, cá mà còn ngấm vào lòng đất, gây ô nhiễm nhiều giếng nước của bà con trong ấp, khiến nhiều người phải ngưng xài nước giếng đào và chuyển sang xài ké nước giếng khoan của hàng xóm.
Ai là “thủ phạm” gây ra dòng nước bẩn ?
Ngay khi nhận được thông tin cá và vịt bị chết hàng loạt do nước xỉn màu và hôi, Phòng Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Vĩnh Cửu đã cùng với cán bộ xã Tân An đi ngược về thượng nguồn sông Rạch Đông lên tới địa bàn tổ 10, ấp 5, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) thì bắt gặp Nhà máy chế biến tinh bột mì Vĩnh Hưng (thuộc Công ty TNHH Tân Tân Hoa) và Nhà máy sản xuất giấy (thuộc Công ty TNHH Tân Trường Sơn) có đường ống nước thải xả trực tiếp ra sông Rạch Đông.
Một cán bộ xã Tân An có mặt trong đoàn khảo sát cho biết, trong 2 nhà máy đó có hồ chứa nước thải rất rộng, sâu khoảng 2m. Theo dư luận, thì nước thải từ nhà máy thải ra chứa ở đây, chờ những lúc trời mưa, nước sông đầy, thì nước thải sẽ được xả ra để được “pha loãng”, đỡ bị phát hiện. Trong vùng này, đoàn khảo sát cũng phát hiện có một số nhà máy khác đang hoạt động.
Do cản trở từ quản lý địa giới hành chính nên đoàn khảo sát của Phòng TN&MT huyện Vĩnh Cửu không thể làm gì hơn ngoài việc báo cáo lên tỉnh để chờ sự kiểm tra thẩm định lại nguyên nhân gây ô nhiễm sông Rạch Đông. Tuy nhiên, với những đợt cá tự nhiên chết trên sông Rạch Đông và vịt, cá của nông dân nuôi trên ao hồ cũng “đột tử”, đã có thể nhận biết nguồn nước sông bị ô nhiễm là có thật và cũng đã đến hồi báo động.
Bởi, Rạch Đông tuy chỉ là sông nhỏ chảy ra sông Đồng Nai, nhưng trên khu vực này còn có nhiều sông rạch khác cũng chảy ra sông Đồng Nai. Nếu các cơ quan có thẩm quyền không ngăn chặn kịp thời việc xả nước thải chưa xử lý trực tiếp ra sông thì không chỉ nguồn thủy sản tự nhiên nơi thượng nguồn bị hủy diệt (trong đó cá lăng sông Đồng Nai là một loại đặc sản), mà nguồn nước bị ô nhiễm từ thượng nguồn chảy ra sông Đồng Nai có thể ảnh hưởng đến các nhà máy nước Hóa An, Biên Hòa đang phục vụ cho cả chục triệu dân Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận.
Đáng lo hơn là gần đây, không chỉ có nước sông, mà nguồn nước hồ Trị An cũng đã và đang báo động, vì nước thải từ Nhà máy mía đường La Ngà, Nhà máy men Mauri Là Ngà gây ô nhiễm…