Xác người khắp nơi, làng mạc hoang tàn, cảnh đổ nát là những gì đang diễn ra tại Myanmar sau cơn bão. Các nỗ lực cứu trợ đang được gấp rút tiến hành.
Hơn 22.000 người chết. Đó là con số khủng khiếp và khó lòng tin nổi về thương vong tại Myanmar sau khi cơn bão nhiệt đới Nargis tràn vào nước này hồi cuối tuần trước. Theo Báo New Light of Myanmar, chỉ riêng tại thị trấn Bogalay đã có tới 10.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, người ta lo ngại số người chết không chỉ dừng lại ở con số trên. Hàng ngàn người nữa có thể cũng đã thiệt mạng trong thảm họa thiên nhiên thuộc loại tồi tệ nhất châu Á này. Hãng tin AFP dẫn nguồn từ Đài truyền hình quốc gia Myanmar đưa ra con số giật mình: gần 41.000 người vẫn còn mất tích.
Các nhân viên cứu trợ nước ngoài hiện có mặt ở Myanmar miêu tả cảnh tượng ở vùng bị ảnh hưởng là cực kỳ hãi hùng. Đó là những xác chết nằm trên cánh đồng lúa hay những người may mắn sống sót nhưng đang tuyệt vọng vì không có chỗ trú ẩn và thức ăn trong 4 ngày qua sau khi bão Nargis tràn qua với sức gió hơn 190 km/giờ.
Hãng tin AFP dẫn nguồn của World Vision, một trong số ít tổ chức quốc tế tại Myanmar, cho hay họ đã bay qua nhiều khu vực bị ảnh hưởng và những gì họ chứng kiến là cảnh đổ nát và xác người nằm la liệt trên cánh đồng. Bộ trưởng Phúc lợi xã hội Maung Maung Swe cho biết: “Số người chết vì sóng lớn nhiều hơn là số người chết vì bản thân sự tàn phá của bão. Sóng dâng cao tới 3,5m và quét sạch mọi thứ. Người dân không còn nơi nào để thoát thân”.
Tại Yangon, thành phố lớn nhất nước, việc cung cấp điện vẫn chưa được khôi phục. Đường dây điện thoại cố định đã hoạt động lại nhưng sóng điện thoại di động và internet dường như vẫn tê liệt. Liên Hiệp Quốc (LHQ) tin rằng có tới 1 triệu người có thể lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và điều lo ngại nhất là sắp tới bệnh dịch có thể phát sinh khi người dân tại đây thiếu nơi ở hợp vệ sinh và nước sạch. Cần biết thêm rằng, thảm họa này đã giáng xuống vùng trồng lúa chính của Myanmar là đồng bằng Irrawaddy. Phía Liên Hiệp Quốc cũng đang quan ngại rằng việc đồng bằng Irrawaddy bị hủy hoại sau cơn bão cũng sẽ làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo của Myanmar.
Thaw Htun, một sinh viên Myanmar đang du học tại Thái Lan nói rằng, anh đã không thể gọi điện về cho gia đình suốt cuối tuần qua. Mãi đến đêm 05/05, khi đường điện thoại cố định hoạt động trở lại, gia đình mới gọi sang cho anh. Theo lời Thaw thì nước sạch là thứ cần thiết nhất tại Myanmar lúc này. Nhà của Thaw bị cây đổ trúng và hư hại. Thực phẩm cũng đang thiếu hụt trầm trọng. Gia đình phải dùng nến để thắp sáng. Thaw dù sao cũng còn may mắn hơn một người đồng hương khác là Paul khi anh chưa thể liên lạc được với gia đình do thông tin liên lạc bị hạn chế và đến giờ vẫn chưa biết tình hình ở nhà ra sao.
Trong khi đó, các tổ chức cứu trợ quốc tế đang hối hả chuyển lương thực, nước sạch và lều bạt vào Myanmar. Chính phủ nhiều nước châu Á hiện đã sẵn sàng giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão theo yêu cầu của Myanmar. Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Nyan Win hôm 05/05 đã tuyên bố: “Mọi sự giúp đỡ đều được hoan nghênh. Nhân dân chúng tôi đang gặp khó khăn”.
Thái Lan cũng đã chuyển hàng khẩn cấp gồm thực phẩm, nước uống và thuốc men trị giá 400.000 USD sang Myanmar. Nhật Bản viện trợ khẩn cấp cho Myanmar 270.000 USD bao gồm lều trại, máy phát điện và các vật dụng khác. Trong khi đó, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết hiệp hội cũng đã bắt đầu điều động mọi sự giúp đỡ từ các trung tâm điều phối ở thủ đô các nước thành viên. Ông Surin cũng đang kêu gọi các tổ chức nhân đạo khác trên toàn thế giới giúp người dân Myanmar.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo trong một bức thư gửi cho người đồng nhiệm ở Myanmar nói rằng: “Nếu có bất cứ cách nào Singapore có thể giúp được, cứ cho chúng tôi biết”. New Zealand và Úc cũng nói sẽ sẵn sàng viện trợ. Hàn Quốc thông báo sẽ cung cấp đồ tiếp tế khẩn cấp cho Myanmar với tổng trị giá 100.000 USD.
Theo AFP, Mỹ cũng đã gửi một khoản viện trợ ban đầu trị giá 250.000 USD. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết Liên Hiệp Quốc sẽ làm mọi thứ có thể để trợ giúp nhân đạo khẩn cấp và nhấn mạnh rằng đội cứu trợ thảm họa sẵn sàng đến Myanmar. EU cũng đã chi một khoản viện trợ khẩn cấp ban đầu trị giá 3 triệu USD.
Từ ngày 06/05, các chuyến bay từ Bangkok (Thái Lan) đến Yangon đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, người ta dự đoán rằng sẽ còn phải rất lâu nữa thì mọi thứ tại những vùng bị ảnh hưởng mới trở lại được bình thường.