Nước ta không đưa các khu bảo tồn biển (KBTB) ra xa khu dân cư mà chọn giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân trong khu bảo tồn biển, nhằm hạn chế việc khai thác kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên.
Tại hội thảo “Quản lý các khu bảo tồn biển” tổ chức mới đây, ông Angus Mcewin – đại diện Hợp phần Sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển (LMPA) – cho biết, những kinh nghiệm của Việt Nam đang được cả thế giới học tập và nhân rộng.
Trước đây, các khu bảo tồn thiên nhiên thường được xem như một khu vực tách biệt với thế giới loài người. Quan niệm này đã dẫn đến những sai lầm trong việc quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên. Kết quả là thiên nhiên vẫn liên tục bị con người tác động theo hướng tiêu cực như tàn phá mà nguyên nhân là do những áp lực xã hội, sinh thái cả trong và ngoài khu bảo tồn.
Thực tế cho thấy, các khu bảo tồn vẫn cần có một số khu vực không có hoặc chịu rất ít tác động của con người, với những quy định kiểm soát chặt chẽ, được gọi là vùng lõi.
Các KBTB Việt Nam đã xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân, với 3 nhóm chính: cải thiện điều kiện sống, tăng cường các hoạt động tạo thu nhập từ sinh kế hiện tại, tìm sinh kế thay thế.
Nhiều KBTB đã giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông như đường sá, bến tàu, nhờ vậy giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường, giảm chi phí vận chuyển, giúp các doanh nghiệp quy mô nhỏ tăng thêm nguồn lợi.
Ông Nguyễn Văn Tính, KBTB Phú Quốc cho biết, tại Phú Quốc, nhóm 26 hộ dân ở mũi Hàm Rồng và ấp Đá Chồng đã tham gia nuôi ba, cá sấu từ năm 2004. Kỹ thuật nuôi do Hiệp hội nuôi động vật hoang dã tỉnh Kiên Giang chỉ dẫn. Tuy nhiên, do vốn đầu tư lớn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phân tán, gặp phải khó khăn trong khâu tiêu thụ, nên số lượng hộ dân tham gia nuôi ba ba, cá sấu giảm dần.
Hiện nay, phong trào nuôi cá lồng đang tăng nhanh, chủ yếu với 2 loại: cá mú và cá bớp.
Những giải pháp giúp người dân gia tăng được những giá trị sản phẩm, dịch vụ hiện có như chế biến sản phẩm từ cá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Giới thiệu công nghệ tiên tiến để giúp người dân thu được lợi nhuận cao hơn, bền vững.
Những phương thức khai thác thủy sản ít mang tính hủy diệt hơn được tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thi hành nghiêm chỉnh các quy định cấm khai thác hủy diệt, giúp người dân quản lý nguồn lợi tự nhiên tốt hơn, duy trì lâu dài các hoạt động tạo thu nhập, tái tạo nguồn lợi tự nhiên.
Để tạo thuận lợi cho ngư dân tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, mô hình hợp tác xã được xây dựng giúp người dân ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm.
Ngoài mục tiêu gia tăng nguồn lực sinh kế, các chương trình hành động cũng tập trung vào việc xác định và trợ giúp các hoạt động tạo nguồn thu nhập thay thế cho nghề khai thác cá hoặc những hoạt động phụ thuộc vào nguồn lợi tự nhiên đang suy giảm. Bất kỳ sinh kế thay thế nào cũng cần phải thân thiện với môi trường và hướng đến người nghèo.
Nuôi trồng rong sụn, tôm càng xanh là nghề đòi hỏi ít vốn đầu tư, lợi nhuận khá và đang có vẻ rất thích hợp tại những KBTB. Côn Đảo đang thịnh hành với nghề nuôi ốc hương, trồng rau sạch.
Những bài học kinh nghiệm từ các KBTB trình diễn của Việt Nam như: Hòn Mun, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo… cho thấy để các KBTB thành công, thì hỗ trợ phát triển sinh kế là hợp phần không thể thiếu.