Một trong những nguyên nhân làm rau "bẩn" chính là những loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bán tràn lan trên thị trường. Cộng với ý thức tuân thủ về thời gian cách ly và liều lượng phun của người dân còn yếu thì mớ rau xanh non rất dễ trở thành mối nguy cơ bệnh tật.
Tràn lan thuốc ngoài danh mục
Cứ hễ ruộng rau nhà mình bị sâu là chị Thuỳ (Thanh Trì, Hà Nội) lại tìm đến các cửa hàng bán thuốc BVTV để tìm mua “thần dược” để cứu những luống rau cải xanh mơn mởn.
Ở cửa hàng, thuốc bán nhiều vô thiên lủng nhưng chị Thuỳ chỉ có thói quen sử dụng những loại thuốc có xuất xứ từ… Trung Quốc: “Phải phun thứ thuốc ấy mới đủ nặng để diệt sâu”, chị Thùy nói với bà chủ cửa hàng.
Trong vai những người đi mua thuốc để trừ sâu cho ruộng, tìm đến những hàng thuốc BVTV ở một số điểm trong thành phố Hà Nội. Con đường nối từ Ngọc Hồi tới Đông Mỹ (Thanh Trì) có vài cửa hàng bán thuốc BVTV.
Chỉ cần tạt vào, dăm ba câu chuyện đưa đẩy, người chủ hàng có thể “tư vấn” cho khách nên phun thuốc gì, như thế nào cho luống rau của mình mặc dù… chưa qua trường lớp đào tạo nào. Những loại thuốc ngoài luồng dù không được bày bán nhưng “Chú cần bao nhiêu, chỉ dăm phút là chị có đủ hàng cho chú phun cả mẫu ruộng”.
Tại một cửa hàng bán thuốc BVTV ở đường Láng, chị Hải – chủ cửa hàng, thoạt đầu nghi ngại khi có người hỏi mua những loại thuốc BVTV ngoài luồng. Nhưng sau khi nghe giải thích rằng “nhà em toàn dùng loại thuốc ấy để phun”, chị Hải đã lục tục vào trong nhà trong.
Một lát sau, chị trở ra, trên tay cầm một bọc nilon đen: “Cất nhanh lên, “nó” mà bắt thì chết”. Chúng tôi mở ra, đó là 5 gói thuốc toàn bộ bằng chữ Trung Quốc. “Cũng có nhiều người dùng loại này, cũng công hiệu lắm”, chị Hải cho biết.
Chẳng lẽ bó tay
Bà Nguyễn Thị Hoa, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội, cho hay: “Trong 2 năm trở lại đây, thanh tra Cục hầu như không phát hiện thuốc BVTV nằm trong danh mục cấm các vùng sản xuất rau an toàn, chỉ phát hiện duy nhất một mẫu cấm lưu hành là Endosunfan, do thuốc này mới được cấm lưu hành từ năm 2005 nên vẫn còn xuất hiện trên thị trường”.
Tuy nhiên, hiện tượng buôn bán thuốc BVTV có nhãn mác sai quy định, thuốc kém chất lượng thuốc hết hạn sử dụng vẫn còn tồn tại trên thị trường, nhất là tại các vùng giáp ranh với các tỉnh như Hồng Kỳ (Sóc Sơn), Liên Ninh (Thanh Trì), Tây Tựu (Từ Liêm)…
Vẫn theo bà Hoa, hiện công tác thanh tra gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra quá mỏng (Chi cục BVTV Hà Nội có 5 cán bộ thanh tra chuyên ngành). Hơn thế, đại đa số những cơ sở kinh doanh thuốc BVTV sai quy định đều giấu thuốc sai phạm rất kín trong nhà.
“Khi kiểm tra, chúng tôi chỉ được phép kiểm tra ngoài cửa hàng. Không được phép khám nhà. Vì thế, nhiều nơi, biết là có thuốc sai quy định, chúng tôi vẫn không phát hiện được”, bà Hoa than thở.
Ông Nguyễn Quang Minh, cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Thanh tra không xuể!
Hiện nay những thuốc BVTV ngoài danh mục vẫn được bán tràn lan trên thị trường trong khi lực lượng thanh tra BVTV thì quá mỏng. Hiện tại, tại các chi Cục lực lượng thanh tra thường khoảng 3 người, mỗi khi đi kiểm tra, phải huy động 1 thanh tra tại các trạm BVTV địa phương. 4 người 1 đoàn đi kiểm tra là quá ít trong khi có rất nhiều cửa hàng bán loại thuốc này.
Không chỉ thế, lực lượng thanh tra khi phát hiện sai phạm cũng có quyền xử phạt tối đa là 200.000đ, nếu lớn hơn thì phải có quyết định của Thanh tra sở. Phạt ở mức ấy là quá nhẹ, chủ cửa hàng sẽ không sợ.
Thanh tra cũng không có quyền được vào lục soát trong nhà mà chỉ kiểm tra ngoài cửa hàng, trong khi các cửa hàng thường để thuốc ngoài luồng tại kho riêng, khi khách hỏi thì mới đem ra. Đây cũng là khó khăn mà lực lượng thanh tra của chúng tôi thường gặp phải.
Chúng tôi cũng đã từng làm việc với một số cơ quan tại cửa khẩu, đề nghị họ phối hợp để ngăn chặn thuốc BVTV ngoài luồng nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc ngăn cản gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc giải bài toán thuốc BVTV ngoài luồng rất cần sự phối hợp của từng địa phương chứ không nên chỉ trông chờ vào lực lượng thanh tra BVTV còn mỏng như hiện nay.
TS Nguyễn Thị Nhung, phó Bộ môn Thuốc Cỏ dại và Môi trường, Viện bảo vệ thực vật: Hóa chất BVTV – Tác nhân gây ung thư
Những loại thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay đều rất độc với con người, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, nhất là rau và hoa quả tươi. Đa phần các loại thuốc ấy thuộc nhóm lân hữu và clo hữu cơ, có thời gian phân huỷ khá lâu.
Khi người nông dân phun thuốc, sau từ 3-5 ngày, họ tiến hành thu hoạch rau. Thời gian cách ly ngắn như vậy không đảm bảo đủ độ an toàn cho rau, như vậy trong rau vẫn có dư lượng thuốc BVTV. Khi người tiêu dùng ăn phải sẽ gây một số ngộ độc cấp tính, tiêu chảy, đau bụng. Về lâu về dài, những hóa chất ấy tích tụ trong cơ thể sẽ dẫn đến căn bệnh ung thư cho con người.
Ông Đào Duy Tâm, phó Giám đốc sở NN&PTNT Hà Nội: Cơ chế xử phạt còn quá nhẹ
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát thuốc BVTV ngoài luồng gặp khó khăn. Theo quy định hiện nay, dưới 5kg thuốc sai quy định chỉ xử phạt từ 200.000đ – 500.000đ. Ngoài ra, một khó khăn nữa là thanh tra chuyên ngành chỉ được quyền kiểm tra, việc đưa ra mức xử phạt lại do thanh tra nhà nước tiến hành. Điều này dẫn đến tình trạng quyết định xử phạt ra chậm và không có tính hiệu lực cao.
Theo số liệu tổng kết của Cục BVTV, trong năm 2007, Chi cục kiểm tra 59 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, trên địa bàn Hà Nội phát hiện được 17 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV sai nhãn mác, quá hạn sử dụng, chất lượng kém…
Tổng số tiền phạt trong năm 2007 là 44 triệu đồng, tịch thu 187kg thuốc BVTV sai quy định và yêu cầu thay nhãn mác đối với 380kg thuốc. Trong năm 2008, Chi cục đã kiểm tra 15 cơ sở và phạt hành chính đối với 3 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt là 6 triệu đồng và tịch thu 24kg thuốc BVTV sai quy định.