Nữ tiến sĩ nặng lòng với quê hương

Suốt 3 năm, tiến sĩ Hồ Thế Hà cùng chồng đã kiên trì thuyết phục Chính phủ Cộng hòa Czech viện trợ gần 400.000 USD cho dự án điện mặt trời phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam.

Cuối tháng 03/2008, tình cờ gặp chị và “ông xã” Jiri Stuchlik trên chuyến phà Rạch Miễu khi cả hai vừa xuống huyện Ba Tri, Bến Tre khảo sát nhu cầu sử dụng điện của những hộ dân tại đây. Sang đầu tháng 4, lại nhận được tin cả hai vợ chồng chị cùng đoàn chuyên gia Cộng hòa Czech lặn lội xuống Trà Vinh để lắp hệ thống điện mặt trời cho hai huyện Cầu Kè và Duyên Hải, rồi thoắt cái đã thấy chị có mặt tại huyện đảo Nam Du xa xôi của Kiên Giang để tiếp tục khảo sát. Hẹn mãi mới tranh thủ gặp được chị tại TP.HCM khi chị chuẩn bị tiễn đoàn chuyên gia trở lại Czech.

* Hình như cả hai anh chị phải mất rất nhiều công sức và thời gian cho dự án này?

Lần đó, vợ chồng mình tình cờ dự một hội thảo do Bộ Ngoại giao Cộng hòa (CH) Czech tổ chức để giới thiệu những chương trình hợp tác với Việt Nam. Nhờ vậy mình mới biết hằng năm Chính phủ Czech đều dành một khoản viện trợ không hoàn lại cho các nước nghèo và đang phát triển. Ban đầu, số tiền viện trợ trên được “chia nhỏ” cho khoảng 30-40 nước. Nhưng sau đó, họ thấy cách “chia nhỏ” như trên không hiệu quả bằng việc tập trung viện trợ cho một số nước, nên chỉ chọn ra khoảng 8 nước, trong đó có Việt Nam. Nhận thấy ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng điện tại vùng sâu, vùng xa là rất lớn, song do còn nhiều khó khăn nên không thể kéo điện tới tất cả những vùng trên, vậy là hai vợ chồng mình cùng tiến sĩ Nguyễn Đình Huỳnh bắt tay làm dự án để xin viện trợ.

Dựa vào các mối quan hệ bạn bè, tiến sĩ Huỳnh cùng hai vợ chồng mình thực hiện những chuyến đi khảo sát thực tế ở những vùng không có điện để đưa vào dự án như huyện Ba Tri (Bến Tre), huyện Cầu Kè, Duyên Hải (Trà Vinh), quần đảo Nam Du (Kiên Giang). Sau đó, hai vợ chồng trở lại Czech hoàn chỉnh đề án để nộp lên Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương xin “rót” tiền. Song thời điểm ấy – năm 2004 – không thể xin được kinh phí vì tiền viện trợ đã cấp cho những dự án khác. Nhưng ông xã mình vẫn kiên trì tới lui, viết thư cho Bộ trưởng Bộ Công thương để hỏi về khả năng của dự án. Cuối cùng thì tháng 10/2007, đề án đã được duyệt với tổng kinh phí 7,2 triệu CZK (tương đương gần 400.000 USD).

 
Tiến sĩ TheHa Stuchlikova (Hồ Thế Hà) tốt nghiệp Ðại học Bách khoa ngành Vật lý bán dẫn tại Liên Xô vào năm 1975; sau đó bà là nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Czech. Từ 1984, bà về nước và làm tại Trung tâm Nghiên cứu và sử dụng năng lượng mặt trời, Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1992, bà sang làm việc ở Viện Vật lý Czech. Hiện bà định cư tại Czech.

* Mất 3 năm để được thông qua, sau bao lâu thì dự án được triển khai? Người dân Việt Nam được thụ hưởng từ dự án ra sao?

Sau khi duyệt kinh phí, Bộ Công thương Czech cho công khai dự án để các công ty nước này được tham gia đấu thầu cung cấp trang thiết bị, vật tư. Công ty Czech RE Agency trúng thầu phối hợp với nhà máy chế tạo pin mặt trời Solartec chịu trách nhiệm triển khai. Tháng 01/2008, 5 kiện hàng gồm các tấm pin mặt trời và trang thiết bị đi kèm đã được chuyển đến Viện Vật lý TP.HCM – nơi tiếp nhận và phối hợp tổ chức những chuyến đi đến các địa phương để lắp đặt. Cuối tháng 3 – giữa tháng 04/2008, chúng tôi đã lắp đặt 2 hệ thống điện mặt trời cho một trường học ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè và một nhà văn hóa ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải. Đến giữa tháng 10 – đầu tháng 11.2008, sẽ tiếp tục lắp thêm cho một trường học ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri và hai bệnh xá trên đảo Nam Du.

* Về Việt Nam bám theo dự án phải mất rất nhiều thời gian, vậy công việc của anh chị ở Viện Hàn lâm khoa học CH Czech thu xếp thế nào?

Cả hai vợ chồng cùng xin nghỉ phép không lương để toàn tâm toàn ý về Việt Nam triển khai dự án. Thế nên phải tận dụng thời gian để đi thật nhiều và làm việc hết công suất.

* Điều gì làm chị nhớ nhất qua những chuyến đi vừa qua?

Đi đến những vùng sâu, vùng xa mới thấy người dân mình nhiều nơi còn khổ quá. Có nơi người dân phải chèo thuyền đi ra thị xã cách đó khá xa để sạc bình ắc-quy, rất vất vả; thậm chí nếu rơi vào mùa bão lụt họ càng gặp nhiều nguy hiểm hơn. Theo dự toán ban đầu, hệ thống điện mặt trời này không tính đến hệ thống nạp ắc-quy cho địa phương mà chỉ phục vụ ánh sáng, thông tin cho trường học hoặc bệnh xá. Nhưng trước nhu cầu bức thiết của người dân, phía Czech cũng đã cố gắng tìm cách giải quyết. Kết quả là ở hai trạm vừa lắp đặt cho Trà Vinh đã làm thêm hệ thống nạp ắc-quy. Vui vì thấy những nơi ấy có điện, người dân có thể tập trung xem tivi, nghe tin tức… Song thật lòng mà nói cũng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của người dân vùng sâu, vùng xa.

* Vậy chị có nghĩ thêm cách nào đó để “kéo” dự án đến với nhiều người dân Việt Nam hơn?

Nếu có điều kiện và xin được viện trợ nhiều hơn, mình mong muốn dự án có thể mở rộng đến từng hộ dân chứ không chỉ có mỗi trạm xá hay trường học. Khi đó, sẽ có thêm nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa sử dụng điện mặt trời.

* Xin cám ơn chị.