Ðược bao bọc bởi những dãy núi đá vôi nối đuôi nhau chạy dài từ hướng bắc sang hướng nam, tạo nên nhiều thung lũng và hang động, khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) có môi trường sinh thái khá độc đáo: rừng trên núi đá, rừng nằm trên vùng đất trũng, rừng trên đất đồi dốc và đồng cỏ.
Ðây là điều kiện cho nhiều loài động vật quý hiếm sinh sống, như bức tranh sơn thủy hữu tình hoàn hảo do thiên nhiên ban tặng vùng đất cố đô xưa.
Dẫu đã nghe “tiếng lành đồn xa” về một khu du lịch Tràng An kỳ thú và huyền ảo nhưng khi đến đây, tận mắt chứng kiến, mới thấy tiềm năng du lịch lớn lao của vùng đất này.
Sáng sớm, xuống đò để vào khu du lịch sinh thái Tràng An, cách TP. Ninh Bình chừng 6 km. Ðón khách là một người đàn ông đã luống tuổi, mái tóc bồng bềnh, trán cao, hoạt bát và cởi mở. “Ông Son, chủ nhân của du lịch Tràng An hôm nay đấy”- chị Phạm Thị Hoàn- Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình giới thiệu. Xuống đò thì trời đổ mưa bụi. Những hạt mưa nhỏ li ti như rây bột bám vào quần áo. Trong màn mưa, mặt nước hồ gợn sóng lăn tăn, cây cối xanh thẫm và dáng núi cũng sẫm mầu in xuống mặt nước sóng sánh.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tại khu du lịch sinh thái Tràng An có chừng hơn 310 loại thực vật bậc cao, nhiều loại rêu tảo và nấm. Trong đó, một số loài gỗ thuộc diện quý hiếm như sưa, lát, nghiến cùng nhiều loài cây có giá trị cao được sử dụng làm thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh như hoài sơn, kim ngân, bách bộ, rau sắng, v.v.
Ngoài ra, còn có chừng 30 loài thú, hơn 50 loài chim, hàng chục loài chim, bò sát, trong đó một số loài thú quý hiếm như sơn dương, báo gấm, chim phượng hoàng. Trong mấy năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã từng bước giải quyết những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của môi trường sinh thái khu du lịch Tràng An. Ðó là những chính sách bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phòng cháy, chữa cháy không có tình trạng đốt nương làm rẫy ảnh hưởng tới cháy rừng.
Hầu hết các cửa ra vào rừng Tràng An được các lực lượng bảo vệ canh gác, kiểm soát, không có hiện tượng đánh bắt thủy sản trái phép. Tại các điểm du lịch, phương án bảo vệ rừng, môi trường được triển khai.
Nhận ra những tiềm năng du lịch của vùng đất này, với tình yêu và sự gắn bó quê hương, sau nhiều năm tháng bôn ba, “nhân duyên” đã khiến ông Son trở thành “tác giả” của Tràng An hôm nay. Là người sinh ra và lớn lên ở đây, ông thuộc từng hang động, từng hốc núi. Ði bộ đội vào chiến trường miền nam rồi ra quân về địa phương, ông được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã. Sau này, ông “rẽ ngang” làm doanh nghiệp xây dựng.
Năm 2002, ông có ý định khai thác khu Tràng An để trở thành điểm du lịch. Lúc đầu chỉ nghĩ là đầu tư vài tỷ đồng, sau đã lên tới hàng chục tỷ đồng cho công việc hút bùn, khơi thông dòng chảy vì trải qua hàng trăm năm bùn đất bít các cửa hang, hồ nước. Nhưng càng làm, càng thấy công việc nhiều quá và nguồn vốn đầu tư ngày càng lớn. Nhiều hang bị đất, bùn, rác lấp kín chỉ có một rãnh nước nhỏ chảy, phải đầu tư nạo vét mở rộng trở thành các tuyến du lịch đường thủy khép kín liên hoàn, chỉ đi một chiều, không quay lại và không trùng lặp tua du lịch.
Khi vào khu vực hang động, du khách mới thấy sự huyền bí của những hang động do thiên nhiên ban tặng ví như lạc vào một cung điện trong lòng đất tạo cảm giác kỳ thú. Trong quần thể xuyên thủy động ở Tràng An có tới 30 thung. Thung lớn nhất là thung đền Trần với diện tích hơn 21ha, thung nhỏ nhất là thung Sáng hơn 15 ha. Mỗi thung là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời, non xanh, núi biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện.
Ðiều diệu kỳ ở đây là các thung được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông thương từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo. Nhìn xa xa trên triền núi, du khách sẽ thấy dưới tán cây rừng lúp xúp là những đàn dê núi tung tăng trên các tảng đá chênh vênh.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, khu du lịch Tràng An sau khi cải tạo sẽ mang dáng dấp của một khu nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Nơi đây được chia làm hai mảng: du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái bao gồm leo núi, ẩm thực, bơi thuyền, lướt ván, câu cá, v.v. Thế nhưng càng thi công, càng thấy mức hoành tráng của công trình khiến ông Son phải liên doanh với anh Nguyễn Văn Trường, Giám đốc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.
Trong con mắt của các doanh nghiệp làm nghề du lịch lữ hành thì khoảng cách từ Ninh Bình tới Hà Nội với chiều dài chừng 100 km khi có đường cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình với bốn làn xe chạy chỉ mất khoảng hai giờ là đến nơi. Về giao thông quả là thuận lợi, còn về tiềm năng du lịch thì Ninh Bình có nguồn tài nguyên vô tận, với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, là nơi để du khách thưởng thức trong ngày nghỉ cuối tuần.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình Phạm Thị Hoàn cho biết: “Dự án xây dựng khu du lịch Tràng An được triển khai trên địa bàn thuộc bảy xã, phường ở ba huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình bao gồm: Hoa Lư, Gia Viễn và TP Ninh Bình với diện tích được quy hoạch 1.961 ha. Dự án chia làm năm khu chức năng, đó là Khu bảo tồn đặc biệt cố đô Hoa Lư; khu trung tâm; khu hang động; khu du lịch- dịch vụ và khu núi chùa Bái Ðính”.
Trong đó, khu trung tâm được bố trí trên diện tích 100 ha tại xã Trường Yên và Ninh Xuân. Tại đây, tỉnh sẽ xây dựng tượng đài vua Ðinh Tiên Hoàng, quảng trường, nhà bảo tàng, nhà điều hành, đón tiếp, bến thuyền để đón khách tham quan du lịch. Khu hang động với diện tích hàng nghìn ha thuộc các xã Trường Yên, Ninh Xuân, Gia Sinh, Gia Hải với hơn 100 hang động, trong đó hơn nửa số này là hang xuyên thủy động, có thể đi đò qua hang từ bên nọ sang bên kia. Chạy dài hơn 20 km cạnh các hang là những thung lũng nối liền. Tương truyền rằng nơi này là hậu cứ của triều vua Ðinh Tiên Hoàng từ hơn một nghìn năm trước.
Nằm trong quần thể du lịch Tràng An còn có Khu núi chùa Bái Ðính được UBND tỉnh Ninh Bình quy hoạch chi tiết với diện tích mặt đất chừng 400 ha thuộc xã Gia Sinh (Gia Viễn) hiện doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đang gấp rút thi công. Trong quần thể du lịch Tràng An, chùa Bái Ðính chiếm một vị trí quan trọng, gồm một quần thể Ðiện thờ Tam Thế, chùa Pháp Chủ, hành lang La Hán, tháp chuông và nhiều công trình phụ trợ khác. Tại đây đã có ba bức tượng lớn kỷ lục của Việt Nam là tượng Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối, nặng hàng trăm tấn và 500 pho tượng La Hán bằng đá nguyên khối, nặng chừng 50 tấn/pho do chính bàn tay của các nghệ nhân nghề đá Ninh Vân (Hoa Lư) thực hiện. Có thể nói, núi chùa Bái Ðính là nơi hội tụ các yếu tố để trở thành một khu du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh.