Cứ hết mùa cấy, gặt, hầu như tất cả đàn ông có sức khoẻ ở xã Huy Thượng, Huy Bắc, Quang Huy và nhiều xã quanh khu vực đường vào Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa lại thành lập từng đội, tập hợp ở bản Suối Chiếu, xã Mường Thái, huyện Phù Yên (Sơn La) để men theo thượng nguồn suối Tấc vào Khu bảo tồn để "hạ sát" gỗ pơmu.
Trong vai một người chuyên “xẻ thịt” pơmu, nhập vào hội của những người phá rừng không mấy khó khăn, bởi với người dân ở đây, chuyện khai thác gỗ lậu diễn ra như cơm bữa.
Kinh hãi đường đi
Tôi và Thuỷ – người dẫn đường, vốn là lâm tặc đã “rửa tay gác rìu” từ 3 năm nay, chia nhau khoác 3 cân thịt, 6 cân gạo, 2 chiếc xoong gang và hai con dao đi rừng, đáp chuyến xe ôm từ thị trấn Phù Yên đến bản Suối Chiếu, xã Mường Thái để xin gia nhập hội xẻ thịt pơmu.
Ban đầu, những người ở đó đều căn vặn người dẫn đường về thân phận của tôi, mục đích chuyến đi… nhưng theo kịch bản đã dựng sẵn, Thuỷ nói với cả hội rằng, anh dẫn tôi đi tìm gỗ huỳnh đàn và bịa ra câu chuyện tôi cũng là một tay săn gỗ, nghe nói khu vực này có “hàng” nên đã mò vào. Thấy cách giải thích xuôi tai, cộng với quá khứ xẻ thịt pơ mu “oanh liệt” của Thuỷ làm bằng, cả hội bằng lòng cho tôi nhập bọn.
Sau “thủ tục” gia nhập, những chiếc bao tải nặng trịch được đưa xuống từ xe ôm, đám đi rừng lần lượt cởi quần dài buộc hai ống vào đáy bao, đai quần vào miệng bao để làm thành đôi quai đeo vừa chắc lại êm. Thấy tôi còn nguyên quần chùng áo dài, anh Thủy giục: “Mặc quần đùi thôi, cả ngày hôm nay là lội suối, trèo thác nên phải gọn gàng, không thì khó đi đấy”.
Sau một hồi leo đồi đất, cả đoàn nhảy ùm xuống con suối vô số đá cục, đá tảng, hòn thì to như con trâu, hòn lớn giống gian nhà. Trên những hòn đá đó đều được phủ một lớp rêu và chìa ra những cạnh sắc như lưỡi rìu. Là một người đã dọc ngang rất nhiều hang hoang, núi thẳm của Tây Bắc, thế nhưng tôi vẫn thường xuyên phải đi bằng “4 chân” mà cũng không tránh được những cú ngã oàch oạch.
Mỗi lần như vậy cả đoàn đi phá rừng lại được một bữa ngoảnh cổ lại cười hô hố. Nhìn bộ dạng bẩn bê bết như trâu đằm của tôi, một tay lâm tặc tên Cường nói: “Đường này chỉ có dân pơmu là đi được thôi, chứ kiểm lâm ở đây cũng không đi nổi. Họ toàn phải nhờ người Mông dẫn đường theo hướng Văn Chấn, Yên Bái vào rừng thôi, nhiều lần thấy cả đống gỗ trong rừng mà kiểm lâm cũng chẳng mang được ra vì đường khó đi quá, đành lấy dao chặt hủy đi mất. Họ rút thì bọn tớ lại hạ cây mới, khi nào đủ gỗ mới trôi ra”.
Cái cảnh đi bằng tứ chi và ngã sấp ngã ngửa như bị trời giáng, hay chui qua những cây gỗ chắn ngang suối giống như những chiếc bẫy, không biết sập xuống lúc nào? Nhiều đoạn suối bị thắt lại sâu hoắm, đành phải bỏ hết quần áo mới lách qua hai bên vách đá, ngửng đầu lên nhìn rơi cả mũ mà chưa thấy bầu trời. Cứ đi được vài cây số, anh Thủy lại chỉ cho tôi những chỗ có người chết hay ngã gẫy chân, mất răng ở đoạn suối này, ở khúc suối nọ. Nhưng đó chưa phải là điều tôi sợ nhất.
Do pơmu chỉ sinh trưởng trên độ cao từ 800 – 2.000m và như vậy, những con thác dọc theo suối là thang đánh dấu độ cao của núi. Tất cả mọi người và tôi đều phải bám vào vách đá, tìm những gờ mỏng để bám tay, đạp chân. Trong 8 con thác mà tôi phải vượt thì con thác 3 tầng làm tôi kinh hãi nhất, bởi những vách đá cao tới 30m dựng đứng, lúc leo được nửa đường mà người tôi cứ run giống như một con thạch sùng mới tập bám tường. Sợ phát khiếp. Chưa khi nào cảm giác cái chết lại ở gần mình như vậy do leo cũng không được mà tụt xuống cũng không xong.
Tôi cứ cheo leo trên vách thác và tuyệt vọng. Cuối cùng, bằng kinh nghiệm đi rừng, những người đi cùng thòng dây xuống buộc ngang người tôi. Rồi anh Thủy và một người nữa tên là Vững phải leo ven vách đá bên cạnh, bám tay vào hốc đá làm thang cho tôi đạp chân lên tay họ. Vừa để tay cho tôi đặt chân, anh Thủy vừa nói: “Áp bụng vào vách đá, không được nhìn xuống”. Cuối cùng, tôi cũng được kéo lên khỏi cái vách đá khủng khiếp ấy.
Người tôi giống như là một cái xác không hồn, định thần nhìn xuống hốc vực sâu mà mình vừa trèo qua thấy rất nhiều đoạn gỗ pơmu bị gẫy làm đôi. Mấy người cùng đi cho hay, sau khi xẻ gỗ, dân khai thác gỗ thả trôi theo suối, ra tới thác ba tầng phải dùng tời hạ xuống. Những đoạn gỗ vỡ là do bị đứt tời, vỡ làm đôi, bị dân đi rừng bỏ lại. Một tay vừa tham gia kéo tôi lên, đọc câu thơ tự chế “Không đi không biết pơ mu, đi rồi mới biết mình ngu hơn bò”.
Ăn rừng ngủ suối
Sau một ngày đi bộ đến cứng hết hai cẳng chân, thì cái đoàn phá rừng, trong đó có cả tôi cũng hạ trại, vì trời tối không đi được nữa, đây cũng đến địa điểm mà dân đi rừng thường ngủ lại. Đã quá quen với cảnh đi rừng cả đám đều ai vào việc đấy: bổ củi, tìm rau, nhóm bếp, thổi cơm.
Những chiếc nồi được tận dụng hết công suất, nấu cơm xong đổ ra tàu lá chuối, rồi lại cho thịt vào, thịt thì đã được trộn với muối, gói trong từng túi nylon chỉ đảo qua, lại đổ ra cuối cùng là nấu canh rau. Khi tất cả đã xong, mỗi người cầm một chiếc thìa thi nhau xúc…
Mặc dù đi rừng cả ngày, nhưng thấy tôi khó nuốt trôi những miếng thịt mặn tới mức đun chín mà muối vẫn sùi trắng ra xung quanh, mấy tay lâm tặc động viên “cố ăn đi, không hết mất bây giờ, của không ngon nhà đông con cũng hết, dân đi làm pơ mu mà không ăn nhiều mỡ, thì chẳng có sức đâu mà làm, lúc leo dốc vác gỗ là người cứ run cập cập ngay thôi”.
Nghĩ tới những lúc đuối sức tôi đành phải phồng mồm nuốt những miếng thịt mỡ mặn đến đắng miệng, và phần cơm sống sượng ngầm ngầm, đã cố hết sức nhưng tôi vẫn phải bỏ dở ra bờ suối vục miệng xuống uống nước, mong trôi được vị mặn và cái nghẹn bứ trong họng, bởi những thìa cơm sống. Mới 6h chiều, mà bóng tối sơn lâm đã bao phủ lên căn lán được dựng lên bằng 2 tấm bạt, vùa để che sương vừa để nằm.
Do hạ trại ở độ cao hơn 1000m nên hơi lạnh từ suối phả lên, từ núi toả ra khiến cho tôi tê cóng cả người, đành chui đại vào tấm vải bạt được trải trên những hòn đá răm nhỏ, đặt lưng xuống giống như mình đang nằm trên đống gai mít, nằm cạnh tôi là Vững anh ta nói: “Dân sơn tràng đi làm pơ mu này chui vào rừng thì chỉ có ăn như lợn, ngủ như chó thôi, kiếm được đồng tiền cực lắm nhiều người vì pơ mu mà bỏ mạng, cụt tay, mất chân. Nhưng sống ở đây mình không làm thì người khác cũng làm, những lúc nước cạn đi trôi gỗ vất vả, nhưng thấy người ta đi thì mình cũng phải cố thôi.”
Nằm giữa 20 người phá rừng mặc dù quá mệt mà tôi không tài nào chợp mắt được.
Sau một ngày đêm nhập vào ổ phá rừng, trải qua những vách đá kinh hãi và những bữa cơm rừng, đêm suối cũng chỉ là khúc dạo đầu của những người đi giết rừng. Bởi để có một đầu gỗ trôi suối ra đến bản Suối Chiếu, thì còn rất nhiều cảnh tượng đau lòng mà tôi đã phải xót xa chứng kiến và ghi lại…