Là một tỉnh ven biển miền trung, bên biển, bên rừng và có những con sông lớn chảy qua, Quảng Ngãi có điều kiện phát triển nông nghiệp khá thuận lợi. Trong đó, mô hình kinh tế trang trại đang thu hút nhiều hộ nông dân đầu tư, mở hướng sản xuất đa dạng và ngày càng có hiệu quả.
Hiệu quả từ những mô hình
Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 99 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm gần 20% diện tích tự nhiên và đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng chiếm diện tích khá lớn. Với lợi thế này, hằng năm, nông dân trong tỉnh đã phát triển nhanh mô hình kinh tế trang trại (KTTT). Ðây được coi là một trong những thế mạnh của ngành sản xuất nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng đất đai, lao động tại chỗ ngày càng có hiệu quả hơn. Gần đây, tỉnh thực hiện công tác giao đất, giao rừng lâu dài cho nông dân, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều dự án, mô hình kinh tế hộ gia đình đã được đầu tư phát triển đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 420 trang trại, tăng 25 trang trại so với năm 2006, trong đó 65% các trang trại gắn với kinh tế vườn. Mức đầu tư cho mỗi trang trại bình quân gần 70 triệu đồng. Các chủ trang trại hằng năm đã sử dụng lao động theo thời vụ, khoảng ba lao động/trang trại; thu nhập mỗi trang trại bình quân là 50 triệu đồng/năm.
Tại hội nghị chuyên đề về KTTT mới đây, đồng chí Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: Hiện nay, KTTT đã trở thành phong trào rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh.
Theo Trưởng phòng nông-lâm-thủy sản huyện Mộ Ðức Nguyễn Xuân Thủy, nông dân hiện có xu hướng đầu tư, mở rộng sản xuất tập trung chuyên canh và làm giàu bằng KTTT. Toàn huyện hiện có hơn 70 trang trại, với nhiều loại hình sản xuất đa dạng (trong đó có 11 trang trại đã được huyện cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí trang trại, với thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm). Các huyện miền núi cũng đang thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng và khuyến khích đồng bào đầu tư phát triển KTTT. Nhiều mô hình trang trại của đồng bào đầu tư theo hướng nông – lâm kết hợp, chăn nuôi gắn với trồng rừng nguyên liệu, hạn chế được nạn đốt rừng làm nương rẫy. Nhiều hộ không những thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu.
Ði thăm những mô hình KTTT ở một số địa phương, thấy nhiều chủ trang trại đã đầu tư khá lớn về giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều người đã mua sắm máy kéo, máy bơm nước và xây dựng chuồng trại chăn nuôi thông thoáng. Ðiển hình là trang trại của ông Nguyễn Nghị, ở thôn Ðông, xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh). Năm 2005, ông vay ngân hàng 400 triệu đồng đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, với hình thức “lấy ngắn nuôi dài”. Khi mới hình thành trang trại, ông Nghị gặp rất nhiều khó khăn, phải thuê máy ủi khai hoang cả khu đồi cằn cỗi sỏi đá, rộng gần 20 ha để trồng rừng.
Ði dưới tán rừng keo mát rượi, lộng gió giữa trưa hè tháng 4, được nghe ông Nghị tâm sự: “Hồi đầu tư trang trại này, ai đi qua đây cũng chê trách nói tui có “khùng không đấy”, vì vùng đất đồi này không có nước, không trồng được cây gì cả. Còn hiện giờ thì có cả cánh rừng bạt ngàn xanh tươi, chăn nuôi đủ thứ, họ lại khen, bảo rằng tui sắp giàu to rồi”. Trang trại của ông Nghị hiện có hai cán bộ kỹ thuật thường xuyên bảo vệ rừng, chăm sóc hàng trăm cây đào lộn hột kết hợp trồng sắn, nuôi bò và nuôi hàng nghìn con gà mái đẻ lấy trứng. Hằng năm, thu nhập từ trang trại khoảng 300 – 500 triệu đồng.
Còn chị Ðoàn Thị Phi Mai, ở thôn Châu Tử, xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn) lại phát triển mô hình trang trại nuôi ba ba, ếch và cá trê, cá tràu. Chị Mai cho biết, năm 2005, chị làm đơn vay 50 triệu đồng cùng số tiền tự có đã đầu tư xây hàng chục hồ và mua con giống về nuôi. Lúc đầu chị phải khăn gói ra tận Nghệ An để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ba ba và mua con giống về lai tạo. Năm đầu thất bại, năm sau trúng lớn, thu 6 tấn ếch và hàng tấn ba ba, bán được hơn trăm triệu đồng. Hiện nay, với diện tích hồ nuôi ba ba trên 800 m2, chị Mai không những thường xuyên bán ba ba thịt, trứng ba ba và ếch, cá các loại mà còn cung cấp giống ba ba, ếch cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, với mức thu nhập gần chục triệu đồng/tháng…
Những điều bất cập
Phát triển KTTT ở Quảng Ngãi hiện nay tuy có bước tiến nhanh, nhưng vẫn còn những bất cập cần được điều chỉnh kịp thời, đó là hầu hết các mô hình trang trại đều phát triển theo kiểu tự phát. Thời gian qua các địa phương chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch, nên khi hộ nông dân đầu tư phát triển KTTT thì huyện, xã lúng túng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Từ đó, nhiều mô hình trang trại còn nhỏ lẻ, khả năng mở rộng quy mô sản xuất thấp. Có hộ chọn mô hình đầu tư chưa thích hợp, hiệu quả kinh tế kém, không có khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng. Nông dân vay vốn ngân hàng phát triển trang trại còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các chủ trang trại chưa tiếp cận được với ngân hàng, thủ tục vay vốn còn nhiêu khê.
Trao đổi về những yếu kém này, ông Bùi Thế Ðua, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục HTX và phát triển nông thôn Quảng Ngãi, cho biết: “Vướng mắc hiện nay chủ yếu là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ trang trại. Nhiều địa phương vẫn xem nhẹ công tác này, nên quyền lợi của các chủ trang trại bị thiệt thòi và chưa khuyến khích họ đầu tư phát triển KTTT. Việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ nông dân, chủ trang trại còn chậm, trong khi nhu cầu sử dụng và tích tụ đất của các mô hình trang trại ngày càng tăng”.
Ðiều đáng lo ngại là nhiều trang trại hiện mới tập trung đầu tư mở rộng diện tích, áp dụng kỹ thuật truyền thống, sử dụng giống cũ ở địa phương, nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Từ đó, mỗi khi giá cả thị trường biến động, thì các sản phẩm của trang trại không tiêu thụ được. Nhiều chủ trang trại bị thiệt hại đáng kể về kinh tế, có trường hợp chủ trang trại không còn khả năng đầu tư phát triển sản xuất…
Phát triển KTTT ở Quảng Ngãi là nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp. Trước mắt, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi để phát triển KTTT đúng hướng, có hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân. Ngành nông nghiệp tiến hành điều tra, xác định lại tiêu chí trang trại, phân loại theo quy mô giá trị sản phẩm (quy mô nhỏ, quy mô vừa và quy mô lớn) hoặc phân theo các hình thức trang trại gia đình, trang trại do doanh nghiệp đầu tư để khuyến khích nhiều thành phần tham gia đầu tư phát triển KTTT.
Các huyện tiến hành quy hoạch các vùng phát triển KTTT phù hợp lợi thế về đất đai, khí hậu, bảo đảm điều kiện giao thông, thủy lợi và bố trí cây trồng, vật nuôi đạt năng suất, chất lượng cao. Thực hiện tốt việc giao đất, cho thuê đất và khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho các chủ trang trại để họ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất. Khuyến khích nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các chủ trang trại chuyển đổi, sang nhượng ruộng đất để phát triển trang trại có quy mô lớn, bảo đảm ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất một cách hữu hiệu. Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại.
Cần có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cho những mô hình KTTT nhỏ và vừa; đồng thời tăng cường các nguồn vốn vay ưu đãi từ các nguồn vốn trung, dài hạn để các chủ trang trại có điều kiện vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh theo chu kỳ của cây trồng, vật nuôi.
Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, tỉnh Quảng Ngãi sẽ bảo đảm triển khai có kết quả Ðề án phát triển kinh tế trang trại từ nay đến năm 2010 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.