Giấy điện tử (e-paper) là lời giải không những cho bài toán giá nguyên liệu giấy tăng chóng mặt và bảo tồn tài nguyên rừng mà còn đáp ứng nhu cầu in ấn đang tăng vọt tại những thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ.
E-paper là công nghệ màn hình được thiết kế bắt chước hình thức in trên giấy. Giấy điện tử giống với giấy thường ở chỗ nó có thể đọc được, viết được, uốn cong được nhưng không thể xếp gấp lại thành máy bay hay hạc giấy. Cũng là màn hình nhưng khác với màn hình phẳng sử dụng nguồn sáng phía sau để làm nổi các điểm ảnh, giấy điện tử phản quang giống như giấy thường, và có khả năng lưu giữ văn bản và hình ảnh vô thời hạn, đồng thời cho phép người dùng chỉnh sửa hình ảnh, câu chữ tùy ý.
Tại Triển lãm Finetech Japan Display tổ chức tại Tokyo tháng 4 vừa qua, các công ty Nhật trình làng nhiều sản phẩm giấy điện tử mới độc đáo từ sách điện tử dày và chắc chắn, cho đến màn hình mỏng dính trông như tấm nhựa có thể uốn cong. Với việc cho ra đời giấy điện tử thế hệ mới, Nhật Bản đang tận dụng thế mạnh công nghệ cao của mình để góp phần hạn chế rác thải và bảo vệ môi trường.
Chẳng hạn như Fujitsu phát triển loại giấy điện tử màu và dẻo được xem như chìa khóa để mở cánh cửa xuất bản báo và tạp chí điện tử. Trong khi đó, Bridgestone trình làng loại giấy điện tử dễ uốn khổ 10×13 cm, có thể tạo ra 4.096 màu. Hiện hãng đang phát triển loại giấy điện tử tiên tiến, mang tên công nghệ màn hình QR-LPD ít tốn năng lượng. QR-LPD mang đến hình ảnh giống như giấy với góc nhìn rộng và tạo cảm giác thoải mái khi đọc dưới mọi điều kiện ánh sáng, kể cả ánh nắng chói.
Mặc dù lâu nay được coi là sản phẩm thay thế giấy truyền thống nhưng từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào thập niên 1970 đến nay, giấy điện tử mới chỉ được sử dụng chủ yếu trong các thiết bị điện tử thời thượng. Chẳng hạn như Fujitsu và Sony sử dụng giấy điện tử có tên gọi màn hình điện chuyển (EPD) mềm dẻo cho mọi sản phẩm từ đồng hồ đeo tay, điện thoại di động (ĐTDĐ) đến sách điện tử. Màn hình EPD giải phóng điện tích dọc theo màng lưới tích hợp trong giấy điện tử làm di chuyển các điểm ảnh trắng đen, qua đó hiển thị văn bản và hình ảnh.
Tuy e-paper chưa thật sự phổ dụng, nhưng các nhà sản xuất vẫn lạc quan về tương lai của dòng sản phẩm tiện ích này. E-Ink, nhà sản xuất “giấy” cho sản phẩm sách điện tử Reader của Sony, tự tin rằng công chúng sẽ sớm tìm đến công nghệ tiết kiệm năng lượng (ý nói giấy điện tử) khi mà chi phí và nhiên liệu sản xuất giấy truyền thống không ngừng gia tăng.
“Nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu giấy càng tăng cao, như Ấn Độ và Trung Quốc chẳng hạn, trong khi giá giấy A4 hiện tăng 20-30% so với trước. Khi người dùng cố gắng tiết kiệm giấy để giảm bớt chi phí thì nhu cầu giấy điện tử sẽ tăng mạnh”, Ryosuke Kuwada, Phó Chủ tịch tập đoàn Ink dự báo. Còn theo Yoshiaki Kageyama, giám đốc giấy điện tử của Fujitsu thì “giấy điện tử sẽ là công cụ cá nhân mới mà doanh nhân sẽ luôn mang theo bên mình. Nó sẽ là “trợ lý” không thể thiếu sau điện thoại di động.