Trận động đất ở Vấn Xuyên (Wenchuan) thuộc tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc là một kiểu trừng phạt của thiên nhiên đối với sự phá hoại môi trường do loài người tiến hành. Việc xây dựng nhiều nhà máy thủy điện trên sông Mân Giang (Minjiang) thượng lưu sông Trường Giang đã phá hoại kết cấu địa chất, là nguyên nhân chính dẫn đến trận động đất này.
Đó là quan điểm của nhà địa chất học Dương Dũng – nhà hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) nổi tiếng Trung Quốc phát biểu trả lời cuộc phỏng vấn điện thoại của báo Liên hợp buổi sáng (Singapore) chiều ngày 12/05 vừa qua. Ông nói:”Đáng tiếc là dự đoán của chúng tôi đã xảy ra nhanh chóng như vậy… Mong rằng chúng ta sẽ thức tỉnh từ bài học bằng máu này, kiểm điểm lại chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện cỡ lớn”.
Mấy năm nay các nhà hoạt động BVMT TQ thường xuyên phản ánh ý kiến cho các cơ quan chính quyền liên quan biết rằng Mân Giang nằm trên dải địa chấn TQ, việc xây dựng nhiều hồ chứa nước tại thượng lưu sông này sẽ gây tổn hại tới kết cấu địa chất và do đó khơi gợi các trận động đất mạnh.
Ông Dương Dũng phân tích: “huyện Vấn Xuyên nằm trên dải đất đệm giữa cao nguyên Thanh Tạng và đồng bằng Tứ Xuyên, Mân Giang nằm trên dải đứt gãy Long Môn của TQ. Dải đứt gãy này là nơi thường xuyên có các trận động đất mạnh. Việc nổ mìn khi xây dựng hồ chứa nước ở thượng lưu Mân Giang cũng như bản thân việc làm các hồ này đã phá hoại nghiêm trọng kết cấu địa chất. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây nên trận động đất mạnh này.”
Ông kiến nghị chính quyền kiểm điểm chủ trương xây dựng nhiều nhà máy thủy điện cỡ lớn tại thượng lưu Trường Giang. “Chúng tôi thường xuyên kêu gọi. Đáng tiếc là họ không nghe. Những hồ nước ấy xem ra có vẻ yên lặng nhưng lại tiềm ẩn lắm rủi ro địa chất”.
Nhà địa chất học người Pháp Paul Tapponnier nói: “Trận động đất ở Tứ Xuyên có liên quan đến sự di chuyển về phía bắc và phía đông của cao nguyên Thanh Tạng. Hãng tin Pháp cho biết Paul Tapponnier là chuyên gia cao nguyên vùng này, ông nói khẳng định sẽ còn có nhiều dư chấn”