Du khách tham gia tua “ba cùng” không chỉ được khám phá cảnh quan sinh thái, mà còn có dịp tìm hiểu về nền văn minh sông nước miệt vườn, về phong tục tập quán của người dân địa phương… Qua đó, du khách có cơ hội trải nghiệm, thử thích ứng cuộc sống, sinh hoạt ở thôn quê.
Theo anh Nguyễn Quan Chức, Trưởng phòng Marketing Công ty Cổ phần Du lịch Cửu Long, điểm thú vị của tua “ba cùng” là du khách sẽ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân địa phương. Tua được thiết kế theo tiêu chí khai thác yếu tố văn hóa địa phương trong một chuyến thưởng ngoạn khám phá môi trường sinh thái vùng sông nước Vĩnh Long.
Lâu nay, Vĩnh Long được tiếng là nơi khơi nguồn du lịch cồn. Khách trong nước, người nước ngoài cũng nườm nượp đổ xô tới đây. Họ theo tắc ráng – phương tiện di chuyển chủ yếu và phổ biến ở vùng này – vượt sóng sông Cổ Chiên, qua cù lao An Bình tham quan những vườn cây ăn trái và len lỏi vào các con rạch Cái Cá, Cái Muối, Long Hồ…. Cù lao An Bình rộng hơn 60km2, thuộc huyện Long Hồ. Bốn xã của cù lao là An Bình, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước và Đồng Phú là những nơi “phát pháo” cho du lịch miệt vườn sông nước. Đến đây, bạn sẽ được “chui” qua những tán cây xanh mát rượi, khám phá những vườn cây ăn trái xum xuê như: sầu riêng, chôm chôm, sa pô, mận và nhiều nhất là nhãn.
Tại cù lao Bình Hòa Phước, du khách sẽ ghé thăm ngôi nhà cổ ông Cai Cường nằm bên bờ rạch Cái Muối, cách thị xã Vĩnh Long khoảng 50 phút đi xuồng máy. Ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XIX, xây dựng trên nền cẩn đá xanh nguyên khối vững chãi. Ngôi nhà đã gần 100 năm tuổi, nhưng nhờ con cháu trân trọng giữ gìn nên vẫn còn nguyên vẻ đẹp kiến trúc ban đầu. Nhà có 3 gian, bề ngang 15 mét với các hàng cột tròn. Hàng cột chính cao tới 6 mét. Kiến trúc bên ngoài ngôi nhà được sử dụng vật liệu tinh xảo của Pháp và một số nước châu Âu khác. Thiết kế nội thất theo kiểu Đông Phương, rất cầu kỳ và lộng lẫy. Bao bọc xung quanh ngôi nhà là vườn nhãn xanh tươi. Trong vườn nhãn có nhiều nhà mát cho khách nghỉ ngơi, ăn trưa; có gian triển lãm nông cụ làm lúa nước, đánh bắt thủy sản của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ xưa đến nay. Du khách ngồi trong nhà cổ mát rượi, vừa nhâm nhi tách trà, thưởng thức trái cây vừa nghe đờn ca tài tử. Khách ngẫu hứng có thể tham gia ca hát cùng với những nghệ sĩ miệt vườn.
Điểm nhấn trong chương trình là xuôi theo rạch Long Hồ về làng Long Phước (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), ghé Trương Phủ Đường – ngôi nhà dòng họ Trương để nhận chỗ ngủ đêm. Du khách được bố trí nghỉ ngơi ngay trong nhà cùng cả gia đình như lâu lâu con cháu về thăm. Những cái bắt tay nồng ấm, vài câu hỏi thăm theo kiểu chân quê, khung cảnh cổ của gian nhà hơn trăm năm sương gió, hay những lu nước mưa ăm ắp xếp mình bên hông cửa, xung quanh nhà là vườn cây mát mẻ, tĩnh lặng… tất cả mang lại cho du khách cảm giác thật sự thân thương, nồng ấm. Đến đây, bạn có thể thay đồ xuống mương be bờ tát cá, thỏa thích vùng vẫy với những chú cá dưới bùn. Chiều tối, du khách ra những rặng bần cặp mé sông bắt đom đóm làm đèn; hoặc xuống xuồng đi dọc bờ kênh đặt lọp; đi soi ếch nhái trên cánh đồng bát ngát hương rơm, hương lúa. Một bữa cơm tối trên chiếc đệm trước sân dưới ánh đèn măng-sông cùng gia đình họ Trương râm ran câu chuyện phiếm…. và một đêm ngon giấc trong tiếng nhạc hòa tấu của những chú ếch, nhái… thật khó quên cho những ai một lần nếm trải!
Sáng hôm sau, du khách có thể bách bộ trên đường làng đến chợ quê, mua mớ rau, mớ cá đồng mới bắt… và cảm nhận tình cảm, chân chất của những con người bình dị vùng quê. Những nam du khách thì xắn quần, vác cuốc ra ruộng cuốc đất trồng rau – trải nghiệm tuyệt vời về cuộc sống của nông dân. Bữa ăn sáng chỉ đơn sơ một nắm xôi, một tô cơm rang hoặc sang hơn là một tô bún măng hay hủ tíu với tách trà âm ấm do những người phụ nữ mang ra đồng, thật sự ý nghĩa bên bờ ruộng nồng nồng hương đất. Trên đường về nhà, du khách còn thăm từng chiếc lọp vừa đặt đêm qua. Những sản vật mà họ bắt được sẽ là món ăn dân dã trong bữa ăn chia tay cùng gia đình.
Một trong những điểm tham quan hấp dẫn trên hành trình là chợ nổi Cái Bè thuộc địa phận giáp ranh ba tỉnh: Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre. Từ sáng sớm đến khi chạng vạng, tàu bè thương lái và của nông dân khắp các tỉnh miệt vườn tụ hội về, biến nơi đây thành một trung tâm phân phối trái cây lớn trong khu vực ĐBSCL.
Tham gia tua này, du khách được thăm thú các khu làng nghề sầm uất nhất khu vực Cái Bè. Cơ sở sản xuất bánh giấy của chị Nguyễn Thị Út lúc nào cũng có khách ghé thăm. Những cái bánh giấy hình bán cầu vàng nhạt, bánh khoai hình tròn vàng nâu, lấm tấm mè, trông thật hấp dẫn. Thử một cái, bánh nóng hổi, giòn rùm rụm, nhanh chóng tan trong miệng, để lại vị ngòn ngọt của đường cát, vị beo béo của nước dừa và mùi thơm ngào ngạt của vani, của mè.
Lò cốm của anh Phạm Văn Hồ gần đó cũng nhộn nhịp không kém. Chỉ với khoảng 2 lon gạo, sau khi rang với cát nóng, gạo nở bung ra thành một rổ cốm trắng như bông. Cốm được sàng sạch cát, ngào đường trộn nước dừa rồi ép khuôn, cắt thành từng miếng nhỏ hình chữ nhật. Còn xưởng sản xuất kẹo dừa của anh Trần Văn Minh nằm trên một nhánh nhỏ của sông Tiền. Nước cốt dừa được cô trong những cái chảo to đến khi đặc sánh rồi đổ ra khay chờ khô, cắt thành viên rồi gói giấy, đóng bao… Du khách sẽ không khỏi thán phục khi thấy con dao trên tay chị Vui, vợ anh Minh, lướt trên những mảng kẹo, chia ra thành những viên nhỏ đều tăm tắp…
Vĩnh Long đang hướng tới chương trình du lịch xanh với tiêu chí giữ lại phong vị văn hóa miệt vườn, thời kỳ khai phá “Đất Phương Nam”. Nét đặc sắc ở vùng này là sự hội tụ hài hòa của đất nước, cây cỏ, sự mộc mạc bình dị của khung cảnh làng quê cùng với tình cảm chân chất của những người dân quê mến khách. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, thu hút du khách tìm về với miền Tây sông nước