Bài toán rác thải túi nilon đã có lời giải

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, sản xuất loại bao bì từ vật liệu dễ phân huỷ thay thế cho túi nilon là không khả thi ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay.Thay vào đó, có thể áp dụng quy trình tái chế thu gom hỗn hợp không qua phân loại – một công nghệ mới được thử nghiệm thành công.

Rác thải túi nilon khi thải ra môi trường rất nguy hại bởi phải mất hàng trăm năm những chiếc túi này mới có thể phân huỷ được. Mặt khác, loại rác thải này khi nằm trong lòng đất tạo thành những kẽ hở len lỏi xuyên qua hệ thống lọc làm ô nhiễm mạch nước ngầm. Khi xử lý loại rác thải này nếu đem đốt ở nhiệt độ bình thường sẽ tạo ra khí thải có chất độc có khả năng gây ung thư cho con người.

Hiện trạng xử lý rác thải sinh hoạt ở nước ta cũng đang có nhiều bất cập bởi thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân chưa được thiết lập. Rác thải được đẩy ra môi trường dưới dạng hỗn hợp đang là một hiểm hoạ đe doạ môi trường sống và là bài toán khó trong xử lý môi trường đô thị.

Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng cho biết, bài toán này đã có lời giải bởi một công trình nghiên cứu của tập thể các nhà khoa học vừa được thử nghiệm thành công.

* Thưa Giáo sư, Chính phủ Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm sản xuất loại túi nilon siêu mỏng và cấm các siêu thị, cửa hàng phát túi miễn phí cho người mua hàng kể từ ngày 1/6 tới nhằm hạn chế loại rác này được thải ra môi trường. Còn ở Việt Nam, người tiêu dùng vẫn “vô tư” sử dụng và xả rác thải túi nilon ra môi trường? 

Túi nilon rất hữu dụng cho mọi người, nhưng nếu đem đốt túi nilon ở nhiệt độ bình thường sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và Furan, là những chất có khả năng gây ung thư cho con người. Tập thể các nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu và nếu quá trình thử nghiệm thực tế thành công, chúng ta sẽ không cần phải lo lắng khi sử dụng túi nilon nữa. Công nghệ này đang được thử nghiệm tại một nhà máy xử lý rác thải có công suất 200 tấn rác/ngày ở Thừa Thiên- Huế và một nhà máy tương tự có công suất 1.000 tấn rác thải/ngày đang được xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Quy trình tái chế là gom rác thải hỗn hợp về nhà máy mà không cần phân loại, phần rác hữu cơ được tách ra để sản xuất phân hữu cơ, phần còn lại được nấu lên (chứ không đốt) thành một nguyên liệu, kết hợp với một chất phụ gia nữa. Với công nghệ này, chúng ta có thể tái chế rác thải túi nilon thành một vật liệu rất tốt để sử dụng thay thế những vật liệu xây dựng truyền thống như xi măng, cốt thép… Loại vật liệu này có đặc điểm rất bền trước các lực va đập, có thể đúc thành ống cống, cọc tiêu, vạch ngăn đường…

Tôi đưa ra dẫn chứng này để thấy rằng chúng ta chưa cần phải vội vàng học theo các nước khác. Bởi Việt Nam còn nghèo, trong khi để sản xuất ra bioplastic – loại vật liệu phân huỷ được thay thế cho túi nilon lại rất tốn kém, sản xuất túi vải để sử dụng càng đắt tiền hơn nữa.

Tôi được biết, Thủ tướng đã phê duyệt dự án này và dự kiến hỗ trợ một nửa kinh phí xây dựng cho tỉnh nào áp dụng công nghệ này để tái chế rác thải. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã quyết định khởi công nhà máy công suất 1.000 tấn/ngày. Tuy nhiên nhà máy này mới chỉ giải quyết được 1/6 số rác thải ra của cả thành phố.

* Sáng kiến trên của các nhà khoa học đã cho phép tận dụng nguồn rác hỗn hợp, vậy ông đánh giá như thế nào về dự án phân loại rác tại nhà đang thực hiện thí điểm tại một số địa bàn của Hà Nội?

Phải nói rằng chúng ta đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để thực hiện dự án phân loại rác tại nhà. Nhưng dự án này vẫn chưa đạt hiệu quả cao vì lượng rác được phân loại quá ít trong khi thói quen, tập quán của người Việt Nam lại không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai. Mặc dù được phát 3 loại thùng chứa để phân loại rác nhưng cuối cùng người ta vẫn đổ 3 loại rác chung vào 1 thùng. Tôi không tin trong thời gian ngắn người dân Việt Nam có thể làm được như ở Nhật Bản hay các nước khác.

* Vậy theo Giáo sư, vấn đề rác thải ở Hà Nội nên xử lý như thế nào? 

Tốt nhất vẫn nên phân loại rác từ đầu nguồn, như thế sẽ đỡ tốn kém và mất thời gian cho các công đoạn xử lý sau. Tuy nhiên để làm được điều đó cần phải có thời gian vì ý thức của người dân không thể thay đổi ngay lập tức. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng trước mắt nên sử dụng quy trình tái chế rác không cần phân loại, chỉ cần thu gom rồi đưa thẳng đến nhà máy xử lý theo mô hình tôi đã đề cập ở trên.

* Giáo sư đánh giá thế nào về công nghệ này?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi cho là công nghệ này rất độc đáo vì chưa có nước nào làm như thế. Lý do là rác của Việt Nam thải ra không giống rác thế giới- đã được phân loại ngay từ đầu nguồn.

* Vậy công nghệ này có thể đưa vào sử dụng tại các nhà máy xử lý rác thải hiện có ở Việt Nam không thưa Giáo sư? 

Không được vì máy móc, thiết bị của các nhà máy nêu trên đều nhập khẩu từ nước ngoài- loại máy nhằm tái chế những loại rác đã phân huỷ. Chính vì thế, các nhà khoa học cần xuất phát từ hoàn cảnh Việt Nam để phát minh ra những công nghệ phù hợp – và tôi cho là công nghệ mới này rất phù hợp với quy trình xử lý rác thải của Việt Nam hiện nay.

Xin cảm ơn Giáo sư!./.