Các khu nhà trọ ở Hà Nội đang mọc lên như nấm. Nhiều phòng, đông khách trọ nhưng điều kiện ăn ở mất vệ sinh khiến không ít khu nhà trọ đang là những ổ dịch bệnh nguy hiểm.
Ở Hà Nội, các khu nhà trọ lớn tập trung tại xung quanh các trường Đại học, Cao đẳng hoặc nơi tập trung người lao động phổ thông như Phương Mai, Kim Liên (quận Đống Đa), Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), Phùng Khoang (quận Thanh Xuân)….
Cứ chiều đến, tại khu trọ ở ngõ 350 – Kim Lủ – Đại Kim – Hoàng Mai, mọi người muốn tắm giặt phải chờ tới phiên vì có tới 30 phòng cho thuê. Chị Phạm Thị Loan (quê ở Bắc Ninh) trọ ở đây đã mấy năm rồi, cho biết: “Mỗi năm, phòng trọ đều được xây thêm, người đông lên, giá phòng cũng tăng; chỉ có mỗi nhà vệ sinh, nhà tắm vẫn thế. Tại đây, với hơn 30 phòng cho thuê với giá từ 350.000 – 1.000.000 đồng, chủ nhà thu gần 20 triệu/tháng. Vậy mà nhà vệ sinh ở đây cứ như thuộc sở hữu của một gia đình quá nghèo.
Khu trọ trong ngõ 41 Đông Tác, Kim Liên (Đống Đa) là một xã hội thu nhỏ cũng có đủ mọi thứ phức tạp. Khu trọ ở số 19 trong ngõ 41 này giáp liền với sông Từ, có gần 500 người sống ở đó. Chị Hoàng Thu Hà (quê ở Hà Nam) – đã ở đây ngót nghét 5 năm – cho hay: “Khu trọ này tạp nham, tập trung nhiều thành phần từ lao động trí thức, sinh viên, lao động chân tay đến khách vãng lai không rõ lý lịch… tất tật, ngày nào cũng có người đến, người đi. Chả mấy ngày không có trộm cắp, thỉnh thoảng lại đánh nhau, tụ tập rượu chè, cờ bạc nữa”.
Chúng tôi đi thăm một vòng quanh các dãy trọ, chỗ nào cũng ẩm ướt, rêu mốc. Gần 130 phòng ở mà chỉ có vẻn vẹn 5 khu nhà vệ sinh. Riêng 3 khu nhà vệ sinh gần sông đều chẳng có hệ thống tự hoại, cứ thế phân, nước thải chảy ra cống, xuống sông”. Thế nên, những dãy phòng ở gần sông quanh năm ngấm mùi hôi tanh của nước sông xen lẫn mùi khăm khắm. Vì thế mà mỗi khi Hà Nội có dịch gì thì xóm trọ có người mắc bệnh đó. Dịch tả lần này, khu trọ có 3 người bị tiêu chảy và kết quả xét nghiệm là nhiễm khuẩn tả.
Hiện nay, hồ Linh Quang, phường Văn Chương – con hồ rộng hơn 3.000m2, từng được xác định là nhiễm vi khuẩn tả cách đây 1 tháng – đang được làm vệ sinh môi trường. Nguyên nhân chủ yếu khiến hồ ô nhiễm cũng là do nước, phân thải từ khu nhà trọ của người lao động ngoại tỉnh nằm sát ven hồ. Hơn 100 hộ gia đình có 2.000 dân, các nhà vệ sinh cũng “đậu” ngay ven hồ, và thải ra tất cả phân rác ra ngay hồ. Những căn nhà dựng tạm, nhếch nhác, dùng nước giếng khoan, bếp nằm kề nhà vệ sinh.
Bà Nguyễn Thị Dung (52 tuổi) là dân gốc gác ở phường, buôn bán rau quả trong chợ tạm Văn Chương, cho biết: ” Những đống rác thải ở đây là tồn đọng nhiều năm để lại. Hầu hết do người lao động ngoại tỉnh, cơ sở chuyên phế liệu đổ trộm vào buổi đêm”. Chính quyền phường đã nhiều lần cấm đố phế liệu xuống hồ, xử lý hành chính nhiều trường hợp. Chỉ được thời gian ngắn đâu lại vào đó.
Xung quanh nhiều hồ ao chưa được cải tạo ở Hà Nội cũng đều là các khu nhà trọ mất vệ sinh, tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát dịch bệnh, mà hồ Linh Quang tại phường Văn Chương đã nhiễm tả là điển hình. Khi dịch tiêu chảy cấp bùng phát, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị UBND TP xem xét ra quy chế, chỉ có những nhà trọ đạt yêu cầu sinh hoạt vệ sinh tối thiểu mới được nhận khách trọ. Đề nghị đã có, và bệnh nhân tiêu chảy ở Hà Nội vẫn còn được ghi nhận hàng ngày, không biết khi nào quy chế này mới có thể thực thi!