Những cánh rừng bị tàn phá tan hoang, những thân gỗ lớn nằm ngổn ngang, những đám khói mịt mù, những ánh lửa cháy lan đỏ rực… Đó là những gì đang diễn ra tại huyện Mường Nhé, nơi được coi là “điểm nóng” về số dân di cư tự do.
Mường Nhé là một huyện thuộc tỉnh Điện Biên, nằm nơi vùng biên giới giáp ranh 2 nước bạn Lào và Trung Quốc. Những người di cư tự do, hoặc từ tận cùng các huyện vùng biên giới, hoặc từ các tỉnh lân cận như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái. Họ phá rừng tàn nhẫn, chống đối ra mặt lực lượng bảo vệ rừng. Sự bất lực của lực lượng bảo vệ rừng trước “cơn bão” di dân tự do cũng rõ rệt như những cánh rừng đang ngày đêm bị ép phải “chết”.
Cuộc sống của những người dân sống di cư là một danh sách những từ “không”: Không tuân thủ luật pháp; không nhà; không điện, đường, trường, trạm… Được biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2008, huyện Mường Nhé đã phải tiếp nhận 150 hộ với 871 nhân khẩu từ các huyện, tỉnh lân cận “nhảy dù” vào địa bàn sinh sống. Để rồi hàng trăm héc ta rừng bảo tồn, rừng tự nhiên bị “xóa sổ” trong thời gian ngắn; hàng nghìn héc ta rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn cũng đang bên bờ vực thẳm.
Có một sự thật là dù biết rõ mức độ thiệt hại mà những người di cư tự do gây nên nhưng các cơ quan chức năng luôn xử lý kiểu nửa vời, nhân nhượng, thường chỉ là tuyên truyền vận động, ký cam kết…; trong khi đó nhiều người dân lại chây lỳ, cố tình chống lại chính quyền. Người dân di cư có tâm lý, cứ cố bám rừng thế nào cũng được chính quyền “chăm bẵm”, cơ quan chức năng dần sẽ “xuống tay”, sẽ cấp cho sổ đỏ, cho đất canh tác…
Cuộc nói chuyện với ông Lò Văn Phốn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, cũng không thu được gì ngoài những con số, những nhận định xót xa về thực trạng những cánh rừng đang bị tàn phá mỗi ngày. Nhiều cánh rừng bị đốn ngã, bị đốt cháy, thân gỗ to cả vòng tay người ôm, những triền nương trải dài một màu đen bất tận.
Một cán bộ địa phương thở dài: chỉ cách đây một năm thôi, ven đường này là bạt ngàn rừng xanh, giờ người ta phá trụi. Có khu rừng chỉ còn xanh ở bìa, bên trong “lõi” đã bị đốt phá trụi sạch. Rừng đã biến mất để nhường đất cho những nương sắn, nương ngô của người dân di cư tự do.
Anh Khoàng Văn Cớm, Bí thư Đảng bộ xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, cho biết: Trước năm 2000, người dân di cư đến đây chỉ có vài hộ, họ nằm lại với rừng, dựng nhà, phá rừng làm rẫy. Thấy “ổn”, họ mách nước cho nhau, kéo vào ở trong rừng rất đông.
Gặp Vàng A Páo, một dân di cư tự do từ huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn La chuyển lên, sống tại nhóm Huổi Đanh, xã Mường Toong. A Páo chân thật: “Chúng tôi vẫn biết mình làm như thế là sai, nhưng chúng tôi không có tiền để mua đất. Lên đây, chúng tôi không biết làm gì ngoài mở rộng diện tích nương ngô, nương sắn để tăng thêm thu nhập cho gia đình…”.
Theo một số cán bộ địa phương, tình trạng “nhảy dù” phá rừng của dân di cư tự do đã được chính quyền cơ sở báo cáo lên cấp trên tìm phương án giải quyết, nhưng đến thời điểm hiện nay, tình trạng này vẫn không giảm, chính quyền cũng chưa có phương án giải quyết khả thi.
Mong chính quyền sớm có chủ trương đúng đắn, giúp dân ổn định cuộc sống, không phải “thậm thụt” trong rừng và giúp những cánh rừng vô giá giữ nguyên màu xanh.