ThienNhien.Net – Có một điều thú vị trong thế giới sinh vật mà nhiều người còn chưa biết hoặc không để ý, đó là đôi khi những loài ký sinh lại có thể mang lại lợi ích cho những loài làm giá thể ký sinh cho chúng. Các nhà khoa học cũng đưa ra khuyến cáo khi xét mối quan hệ giữa hai loài, cần đặt mối quan hệ đó trong sự tương quan với các loài khác.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về mối quan hệ giữa loài côn trùng thụ phấn (Pleistodontes imperialis) với một loài sung Australia (Ficus rubiginosa). Kết quả là giữa chúng có mối quan hệ tương hỗ với nhau, chúng hợp tác với nhau, mỗi bên đều thu được lợi ích từ phía đối tác của mình.
Mối quan hệ đó đã kéo dài hơn 60 triệu năm, liên quan đến việc những con côn trùng cái tiếp xúc với cây sung và thụ phấn trong những bông hoa sung nhỏ xíu. Sau đó, các con côn trùng thụ phấn này đã đẻ trứng trong những cánh hoa, rồi mỗi con côn trùng được sinh ra lại giúp nuôi dưỡng hạt giống đang lớn lên trong những bông hoa đó.
Một câu hỏi được đặt ra mà các nhà khoa học chưa có câu trả lời liên quan đến thuyết hội sinh, đó là mối quan hệ tương hỗ này bền vững, ổn định đến mức nào. Điều gì sẽ ngăn cản một loài không lợi dụng mối quan hệ đó quá nhiều? Ví dụ, côn trùng có thể dễ dàng lấn át cây sung bằng việc đẻ quá nhiều trứng, từ đó dẫn đến sự tàn lụi của những hạt giống cây.
Nhà nghiên cứu James Cook, một nhà sinh thái học nghiên cứu về sự tiến hoá tại đại học Reading, Anh, cho biết: “Về bản chất, thuyết hội sinh đã được biết đến nhiều, thế nhưng việc hiểu nó khó hơn so với những ảnh hưởng tương tác giữa các loài khác nhau.”
Hoá ra những loài côn trùng ký sinh khác, đã từng được cho là có hại cho mối quan hệ tương hỗ giữa côn trùng và cây sung, thực sự lại có thể giúp duy trì mối quan hệ hợp tác này ổn đinh, ngăn ngừa việc côn trùng lợi dụng cây sung một cách thái quá.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu rất kỹ những cây sung nhỏ, chủ yếu mọc trên những tảng đá trên những sườn đồi ở Australia, vì thế nhà nghiên cứu Derek Dunn, người đã tham gia phần lớn những công trình này đã nói: “để có được những mẫu vật này, bạn phải trở thành những con dê núi.”
Các ký sinh trùng đẻ trứng vào những bông hoa gần trung tâm quả. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, các ký sinh trùng thường tránh những bông hoa phía ngoài vì chúng sợ trứng của chúng sẽ dễ dàng bị các côn trùng ký sinh khác tấn công. Điều này giúp hạt sung có điều kiện phát triển ở những bông hoa phía ngoài.
Những côn trùng ký sinh này vẫn luôn bị đánh giá là có những tác động tiêu cực đến mối quan hệ hợp tác giữa công trùng thụ phấn và cây sung. Thế nhưng, nhà nghiên cứu Cook đã nói: “Sau cùng, chúng đã giết những con côn trùng thụ phấn. Những gì chúng tôi thấy, đó là chúng thực sự đã góp phần ổn định mối quan hệ tương hỗ lâu dài bằng cách tạo sức ép đối với những côn trùng thụ phấn, để những hạt giống vẫn có điều kiện phát triển.”
”Thuyết tương hỗ thực sự đã có nhiều bước phát triển nhờ các ký sinh trùng, thế nhưng bây giờ lại đến lúc chúng ta phải thắc mắc tần suất các ký sinh trùng thực sự đóng vai trò trong việc ổn định sự tương hỗ này nói chung. Chúng ta cần nghĩ về việc thuyết tương hỗ gắn liền, hay đôi khi là phụ thuộc vào một mạng lưới tương tác rộng hơn giữa các loài.”, ông Cook đã phát biểu như vậy.