Trong nhiều năm qua, biết bao ha rừng có pơ mu sinh trưởng, đã bị đốn sạch, cho đến bây giờ thì mỗi ngày ước tính có cả chục cây pơ mu loại gỗ quý nhóm A2 này, đang bị hạ sát. Những đoàn người ngang nhiên rồng rắn kéo nhau xâm nhập vào rừng già, rồi cưa đổ, "phanh thây" những cây gỗ đại thụ đó…
Trong “lõi” rừng bảo tồn
5h sáng trong khu rừng mà cánh lâm tặc vẫn gọi là rừng Cu Li, nằm giữa lõi khu bảo tồn Tà Xùa, tôi đã bị đánh thức dậy, vừa co ro lại gần những cục pơ mu đang cháy rừng rực, đã thấy Huấn (một người trong nhóm phá rừng) đang nướng một đống đinh loại 10cm đỏ hồng, tôi hỏi sao làm vậy, Huấn trả lời “làm cho nó dẻo ra, để lúc đóng quặp vào đầu gỗ, móc thừng vào kéo không bị gẫy”.
Nhìn 42 chiếc đinh đỏ như những thanh than, Huấn còn bảo tôi đi đứng để ý đấy, nếu đụng phải là bỏng đến tận xương.
Sau bữa cơm sáng với thực đơn quen thuộc: thịt kho, trộn lẫn cá mắm, canh mỳ tôm, cánh lâm tặc lục đục chuẩn đồ nghề hành sự, mỗi người buộc một con dao sau lưng, bọc thêm bịch gạo, và xách 2 can nước lớn, để buổi trưa ăn cơm tại trận, không về lán nữa.
Tay phụ trách cưa máy, đổ thêm xăng vào rồi giật thử, tiếng máy nổ inh ỏi, phá tan sự tĩnh lặng đến rợn người của chốn sơn lâm. Do đã “tăm” được 2 cây pơ mu đại thụ có đường kính khoảng 1,5m, cách đó 3 đỉnh núi, từ chiều hôm trước, sáng ra cả toán cứ thế mà làm, tôi cũng nhập vào cái đội quân xẻ thịt pơ mu đó…
Trên đường trèo đến chỗ nạn nhân tiếp theo của đám lâm tặc, tôi thấy hàng chục cây pơ mu cực lớn bị cưa lìa gốc, vất ngổn ngang, tôi hỏi Vững thì được biết: Tất cả đều là hàng thải, vì dân đi làm pơ mu chỉ dùng hàng tuyển, không bị mắt mũi, sứt sẹo gì.
Hắn bảo có khi đổ cây to đến 5m3 gỗ, nhưng cưa ra không phải hàng tốt thì đành bỏ, gỗ tốt mà nặng quá, trôi suối chìm, tốn sức cũng bỏ, vì pơ mu có 3 loại: ruột trắng, vàng và đỏ, trong đó chỉ có 2 loại trắng và vàng là dân đi làm gỗ lấy, vì hai loại này nhẹ dễ kéo, dễ trôi, còn loại đỏ tuy gỗ tốt, nhưng nặng nên có cưa rồi thì cũng vứt.
Hắn cho tôi hay lấy được một đầu gỗ từ rừng ra, thì cũng phải bỏ một lượng gỗ gấp 10 lần như thế. Vì vậy mà tối hôm trước tôi thấy đám lâm tặc đi rừng về, đã mang theo 2 miếng gỗ nhỏ ném vào xoong nước xem có nổi không? Đây cũng là 2 miếng gỗ của hai cây bị hạ trong ngày hôm nay.
Chiếc cưa máy rít lên từng hồi, phụt ra những luồng khói đen, cuộn lưỡi chạy vù vù, Thanh cầm cưa cắm phập vào gốc cây pơ mu, một luồng gỗ bị cứa đứt phun ra, cái vị hăng hăng tỏa khắp chỗ chúng tôi đứng, vì pơ mu là loại gỗ có rất nhiều tinh dầu.
Chỉ 20 phút, sau vài lần chiếc cưa máy chạy vòng quanh, thế là cây gỗ có tuổi thọ hàng trăm năm bị hạ gục, đè bẹp hàng trăm cây con khác, lao ngọn xuống chân núi, trơ gốc lên trời.
Đám lâm tặc nhanh chóng trèo lên, đo vạch và phanh thân cây ra từng mảnh, Huấn cho biết: “Dân làm gỗ ở rừng Tà Xùa không tính: thanh, bắp, hay tượng như các nơi khác, mà tính gỗ theo đầu. Một đầu gỗ có chiều dài là 2,6 m, kích cỡ 19x29cm, nếu kém một phân là về bị chủ gỗ trừ tiền ngay lập tức.
Bây giờ làm gỗ không phải xẻ tay nữa, vì loại cưa máy có giá khoảng 9 triệu này, đã được chủ gỗ trang bị, vào rừng chỉ cần 3 hôm là cả nhóm đã xẻ đủ gỗ, mỗi người khoảng 6 đến 8 đầu tùy theo nước suối Tấc to hay nhỏ. Bọn tớ xác định đi đợt này phải 20 ngày mới trôi ra đến bản Suối Chiếu, tính ra công đem gỗ ra gấp 5 lần công đi cưa đổ cây.”
Tôi hỏi làm gỗ vất vả thế thì đi có đông không? Anh ta thật thà trả lời, có lúc đến gần nghìn người trong rừng. Có lẽ lời Huấn nói đúng vì, khắp cả một vùng rừng mà những người quản lý cho là sâu xa này, vọng lên hàng chục tiếng cưa máy, tiếng rìu chặt và cả những tiếng lao gỗ rầm rầm, không khác gì một đại công trường, đang đua nhau tàn sát pơ mu. Với họ không hề tồn tại bất cứ lệnh cấm nào, cứ đà này thì chẳng mấy chốc mà những cây pơ mu, được coi là chứng chỉ của rừng nguyên sinh bị diệt chủng, tại rừng bảo tồn.
Con đường gỗ lậu
Bên trong những cánh rừng của khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa là hệ thống đường mòn giăng như mắc cửi, tất cả đều được lâm tặc mở để kéo hàng. Bên cạnh đường mòn là hàng nghìn mét khối gỗ bị lâm tặc vứt lại, Thủy người dẫn đường của tôi cho biết: “Ở đâu có pơ mu thì ở đó có đường mòn, đỉnh núi nào đường mòn mờ thì có nghĩa gỗ đã kiệt”.
Trên đường từ Đà Xẻ ra (chỗ xẻ gỗ được lâm tặc gọi là Đà Xẻ) tôi đã đụng rất nhiều đoàn chuyển gỗ ra ngoài, ngồi uống nước cùng đám lâm tặc ở bản Úm xã Huy Thượng, Phù Yên, Sơn La. Một tay cho tôi hay, sau khi đổ cây, gỗ được cắt ra từng đầu, rồi vác về để ở lán, đoạn nào khó đi quá thì dùng tời, sau đó khuân ra đường lớn, kéo từng đoạn một đẩy ra suối Tắc, rồi trôi về bản Suối Chiếu.
Tôi hỏi gỗ thanh nào cũng như nhau thế này làm sao mà nhận được ra? Hắn nghi ngờ nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nói: “Ông không nhìn thấy à? Đầu gỗ nào chẳng được đánh dấu, bọn tôi đánh dấu HF to tướng đây à?” Tôi hỏi đi lâu chưa mà đã đủ gỗ về? Hắn nói: “Ăn rằm tháng Giêng xong có 10 anh em làm 80 đầu gỗ.” Tôi thắc mắc sao mùa này nước cạn trôi khó mà làm nhiều thế?
Cả đám cho biết, tết vừa rồi tiêu tốn quá, vả lại chủ hàng đặt nhiều nên cũng cố làm “dầy dầy” một chút. Một tay có tên là Kính cho biết dự kiến mẻ gỗ này từ hôm đi đến hôm ra phải mất gần tháng, mới kéo gỗ chưa ra đến suối mà đã ăn hết 24 kg thịt và 80 kg gạo rồi, hắn cười nói: Cứ đà này cũng chỉ 10 ngày nữa là ra đến bãi thồ gỗ, trừ đầu, trừ đuôi tiền ăn uống, xăng dầu, mỗi người còn khoảng 3 triệu đồng.
Vừa hò dzô ta, tời những đầu gỗ từ dưới vực lên, đám lâm tặc ở bản Lìn còn đứng làm dáng cho tôi chụp ảnh, xong rồi nói: Kéo gỗ là mệt nhất đời, đoạn không kéo nổi thì hai người phải vác vai, cũng có nhiều người cụt tay, mất chân vì công đoạn tốn sức nhất này.
Sau những gì tôi được nghe lâm tặc kể, thì có thể hình dung ra được con đường từ cây pơ mu giữa rừng già, trên núi cao ra đến bản Suối Chiếu xã Mường Thải huyện Phù Yên như sau: Pơ mu bị hạ sát, phanh ra từng đầu một, rồi được kéo qua những đường mòn, đổ xuống suối Tấc, trôi về đến bản Suối Chiếu, tới đây đã có một chủ gỗ tên là H, sinh năm 1972, đón hàng, rồi chất lên ngựa thồ, mỗi chuyến thồ qua cầu treo có giá 70 nghìn. Việc thồ gỗ từ suối ra xe này, tất cả đều được dân bản suối chiếu “đấu thầu”.
Từ đây có xe ô tô đón và chúng tôi đã đụng phải một xe vào bốc gỗ. Theo những tay chuyên “mổ thịt” gỗ cho biết, mọi công đoạn đều được kép kín, và được một tay chủ gỗ lo hết rồi nên rất ít khi bị mất gỗ vào tay các cơ quan chức năng, một đầu gỗ về tới tay chủ buôn có giá khoảng 550 nghìn đồng.
Trên đường ra khỏi ổ phá rừng chúng tôi vẫn gặp hàng trăm người đang vác rìu, xách cưa, trèo dốc vào để “mổ thịt” pơ mu. Tất cả họ đều rất ngang nhiên.