Trong nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chế biến tinh bột sắn (CBTBS) trên địa bàn tỉnh Bình Định đã gây bức xúc trong nhân dân. Trong bối cảnh đó, một dự án mang tên "Áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn (ADCNSXSH) cho các hộ CBTBS" tại xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương.
Bức xúc từ làng nghề
Theo thống kê, toàn xã Hoài Hảo có 196 cơ sở CBTBS với quy mô lớn nhỏ khác nhau, chủ yếu tập trung ở 4 thôn: Tấn Thạnh 1, Tấn Thạnh 2, Phụng Du 1, Phụng Du 2.
Trung bình mỗi ngày ở Hoài Hảo sản xuất khoảng 800 tấn nguyên liệu, cho ra khoảng 300 tấn bột tươi, cung cấp cho các cơ sở sản xuất thực phẩm trong tỉnh và xuất đi Hà Nội, Đà Nẵng… Nghề CBTBS đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động, tạo ra thu nhập bình quân khoảng 900 ngàn – 1 triệu đồng/người/tháng, góp phần cải thiện cuộc sống người dân.
Tuy vậy, nước thải sản xuất của nghề CBTBS ở Hoài Hảo đã gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu, trung bình mỗi ngày các hộ sản xuất TBS ở Hoài Hảo tiêu thụ khoảng 2.400m3 nước cho việc sản xuất và thải ra môi trường một lượng nước thải tương đương. Đáng lo ngại là nhiều hộ gia đình ở đây đã cho xả nước thải trực tiếp ra kênh thủy lợi chảy ngang qua xã, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
Lượng nước thải với lưu lượng lớn, hàm lượng chất hữu cơ cao nên khi chảy ra kênh, rạch làm bốc mùi chua nồng. Độc tính của nước thải từ CBTBS đã gây tác hại trực tiếp đến hệ thủy sinh vật, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường đất, tác động xấu đến năng suất cây trồng, gây chết thủy sản, lúa và hoa màu của các hộ dân khác…
Hiệu quả bước đầu của dự án
Trước những khó khăn, tồn tại của làng nghề CBTBS Hoài Hảo, tháng 11/2007, Sở TN&MT, Ban Quản lý Chương trình SEMLA tỉnh Bình Định đã quyết định xây dựng và triển khai thực hiện Dự án ADCNSXSH cho các hộ CBTBS tại Hoài Hảo. Dự án có tổng kinh phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng.
Mục tiêu của dự án là xử lý chất thải, góp phần sản xuất hiệu quả hơn, giảm thiểu chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Quá trình này được gọi là quá trình “sản xuất sạch hơn” (SXSH).
Theo ông Nguyễn Mộng Hùng, phụ trách Văn phòng SEMLA tỉnh, dự án SXSH không chỉ bao gồm những thay đổi đơn thuần về mặt công nghệ, thiết bị mà còn là những thay đổi trong nhận thức, phương thức quản lý, vận hành đối với các hộ CBTBS ở Hoài Hảo, sau đó sẽ áp dụng mô hình cho tất cả các hộ CBTBS ở Bình Định.
Tùy điều kiện cụ thể của mỗi hộ, các chuyên gia đã tạo điều kiện giúp họ về giải pháp SXSH.
Sau khoảng 6 tháng triển khai, dự án đã đạt được những kết quả khả quan. Bên cạnh ổn định sản xuất, tăng năng suất, dự án đã góp phần giúp 10 hộ CBTBS nói trên giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Như vậy mô hình ADCNSXSH ở Hoài Hảo cần được nhân rộng tại các địa phương làm nghề CBTBS trong tỉnh.