Lượng thải vào bầu khí quyển của hai loại khí chính gây hiệu ứng nhà kính đã tăng mạnh trong năm 2007 – cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia của Mỹ vừa mới công bố thông tin này.
Trong chỉ số hàng năm về lượng khí thải gây hiệu nhà kính dựa trên số liệu từ 60 vùng trên toàn thế giới, lượng khí CO2 – thủ phạm chính dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu – đã tăng 0,6% hay 19 tỷ tấn. Còn lượng khí mê-tan tăng 0,5%, hay 27 triệu tấn, sau gần một thập niên không hoặc hầu như không thay đổi.
Các tác giả của báo cáo trên cho biết khí CO2 chủ yếu sản sinh từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng gia tăng và Trung Quốc hiện là nước thải nhiều loại khí này nhất. Trong năm 2007, lượng khí CO2 có trong khí quyển là gần 390 ppm (đơn vị đo một chất trong mỗi triệu phân tử không khí) so với mức chỉ có 270 ppm trước khi diễn ra cuộc Cách mạng Công nghiệp dẫn đến việc sử dụng rộng rãi nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, sự gia tăng lượng khí mê-tan sau nhiều năm gần như không thay đổi có thể là dấu hiệu báo động. Khí mê-tan vốn bị chôn vùi dưới lớp đất bị đóng băng ở Bắc cực suốt hàng nghìn năm đang bốc lên khí quyển khi băng tan. Khí mê-tan có khả năng gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn gấp 25 lần so với khí CO2.
Tuy nhiên, hiện tại lượng khí mê-tan có trong khí quyển vẫn ít hơn nhiều so với lượng khí CO2, do vậy tác động mà nó gây ra đối với khí hậu hiện chỉ bằng một nửa khí CO2.
Các nhà khoa học cảnh báo lượng khí thải CO2 tiếp tục tăng trong năm 2008 và thế giới đang phải sống trong điều kiện khí hậu cực kỳ nguy hiểm.