Tại Quyết định số 485/QĐ-TTg, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020” nhằm ngăn chặn sự gia tăng các loài bị đe dọa tuyệt chủng, tiến tới phục hồi và phát triển giống loài thủy sinh quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Tổng vốn đầu tư cho đề án trên từ năm 2008 đến năm 2020 là 576 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2010 là 228 tỷ đồng.
Đề án tập trung lập cơ sở dữ liệu của các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở các cấp độ khác nhau, đồng thời đề xuất các loại hình bảo vệ thích hợp cho từng đối tượng.
Trong giai đoạn này cũng sẽ xây dựng thí điểm khu bảo vệ một số loài thủy sinh đặc hữu như: cá mòi cờ, cá cháy, cá chiên, cá anh vũ, cá rầm xanh, cá hỏa (vùng trung lưu sông Hồng và hạ lưu sông Đà); cá chình, đặc biệt là cá chình hoa (vùng hạ lưu sông Ba, hạ lưu sông Hương); một số loài cá vùng cửa sông Tiền tỉnh Bến Tre, Trà Vinh; một số loài di cư trên lưu vực sông Mekong (tỉnh An Giang), một số loài cá ở vùng đất mũi Cà Mau và bãi giống nhuyễn thể ven biển tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa.
Đặc biệt, với 65 tỷ đồng, khoản kinh phí cao nhất trên tổng số 576 tỷ đồng của toàn đề án sẽ được chi cho việc phổ biến, tuyên truyền thông tin về bảo vệ các loài thủy sinh quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, hệ thống phát thanh cấp xã…
Ngoài ra, công tác bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm sẽ được đưa vào chương trình học của học sinh phổ thông và sinh viên khoa sinh hệ đại học, cao đẳng với hình thức phù hợp cho từng cấp học.
Cùng với việc tiến hành bảo vệ thành công những loài thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao, đề án cũng hướng tới việc hoàn chỉnh công nghệ sinh sản nhân tạo các loài thủy sinh quí hiếm để chủ động giống thả bổ sung vào các thủy vực vào năm 2020./.