Từ nhiều năm nay, Bình Thuận đã trở thành một điểm “nóng” trong các hoạt động dầu tư và phát triển du lịch trong cả nước. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2008 là sẽ đón 2 triệu khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 180 ngàn lượt người. Để phát triển du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường, tỉnh yêu cầu những dự án đầu tư du lịch trong thiết kế phải đặt khâu bảo vệ môi trường sinh thái lên hàng đầu.
Tỉnh tiến hành sắp xếp lại một số khu du lịch như: khu du lịch Đồi Dương, điểm tham quan du lịch đồi cát Mũi Né, khu vực Hòn Rơm… Thành lập 6 Ban Quản lý khu du lịch để quản lý các hoạt động bảo vệ môi trường trong các khu du lịch, giữ gìn an ninh trật tự và các hoạt động kinh doanh để hạn chế các trường hợp gian lận, tăng giá quá cao đối với du khách .
Tại các khu du lịch Phan Thiết – Mũi Né phần lớn điều có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường (Phú Hải resort, Novotel, Cát Trắng, Seahorse, Sài Gòn – Mũi Né…). Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh du lịch cũng có những hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường như: thường xuyên cử nhân viên làm vệ sinh bờ biển, quét dọn và thu gom rác trên bãi biển; tổ chức trồng cây xanh trong khuôn viên khu du lịch…
UBND TP. Phan Thiết cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng; thành lập tổ thu gom rác tại cụm dân cư, thực hiện tốt công tác tổng vệ sinh môi trường đảm bảo không để rác tồn đọng khu vực công cộng và dọc bãi biển… tỷ lệ rác được thu gom đã đạt trên 80%. Đến nay, 100% ki ốt kinh doanh tại các khu du lịch đều được trang bị thùng chứa rác, các chủ hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc quy định việc đưa rác đến điểm tập trung từ 20 đến 24h hàng ngày.
Bảo vệ môi trường du lịch góp phần cải thiện sự xuống cấp của môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường, nhất là môi trường du lịch biển cần sự chung tay của các ngành, các cấp và người dân.