Ô nhiễm môi trường vì sứa biển

Rời thị trấn Cái Rồng, tốp khách lên thăm huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) vào dịp nghỉ lễ 30/04 chọn hướng ra đảo Ba Mùn, nơi từ lâu được coi là khu bảo tồn thiên nhiên và 7 năm trước đã được chuyển hạng, thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Ba Mùn thuộc địa phận xã Minh Châu, một trong 5 xã nằm trong khu vực bảo tồn và vùng đệm của vườn quốc gia Bái Tử Long. Hòn đảo rộng gần 2000 héc ta ấy không được nhiều người biết bằng Quan Lạn, một đảo lớn khác của huyện đảo Vân Đồn vài năm trở lại đây đã bắt đầu chứng thực được tiềm năng du lịch. Người ta bảo rằng Ba Mùn là đảo phiến thạch duy nhất có rừng nguyên sinh ở vùng vịnh này. Nhiều năm trước, khi con người còn chưa biết mà tìm đến, hệ động – thực vật ở đó còn phong phú lắm, đủ cả chim biển, voọc, tê tê, sơn dương… đến những cây cho gỗ quý vàng hương, đinh, lim, sến, táu. Còn nếu tính rộng ra toàn vườn quốc gia thì phải tính đến 118 loài cá, hơn 130 loài động vật không xương sống và 178 loài thực vật thủy sinh nữa.

Cái kho báu ấy rồi cũng hiện lên trong tầm mắt những người lần đầu ra Ba Mùn. Cả một vùng biển lặng lẽ giấc trưa bỗng xáo động tiếng máy tàu. Người ta dùng tàu đi vớt sứa, loài động vật biển mùa này ào ào đổ vào vùng nước gần đảo, nhiều đến mức mà ngư dân đùa rằng “hễ cúi xuống là nhặt được”. Mỗi chủ thuyền chỉ cần hai người, một cái vợt to, cho tàu chạy đi chạy lại, chỉ việc… nhìn và vớt. Anh lái tàu giải thích: “Họ vớt sứa cả buổi, lúc nào đầy thì mang vào đảo, có người thu mua”.

Tàu cặp mạn một trại thu mua sứa. Nó được dựng trên khoảnh đất chừng nghìn mét vuông, ngay rìa hòn đảo nay vẫn còn ngay ngắn tấm biển to với hàng chữ “Nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, đánh bắt tài nguyên rừng và biển trong vườn quốc gia Bái Tử Long”. Đó chỉ là một trong số hàng chục trại được lập bán kiên cố quanh đảo này. Mỗi nơi đủ cả lán trại, thiết bị sơ chế sứa và thứ “cầu cảng” bằng đá hộc và xi măng, những điều khiến người ta nghĩ ngay đến quy mô và tính tổ chức trong hoạt động bán – mua sứa ở đây.

Bấy giờ đã là cuối vụ – thường bắt đầu từ giữa tháng giêng đến tháng ba âm lịch. Khu trại chất đầy những thùng gỗ nhỏ, cỡ 15cmx25x40. Mỗi thùng như thế, cân cả bì và số sứa đã sơ chế bên trong nặng chừng 25kg, có giá khoảng 600.000 đồng. Trại có 3 khu chứa sứa đã qua sơ chế, mỗi khu không dưới 1000 thùng. Những người thợ đang đợi tàu về, không ngại tiếp xúc với khách lạ.

Họ là dân Minh Châu, có người từ Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình lên đây làm theo kiểu mùa vụ. “Bọn em làm vất vả lắm, xong mỗi con sứa mới được gần 1000 đồng” – chị Phạm Thị Phượng, người gốc Minh Châu nhưng nay đã chuyển vào Cái Rồng vừa nói vừa tất tả ra đón sứa theo thuyền mới cập “cầu cảng”. Khoảng 30 thợ trên khu trại ai vào việc nấy. Họ dùng dao tách phần cổ, chân nhỏ, chân to, để vào nơi riêng. Chân to là thứ được chuộng nhất, được người Trung Quốc dùng làm món nộm để xuất sang châu Âu. Cả nhóm thợ, nếu làm từ giữa chiều đến 2 giờ sáng hôm sau cũng xong chừng vạn con sứa. Mỗi con được gần 1000 đồng, vạn con một ngày là gần chục triệu, hết tháng đã là món đáng kể so với thu nhập của một lao động thời vụ.

Lọc sứa xong, chủ thu mua đưa những chân nhỏ, chân to vào hệ thống bể lọc gồm 8 khoang, mỗi khoang có máy sục và ống nước thải dẫn ra mặt vịnh. Chị Đoàn Thị Hằng, người Hải Phòng kể : “Chúng em đưa vào bể, ngâm độ 7-8 tiếng cho hết nhớt và làm rắn sứa, rồi thì vớt ra, bỏ sang bể khác ngâm với muối, phèn. Độ 3-4 ngày sau thì có thể đóng thùng cho người ta chuyển về Trung Quốc”.

Chẳng ai nói việc khai thác sứa ở đây bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết từ vài năm nay, khi thương nhân Trung Quốc bắt đầu thu mua với quy mô lớn hơn thì cái sự bán – mua càng lúc càng tấp nập. Người ta lọc sứa, thản nhiên đổ xuống vịnh những gì không bán được. Mỗi ngày, hàng nghìn bể lọc ở Ba Mùn đồng loạt thải xuống nước thứ hóa chất gây hại cho môi trường sinh thái. Quanh mỗi khu trại, nước biển không còn xanh nữa mà ngả sang thứ màu vàng vàng. Không khí quanh đảo trước tuyệt là thế, giờ chỉ còn thứ mùi hôi thối khủng khiếp. Người hướng dẫn tốp khách ra đảo nói rằng khu trại nói trên đã có vài năm nay. Cứ sau mỗi vụ khai thác sứa, những gì vốn xanh tốt lại hoang tàn thêm một chút. Rồi sẽ tới lúc muông thú ít dần, gỗ quý bớt đi, những thảm thực vật trên đảo không còn được như trước nữa. Đó là chưa kể những di hại không dễ nhìn thấy ngay, như dải san hô im lìm phía dưới. Người ta kể rằng ở Bái Tử Long có hơn trăm loại san hô. Những thứ ấy cần cho hệ sinh thái biển nhưng nay đã không còn an toàn trước loại hóa chất dùng sơ chế sứa.

Có người nói trong bụng sứa có chứa vàng. Nó đã từng giúp người dân vùng biển Quảng Xương (Thanh Hóa) đỡ nghèo. Nhưng ở Ba Mùn thì khác. Con sứa ở vùng biển thuộc vườn quốc gia Bái Tử Long cũng đang giúp người Minh Châu có thêm việc làm và thu nhập nhưng nó cũng lấy đi từ nơi này những thứ quý giá hơn tiền. Một vườn quốc gia không còn toàn vẹn nữa sẽ cản trở những dự án du lịch sinh thái có thể đem lại lợi ích lớn lao cho cả huyện đảo Vân Đồn trong tương lai.

Những khu trại mọc lên trong khu vực cấm. Những đoàn tàu và người lạ, kể cả người nước ngoài ăn ở dầm dề ngay tại nơi đáng được bảo vệ kỹ lưỡng nhất. Điều đó có nghĩa gì?