Năm 1996, Công ty TNHH Kiều Phương (Tân Kỳ – Nghệ An) được giao quản lý gần 600ha rừng, thời hạn 50 năm. Tuy chưa được hưởng lợi ngay song những cánh rừng này đã báo hiệu nhiều “điềm lành”.
Đồi trọc “khoác áo”
Đó là khu rừng ở xã Nghĩa Dũng, nơi trước đây ông Tô Anh Phương (Giám đốc Công ty TNHH Kiều Phương) từng đóng quân. Tuy nhiên, phải mất một thời gian khá dài sau ngày xuất ngũ, ông Phương mới thực sự là chủ nhân của nó (năm 1996). Khi nhận khoanh nuôi, bảo vệ, cả cánh rừng mênh mông này chỉ có nứa, giang, dây leo… và chủ nhân của nó chưa biết đầu tư, phát triển rừng như thế nào để sinh lợi. Vì vậy, trong 10 năm, từ năm 1996 đến năm 2005, công tác chăm sóc rừng của ông Phương chủ yếu là bảo vệ và “ngắm nhìn”. Nhưng rồi cũng phải “tính” vì sống ở rừng, đất nhiều vô kể, không thể nghèo đói mãi được. Từng câu hỏi xoáy sâu vào tâm trí của người lính…
Ngay sau đó, ông quyết định trồng keo lai, vì ở thành phố Vinh (cách Tân Kỳ gần 100km) đã có nhà máy giấy, và sắp tới, vào năm 2010, tại xã Nghĩa Dũng cũng mọc lên một nhà máy với công suất lớn. Xét thấy đầu ra thuận lợi nên ông Phương chỉ đạo Công ty nhanh chóng mở rộng diện tích trồng rừng nguyên liệu. Kết quả là trong năm 2006, đã có 230ha bạch đàn và keo lai được phủ xanh khu đồi trọc. Dự tính, năm 2008, Công ty sẽ trồng thêm 100ha nữa, đến năm 2010 sẽ phủ kín diện tích được giao. Điều đáng nói là cách đầu tư chăm sóc, bảo vệ rừng của Kiều Phương khác xa so với các đơn vị “xóm giềng”.
Theo ông Nguyễn Trọng Thắng, Trưởng phòng tổ chức kiêm Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kiều Phương: “Chúng tôi đầu tư vốn ban đầu rất lớn, chăm sóc rừng như vườn nhà, chi phí hiện đã lên đến 8 triệu đồng/ha. Nếu giá phân bón tiếp tục tăng thì chi phí cũng tăng theo”.
Ngoài ra, cách chăm sóc cũng rất quan trọng, không phải cứ “thả” cây xuống là xong, ông Thắng cho biết, công làm cỏ (3 đợt/năm) và bảo vệ không cho trâu, bò vào phá rất lớn. Công ty thường xuyên có tổ bảo vệ 5 người, túc trực ngày đêm với mức lương 1 triệu đồng/người/tháng. Vào thời vụ, số người làm công lên đến 50-70 người, tiền công theo thoả thuận 50.000-60.000 đồng/người/ngày. Song song với những công việc trên là công tác phòng chống cháy rừng, diệt trừ sâu bệnh…
Nếu không thực hiện đủ các “quy trình” ấy thì rừng khó có thể sinh lợi. Tuy nhiên, Kiều Phương không dừng lại ở đó, sau khi rừng đã phát triển ổn định, Công ty sẽ đưa các loại động vật quý hiếm về nuôi, xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng…
Đôi điều về cách quản lý
Qua tìm hiểu, được biết, trên địa bàn huyện Tân Kỳ, ngoài Công ty TNHH Kiều Phương còn có nhiều đơn vị quản lý rừng như Ban quản lý rừng (BQLR) phòng hộ huyện Tân Kỳ, Tổng đội Thanh niên xung phong 4 của tỉnh… Song, rừng do huyện quản lý hiện bị xâm hại nhiều, chưa đem lại kết quả như mong muốn, thế mạnh của rừng chưa được khai thác triệt để… Công ty TNHH Kiều Phương cũng không nằm ngoài khó khăn trong việc quản lý rừng của huyện.
Theo ông Thắng, hiện Kiều Phương đang phải giải quyết những tồn tại do các hộ dân trong vùng vào lấn chiếm trái phép trước khi giao cho Công ty. Đây chính là hậu quả của một thời gian dài rừng bị buông lỏng quản lý, dẫn đến việc bị xâm hại nghiêm trọng.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, thiết nghĩ, cần phải xác định rõ ranh giới các loại rừng, đất rừng. Diện tích ấy giao cho đơn vị hay cá nhân nào quản lý, có thực sự đem lại hiệu quả không? Nếu không sinh lợi thì phải hoàn trả và sắp xếp lại theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT…
Bên cạnh đó, công tác chống lâm tặc cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2007, Kiều Phương bị kẻ gian chặt phá trên 1.000 cây keo lai một năm tuổi, vụ việc này vẫn đang được công an điều tra. Về phía mình, Công ty sẵn sàng hợp tác và chia “lửa” với các cấp chính quyền trong việc truy tìm lâm tặc.