Đầu tháng 05/2008, giá gạo xuất khẩu trên thế giới đã vượt ngưỡng 1.200USD/tấn. Nhiều quốc gia đã tăng cường quản lý nguồn lương thực trong nước. Trong khi đó, cuối tháng tư vừa qua, khi cơn sốt giá gạo xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), người dân ở vựa lúa này đã phải mua gạo với giá (quy ra USD) gần 1.600USD/tấn. Hiện nay, giá gạo nội địa đã bình ổn, nhưng vẫn còn ở mức gần 1.000USD/tấn. An ninh lương thực ở vựa lúa của cả nước đang trở thành chuyện “nóng”.
Giá lúa gạo đang “nóng” lên từng ngày trên thế giới. Nhiều hội nghị tìm giải pháp can thiệp, tháo gỡ, giảm “nhiệt” cho “cơn sốt” lúa gạo thế giới đã diễn ra. Tại Việt Nam, sau khi Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan can thiệp điều tiết, phân phối gạo hợp lý, giá lúa gạo đã bình ổn trở lại. Trong bối cảnh đó, vấn đề tăng năng suất, sản lượng lương thực ở vựa lúa ĐBSCL đang được nhiều người có trách nhiệm quan tâm.
Cuối năm 2007, giá gạo Việt Nam xuất khẩu khoảng 320USD/tấn, nghĩa là 3 kg gạo đổi 1USD. Lúc này, giá gạo thị trường nội địa khoảng 7.500 – 8.000 đồng/kg, tương đương 2 kg gạo đổi 1 USD. Đầu tháng 05/2008, giá gạo thế giới đã vọt lên mức 1.000USD/tấn (1kg gạo =1USD). Giá gạo trong nước cũng đạt tới ngưỡng này. Đó là một thực trạng bất ổn.
Năm 2007, sản lượng lương thực ở ĐBSCL đạt 19 triệu tấn. Năm 2008, dự báo sẽ vượt con số này. Vụ đông xuân vừa thu hoạch, có nơi ở An Giang, Cần Thơ, nông dân trồng lúa đạt năng suất hơn 8 tấn/ha. Tuy nhiên, có nơi nông dân làm chỉ đạt 5 tấn/ha. Tính ra, năng suất bình quân toàn vùng khoảng 6,2 tấn/ha.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: “Khoảng chênh lệch năng suất làm lúa giữa nông dân trong vùng và các vùng sinh thái khác nhau còn khá lớn; có khi đến 2-3 tấn/ha. Nghiên cứu sản xuất giống lúa cho năng suất cao hơn không đơn giản. Nhưng nếu tạo điều kiện cho nông dân rút ngắn khoảng chênh lệch năng suất lúa, sản lượng lương thực sẽ tăng đáng kể”.
Năm 2008, ước tính diện tích trồng lúa của vùng ĐBSCL khoảng 4 triệu ha. Nếu rút ngắn khoảng chênh lệch năng suất này, tăng thêm 1 tấn/ha, chúng ta sẽ có thêm 4 triệu tấn lương thực. ĐBSCL hoàn toàn có thể làm được điều này.
Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, trước nhất, cần đầu tư cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng: thủy lợi phục vụ tưới tiêu, đưa các kỹ thuật canh tác tiên tiến vào đồng ruộng. Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổ chức này cho phép chúng ta đầu tư, đào tạo, nâng cao trình độ cho người sản xuất; nghĩa là hướng dẫn nông dân trồng lúa chuyên nghiệp hơn, như áp dụng các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, tăng tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, giảm thất thoát trong thu hoạch và sau thu hoạch. Đó là cách mà nhiều địa phương nên quan tâm thực hiện để tăng sản lượng lương thực.
Một khảo sát mới đây của Viện Lúa ĐBSCL cho thấy, thực trạng cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn đang gặp nhiều trở ngại và mất cân đối từ các khâu làm đất, tưới tiêu, gieo sạ đến thu hoạch và sau thu hoạch.
Tại tỉnh Kiên Giang, việc cơ giới hóa chủ yếu tập trung cao ở khâu làm đất, tưới tiêu và tuốt đập, đạt khoảng 97%. Ngược lại, khâu gặt lúa thì thiếu máy trầm trọng. Tại các xã vùng sâu ở U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên, mới chỉ có khoảng 25 – 30% tổng sản lượng lúa (vụ hè thu) được qua máy sấy. Về lịch thời vụ, vẫn còn 75 – 85% nông dân trong tỉnh sạ lan theo tập quán cũ, lạc hậu. Đáng nói hơn là số diện tích được phơi ải và trục vùi gốc rạ chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng diện tích đất canh tác toàn vụ. Cách làm này vừa tốn lúa giống, chi phí cao, vừa khó phòng chống sâu bệnh, giảm hiệu quản sản xuất lúa.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng, cần sắp xếp diện tích lô thửa đủ rộng khi vận hành, đường giao thông nông thôn thủy bộ phải thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển máy móc nông nghiệp; hệ thống tưới tiêu trên đồng ruộng phải chủ động. Nông dân cần cày ải để tạo tầng đất, tránh bị lầy lún, san ủi mặt ruộng bằng phẳng để thực hiện giải pháp gieo sạ tốt, bón phân hợp lý tránh bị đổ ngã, chọn máy thu hoạch thích hợp… Có như vậy, việc thu hoạch bằng cơ giới mới thuận lợi và mang lại hiệu quả cao.
Song song đó, phải tăng cường đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để nâng cao tay nghề trồng lúa cho nông dân. Khi tay nghề đồng đều, nông dân làm lúa sẽ rút ngắn khoảng chênh lệch năng suất 2-3 tấn/ha. Khi đó, chuyện tăng sản lượng lương thực ĐBSCL thêm 4 triệu tấn/năm là trong tầm tay.
Một vấn đề nữa khá “nhạy cảm” nhưng đáng lưu tâm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay: Nhiều địa phương đang “đua” nhau lấy đất nông nghiệp màu mỡ để qui hoạch phát triển công nghiệp. Vấn đề này đã được cảnh báo, nhưng vì muốn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa (thậm chí một số địa phương cho rằng đây là “giải pháp” để tăng nhanh GDP) nên đã ào ạt biến đất nông nghiệp thành khu công nghiệp, khu dân cư, sân golf. Để rồi, khi giá lúa gạo tăng đột biến, nhiều địa phương mới “giật mình”!
“Nếu tình trạng lấy đất nông nghiệp làm khu công nghiệp, khu dân cư… gia tăng, diện tích đất nông nghiệp ngày càng “teo” lại có thể dẫn đến nguy cơ giảm sản lượng, đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia. Để đảm bảo cân đối nguồn lương thực trong nước và xuất khẩu, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này” – tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khuyến cáo.