Khi đất đai, đồng ruộng phải “bán đi” để các khu công nghiệp, dự án đô thị, thương mại, du lịch… mọc lên, rất đông nông dân gần như thất nghiệp. Nhiều người đôn đáo tìm cách làm ăn khác như buôn bán, làm thủ công, cũng có người kiếm được việc trong các dự án đó. Thế nhưng một thực tế rất đau lòng, có rất nhiều người thuần nông không thể làm gì được ngoài việc đồng áng. Và khi mất hết đất đai, họ trở thành “bần nông” đúng nghĩa.
Kỳ 1: Đồng ruộng thành khu công nghiệp
Đong gạo từng bữa
Trời chạng vạng tối, trong vai khách đi săn đất khu đô thị mới, tìm đến làng Lũng Vân, xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Tây), nơi chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km.
Trong căn nhà vừa dựng lên cuối làng, nhìn thẳng ra cánh đồng rộng vút tầm mắt, giờ đã thành một công trường ngổn ngang cát sỏi, máy móc của đơn vị thi công dự án khu đô thị mới Nam An Khánh.
Trò chuyện với hai ông Nguyễn Văn Sơn và Vũ Văn Nhu đều ngoài 50 tuổi, ngồi buồn bã. Ông Nhu, chủ nhà, chỉ ra cánh đồng, bảo: “100% đất ruộng của xã An Khánh đã bị thu hồi để làm khu đô thị mới. Bây giờ cả làng không còn chỗ nào có thể trồng lúa được nữa”. Rồi chỉ vào mảnh đất và căn nhà tạm vừa được sửa sang để làm một quán bia “cóc”, ông bảo: “Cả dãy nhà này thực ra nằm trên đất ruộng nhưng do chủ dự án khu đô thị mới không “chạm” đến, nên chúng tôi tự “quy hoạch” để tranh thủ làm quán bia, chờ mai kia chính quyền xã cho nộp tiền làm thủ tục hợp thức hóa thành đất ở”.
Theo lời ông Sơn thì đến thời điểm này, một thửa ruộng nhỏ để trồng rau xanh ở An Khánh cũng trở nên hiếm. Thị trường đất lên “cơn sốt”, nhà nào cũng tranh thủ cắt đất vườn ra bán cho người Hà Nội. Khắp làng, nhà cửa, công trình xây dựng ầm ầm. Đất cứ như co thắt lại.
“Mang tiếng là nông dân, làng vẫn là “quê” mà rau xanh cũng phải đi mua, chứ chưa nói chuyện phải ăn đong thóc gạo” – ông Sơn giãi bày. Ông Nhu tiếp lời: “Từ 3 năm nay, người dân An Khánh chúng tôi đã bắt đầu phải ăn đong thóc gạo vì đã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao đất cho nhà nước. Người quê khi không còn ruộng mới hiểu thế nào là “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”.
Ông Sơn kể, nhà ông có 5 miệng ăn. Trung bình, mỗi tháng một người phải có 15-20kg gạo ăn mới đủ no. Tính ra, cả 5 người ăn hết khoảng 75-80kg gạo. Mà gạo càng ngày càng đắt. Giá gạo loại trung bình bây giờ đã lên tới 10.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi tháng nhà ông ăn hết khoảng 750.000 đồng tiền gạo. Đó là một món tiền quá “khủng khiếp” đối với gia đình nông dân. Bởi vì, nếu làm thợ xẻ, cửu vạn vác đá, đóng gạch, thợ hồ… thì mỗi ngày còn có thể kiếm được 50.000 đồng. Còn như người dân bình thường, chạy vạy đủ việc, mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 20.000-30.000 đồng, thì số tiền này chỉ đủ để đong gạo hàng ngày.
Tại thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), nơi đã “nhường” hơn 50% đất ruộng cho các nhà máy, khu công nghiệp, tình trạng trên cũng diễn ra. Bà Luyến, người thôn An Lạc, kể: “Trong thôn nhiều nhà không còn mẩu ruộng nào. Đám thanh niên, một số chạy được công việc làm, số còn lại chơi rong, thất nghiệp. Những người đứng tuổi thì hầu như “ngồi chơi xơi nước”. Cũng có người chạy làm hàng mã, bán hàng nước… nhưng không ăn thua gì. Ngày kiếm thêm được ít tiền, nhưng nhà 4-5 miệng ăn, lo chạy gạo từng bữa. Bây giờ gạo đắt thế này, khổ lắm mấy chú ơi…”.
Mấy tháng qua, khi giá thóc, gạo bắt đầu tăng cao (gấp 1,5-2 lần so với bình thường) thì ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các làng có tiểu thủ công nghiệp phát triển, nhiều hộ gia đình đã từng đem ruộng cho thuê đang phải đi “đòi” lại để cấy hái. Thậm chí, việc đi “đòi” lại ruộng ở Văn Lâm và Văn Giang (Hưng Yên) đang trở thành phong trào. Bởi, với khoảng 75% dân số là nông dân, chuyện đất ruộng, cây lúa, hạt thóc vẫn là chuyện cốt tử đối với cuộc sống hàng ngày…
Một nông dân ở Sài Sơn (Quốc Oai – Hà Tây) không còn ruộng sản xuất phải làm nghề nhặt rác ở gần các nhà máy mới xây dựng, ngay trên đất ruộng của mình. |
Kiếm sống bằng nghề gì?
Tại thôn Lũng Vân, xã An Khánh, khi hỏi chuyện, không còn ruộng để làm ăn thì người nông dân ở đây kiếm sống ra sao? Cả hai ông Sơn và Nhu đều cười e ngại, tỏ ra hoang mang, vì chưa biết phải trả lời thế nào cho đúng! Trong mắt họ, ánh lên một nỗi buồn khó tả.
Ông Sơn cho biết, khi thu hồi đất làm khu đô thị, được đền bù mỗi sào ruộng 46 triệu đồng (gồm tất cả các khoản như tiền bồi thường ruộng, đền bù hoa màu, phí hỗ trợ tìm công ăn việc làm). Nhà ông có 2 sào ruộng, tổng cộng được 92 triệu đồng. Ban đầu, số tiền này là một món lợi quá lớn mà người dân quê chưa bao giờ kiếm được. Và họ cũng không biết dùng để làm gì. Ông bắt chước nhiều người dân khác trong làng, đem gửi vào ngân hàng. Mỗi tháng, rút ra được món tiền lãi khoảng 900.000 đồng. Giá gạo lên cao, số tiền đó coi như chỉ đủ mua gạo cho cả nhà ăn một tháng và vài thứ lặt vặt như rau cỏ, mắm muối. Để có thêm tiền chi tiêu hàng trăm việc khác như tiền điện, nước, thuốc thang, chữa bệnh, ma chay, cưới hỏi… họ phải xoay xở đủ cách.
Chưa hết, khi nhận được món tiền đền bù đất “khá lớn” đó, nhiều gia đình đã dùng tiền xây nhà, mua sắm xe máy. Và khi tiêu hết tiền, họ coi như “trắng tay”, bắt đầu xoay xở mọi cách để kiếm tiền. Mà đâu phải người nào, lúc nào cũng xoay xở được…
Ông Nhu cho biết, sau khi mất đất nông nghiệp, lực lượng thanh niên trẻ, khỏe trong làng có thể tự tìm kiếm được công ăn việc làm bằng cách kéo đi các tỉnh, các vùng làm thuê làm mướn với những nghề nặng nhọc, nguy hiểm như thợ hồ, thợ xây, đào hầm, đập phá bê tông, cửu vạn khuân vác ở các bến tàu, bến xe…
Do phần lớn thanh niên nông thôn không có tay nghề, trình độ nên sau khi bị mất đất, họ xin vào các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn đều bị “trả về” vì không thể đáp ứng được công việc.
Một số rất ít thanh niên được chính quyền cho tham gia vào các lớp đào tạo nghề thì xin được vào các công ty, xí nghiệp để làm công nhân nhưng chẳng làm được bao lâu vì công ty, xí nghiệp không có việc làm thường xuyên, trả lương bèo bọt, không có chế độ đãi ngộ, ưu tiên… Lo nhất là những người đã có tuổi mà vẫn còn sức khỏe. Sau khi mất ruộng, họ bị “thải” ra cả loạt, nên không ai lo nổi công ăn việc làm cho họ. Bản thân họ cũng không tự xoay sở được. Bởi thế, cả ngày đành ngồi rỗi chân rỗi tay trong nhà. Ông Nhu than thở: “Buôn bán thì không có vốn. Kinh nghiệm thương trường cũng không. Vả lại, ai cũng buôn bán thì bán cho ai?”.
Tốc độ “đô thị hóa”, “du lịch hóa” ở Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định… đang diễn ra nhanh như vũ bão. Nếu một vài làng phải mất đất, mất ruộng thì còn có thể xoay xở, bố trí, ổn định được. Còn như hiện nay, đất nông nghiệp cứ bị “nuốt” dần từng mảng, nông dân cứ lũ lượt phải xa rời đồng ruộng để trở thành “dân phố thị” với đồ đủ nghề: hàng rong, xe ôm cửu vạn…
Văn hóa làng quê: Còn hay mất!
Anh Nguyễn Trung, ngoài 40 tuổi, một chủ hộ ở thôn Ỷ La, làng La Cả (xã Dương Nội, Hà Đông, Hà Tây) lo ngại cho rằng, nếu không còn ruộng, chắc chắn một bộ phận con em nông dân sẽ “nhàn cư vi bất thiện”. Mà “vi bất thiện” thì có thể sa vào trộm cắp, tệ nạn xã hội… Đó là điều bản thân họ và cả xã hội đều không mong muốn.
Thực ra điều này đã diễn ra khá nhiều! Trở lại thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), nhiều người dân cho biết do thất học và thất nghiệp, nên đám thanh niên trong làng suốt ngày tụ tập cờ bạc, đề đóm; đêm thì đi bắt trộm chó mèo của những làng khác. “Nghiện hút thì tôi không biết, chứ cờ bạc thì nhiều lắm, trong thôn lúc nào chẳng có vài chiếu bạc…” – bà Luyến, người thôn An Lạc nói.
Một chuyện đau lòng diễn ra ở Văn Giang (Hưng Yên) cách đây không lâu, một nhóm thanh niên lêu lổng đi bắt trộm chó của làng khác ban đêm, bị dân làng đuổi đánh. Hai thanh niên đã bị đánh chết vứt xác xuống mương thủy lợi, đến 2 ngày sau mới phát hiện được.
Gần đây, báo chí nói nhiều đến việc người dân trồng rau ở vùng ven Hà Nội dùng nước ô nhiễm để tưới và rửa rau. Đó là sự thật phũ phàng, khi nông dân không có nguồn nước sạch để sản xuất. Không phải nơi nào cũng có điều kiện để khoan nước ngầm hay dẫn nước sạch từ sông lớn về. Trong khi đó, những con mương thủy lợi thậm chí là những sông nhỏ như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm nặng nề. Vì thế, nông dân trồng rau vốn đã vất vả, giờ để trồng được mớ rau sạch cũng không dễ dàng.
Được tận mắt thấy con mương thủy lợi chảy qua hai thôn An Lạc (xã Trưng Trắc) và Chiều Đông của xã Vĩnh Khúc, Văn Giang (Hưng Yên) đen ngòm vì nước thải của những nhà máy xung quanh. Hai bên bờ mương, người dân trồng và tưới rau chính bằng nước từ mương đó. Một người dân cho biết: “Không lấy nước ở đó tưới thì biết lấy nước ở đâu?
Có mưa thì nước sạch một chút…”. “Cơn lốc” đô thị hóa nông thôn đã khiến cho vùng nông thôn Bắc bộ gần như đã mất nét văn hóa nước giếng khơi. Bởi có đào giếng cũng không dùng được, vì tầng nước mạch hầu hết đã ô nhiễm nặng. Trừ một vài nơi có nước máy, còn bây giờ vùng nông thôn Bắc bộ chủ yếu dùng nước ngầm giếng khoan.
Rõ ràng, việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi sang làm công nghiệp, khu đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là đúng. Tuy nhiên, quá trình này lại diễn ra thiếu sự quy hoạch tổng thể, quá ồ ạt và thiếu sự cân nhắc kỹ càng của các địa phương. Điều đó đã làm tổn hại nghiêm trọng đến truyền thống văn hóa lúa nước của dân tộc Việt, mà trực tiếp là đến đời sống của nông dân.
Xin lấy ý kiến của GS-TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT để kết thúc bài viết này: “Từ nền văn minh lúa nước mà tiêu biểu là nền văn minh sông Hồng đã tạo ra sức mạnh cho các thế hệ nối tiếp nhau, đổ mồ hôi, nước mắt và xương máu để dựng nước và giữ nước… Nông nghiệp không chỉ phục vụ sản xuất lương thực mà còn đảm bảo sự bền vững môi trường, và có vai trò giữ ổn định cơ cấu xã hội sống còn ở những vùng nông thôn. Xã hội nông thôn gắn liền với những cánh đồng lúa nước đã tạo ra một quần thể cộng đồng dân cư, sản sinh ra những con người biết hợp sức chống chọi kẻ thù, đó là văn hóa cộng đồng Việt Nam. Thử hỏi, khi truyền thống thôn ấp đó bị thay đổi theo cuộc sống thực dụng, thì những tinh hoa văn hóa của từng vùng còn hay không?”.