“Cha đẻ” của hơn 400 giống lan lai tạo

Là người có năng khiếu về âm nhạc nhưng lại say mê chơi hoa lan nên sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), anh đã về quê ở Đắk Lắk, nghiên cứu cấy ghép lan. Anh từng đoạt được 3 giải đặc biệt, 3 huy chương vàng, 6 giải nhất tại Hội hoa xuân Tao Đàn và Hội hoa xuân Đầm Sen tổ chức hằng năm tại TP.HCM. Vừa qua, Hiệp hội Lan quốc tế ở Anh Royal Horticultural Society England (RHS) đã công nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ quốc tế 12 giống hoa lan mới do anh lai tạo. Anh là Phan Trọng Dũng – “cha đẻ” của hơn 400 giống lan lai tạo.

“Bén duyên” với hoa lan

Khi nói về sự “thắm duyên” với hoa lan, anh Dũng bộc bạch: “Hồi nhỏ tôi thường theo gia đình vào rừng làm rẫy. Những lần đó, tôi đã bị những nhánh lan rừng bám trên thân cây cổ thụ “mê hoặc”.

Kể từ đó, sau những buổi tan trường cậu bé Dũng lại một mình vào rừng “săn” lan đưa về nhà chăm sóc. Nhiều bữa, quá mải mê quan sát ở trên cao Dũng đã lạc vào rừng sâu.

Sau những lần như thế, Dũng thường bị bố đánh đòn, nhưng cậu vẫn không “dứt” ra khỏi cái đẹp trầm lắng, tinh khiết của những bông lan rừng được.

Tuy còn bé nhưng Dũng luôn ấp ủ ước mơ là sau này sẽ tạo được một vườn lan rộng bao la, hằng ngày được ngồi dưới những giò lan dạo đàn ghi ta cho tiếng nhạc hòa quyện với hương thơm kỳ lạ của hoa lan.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, sẵn năng khiếu về âm nhạc, chàng thanh niên Phan Trọng Dũng thi đậu vào Nhạc viện TP.HCM. Hành trang xuống thành phố nhập học là toàn bộ những giò lan mà cậu sưu tập được từ bé.

Lúc này, thầy giáo dạy guitar thấy Dũng là một sinh viên nghèo từ miền núi xuống thành phố học, thầy đã gọi Dũng về nhà thầy ở. Nhà rộng, nên thầy dành cho cậu một tầng lầu phía trên để chăm sóc hoa lan. Lúc bấy giờ, tuy say mê và yêu quý hoa lan nhưng phương pháp chăm sóc hoa lan thì Dũng chỉ biết thao tác theo cảm tính.

Tiếng lành đồn xa, bạn bè nhiều người biết cậu sinh viên người Tây Nguyên đang sở hữu một bộ sưu tập lan với trên 100 giống, nên họ thường ghé đến chiêm ngưỡng.

Trong số khách thưởng lãm có bố của một người bạn học của Dũng làm ở Công ty Công viên cây xanh. Ông đang thực hiện một đề án về trồng hoa lan cho công viên, nhưng gần tới ngày hoàn thành đề tài mà vị này vẫn chưa tìm được đủ lan.

Sau khi tham quan “vườn” lan của Dũng xong, ông đặt vấn đề mua lại toàn bộ số lan với giá cao. Dũng lưỡng lự, ông thuyết phục sẽ cung cấp sách, tạp chí nước ngoài về kỹ thuật chăm sóc, cấy ghép hoa lan cho cậu. Bị hấp dẫn bởi lời đề nghị trên, Dũng đồng ý bán.

Lần đầu tiên cầm các tài liệu về kỹ thuật cấy ghép, chăm sóc hoa lan trong tay Dũng rất hạnh phúc. Nhưng khổ nỗi tài liệu này bằng tiếng Anh, mà ngoại ngữ cậu lại mập mờ. Vì “mối tình” với hoa lan, Dũng đã đến trung tâm ngoại ngữ đăng ký học thêm tiếng Anh. Và từ đấy, vốn ngoại ngữ chuyên ngành đã mở ra con đường đi đến thành công trong việc lai tạo hoa lan sau này.

 
Hoa lan Vũ nữ nở vàng rợp ở khu nuôi trồng cây trưởng thành trong trang trại của Phan Trọng Dũng.

Mê lan bỏ nhạc

Năm 1986, tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM, bạn bè anh mỗi người tìm cho mình một hướng đi, người thành nhạc sĩ, ca sĩ, người làm nhạc công, riêng anh lại chẳng tìm việc làm phù hợp với ngành học.

Bạn bè thấy thế, nhiều người bảo anh là… “dở hơi”, “khùng”… Mặc cho mọi người đánh giá, anh vẫn thực hiện niềm đam mê của mình, Dũng đã khăn gói về Đắk Lắk… trồng lan.

“Đối với tôi nhạc là năng khiếu, lan là đam mê. Tôi là người có tính hơi… lãng mạn, nên tôi sẽ đi theo niềm đam mê của mình. Hoa lan như là máu thịt của tôi, lúc chưa biết kỹ thuật chăm sóc lan còn khó “dứt”, khi biết rồi thì ai nói gì cũng mặc kệ” – anh Dũng bộc bạch.

Chưa học qua trường lớp nào về nông nghiệp, nhưng sẵn kiến thức cấy ghép, lai tạo hoa lan nhờ đọc sách kỹ thuật, tạp chí nước ngoài, cộng với số tiền có được nhờ bán bộ sưu tập lan của mình, anh Dũng đã tìm mua các giống lan trong nước cũng như nước ngoài về chăm sóc, cấy mô thử nghiệm.

Thời gian này đầu óc anh cứ luôn lởn vởn với những tép lan, hóa chất và ống nghiệm… Nhưng mọi việc ban đầu không thuận lợi như anh nghĩ, càng thực hiện cấy ghép càng thất bại, nhiều lúc tưởng chừng như bế tắc… Không nản chí, anh tiếp tục vét những đồng tiền cuối cùng, vay mượn tiền gia đình, bạn bè để thực hiện ước mơ.

Bên cạnh đó, anh đặt mua dài hạn các tạp chí nước ngoài về hoa lan để tiếp tục bổ sung kiến thức. Chính thời gian này, anh đã được bạn bè cùng sở thích hoa lan giới thiệu gia nhập thành viên của Hội Hoa lan quốc tế.

Từ đó, anh học hỏi được rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm từ bạn bè. Thành công cũng bắt đầu đến với anh, những giống lan do anh lai tạo ngày càng phát triển nhiều hơn.

Nói về công việc của mình, anh tâm sự: “Người lai tạo hoa lan cần phải có tính kiên trì, tỉ mỉ. Để lai tạo một giống lan mới từ lúc cấy mô, đổ mầm, trưởng thành tới lúc nở hoa mất khoảng 2 năm… nhưng không phải lúc nào cũng thành công”.

Đạt được những thuận lợi trên, anh Dũng bắt đầu gầy dựng, mở một trang trại hoa lan ở Cầu Chui trên đường Đinh Tiên Hoàng, TP Buôn Ma Thuột, nhưng do địa hình tại đây trũng nên thường bị nước ngập úng.

Xót hoa, anh đành phải liên hệ tìm mặt bằng ở thôn 8, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột là nơi địa hình cao ráo. Địa điểm mới này là xuất phát điểm thành công của anh, hàng trăm giống hoa lan do anh lai tạo ra đời phát triển tốt đến bây giờ.

Sau khi đi vào hoạt động một thời gian, nhiều thị trường tiêu thụ hoa lan lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ… đã đặt hàng anh với số lượng lớn và mỗi tuần anh xuất hàng một lần.

Có thể nói, Phan Trọng Dũng là người đi tiên phong trong việc kết hợp nguồn gen lan ngoại với nguồn gen lan rừng Việt Nam, tạo thành các giống lan thương phẩm độc đáo. Đến nay, anh Dũng đã là chủ nhân của một trang trại 2,3 ha, bao gồm phòng thí nghiệm nhân giống, cấy mô, khu vườn ươm cây con, khu nuôi trồng cây trưởng thành và khu bảo tồn nguồn gen lan rừng Việt Nam, với tổng chi phí đầu tư trên 3 tỷ đồng.

Đây là một trang trại nuôi trồng hoa lan chất lượng cao đã đoạt được 3 giải đặc biệt, 3 huy chương vàng, 6 giải nhất tại Hội hoa xuân Tao Đàn và Đầm Sen tổ chức hằng năm tại TP.HCM.

Cuối năm 2007, anh Dũng đã nhận được giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ IX với đề tài “Nghiên cứu lai tạo tuyển chọn giống mới, ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác nhân giống hoa phong lan phục vụ nông nghiệp”.

Đồng thời trước đó, anh đã gửi 14 giống lan mới mang tên tuổi của Việt Nam sang Hiệp hội Lan quốc tế ở Anh RHS và đã được tổ chức này chấp nhận đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ 12 giống.

Khi chia tay, anh bộc bạch cảm xúc: “Mỗi giống lan được lai tạo thành công là một đứa con tinh thần, những giống lan được quốc tế công nhận là những đứa con xuất sắc. Trong tương lai tôi sẽ cố gắng để tạo ra được nhiều giống lan mới nữa”. Thành quả trên là niềm hạnh phúc lớn của Phan Trọng Dũng và cũng là niềm tự hào của những nghệ nhân yêu thích hoa lan Việt Nam.