Mặc dù đi từ sớm, lúc đến Tràm Chim thì mặt trời đã lên được một con sào. Văn phòng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nhộn nhịp khách vào ra. Một tốp du khách người Âu chắc là mới đi tham quan về, đang ngồi nghỉ. Một chàng trai cao lớn, mặt mũi khôi ngô (sau này mới biết là một sinh viên người Canada) đang ngồi đọc một cuốn sách dày cộp. Liếc nhìn bìa sách và thấy đó là cuốn tiểu thuyết Ana Karenina của Lev Tolstoi được dịch sang tiếng Anh. Một chàng trai Canada đến tận Tràm Chim huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp của Việt Nam và đang ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết Nga thế kỷ 19 được dịch ra tiếng Anh! Thật lãng mạn…
Ghe máy đang rẽ nước để đi đến một địa điểm có thể quan sát một góc “cánh đồng hoang” mà sếu đầu đỏ đang về đây kiếm ăn. Ghe chạy đến đâu thì từng đàn cò, đàn chim vụt bay tán loạn đến đó… Chúng bay đi, để lại mặt kinh những vạt lục bình trắng xóa cứt cò (!). Thi vị nhất là ghe chạy qua những đoạn kinh mà sen mọc dầy đặc, hương sen thơm ngào ngạt bốc lên…
Cả đoàn gồm 5- 6 người, trong đó có một vị Bộ trưởng đã nghỉ hưu, muốn quay lại chốn cũ, một doanh nhân quanh năm bận rộn muốn thư giãn, một kỹ sư, một cô gái… Tất cả đều nhất trí là không khí nơi đây trong lành quá, như có ai thở giùm hai lá phổi cho mình! Hỏi anh Lê Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường của vườn: – Năm nay sếu đầu đỏ về được bao nhiêu rồi anh? Anh Tâm: – Được hơn 60 con rồi anh ạ! – Năm sếu về nhiều nhất thì được bao nhiêu? – Hàng năm, cứ từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch sếu đầu đỏ về Tam Nông kiếm ăn, năm ngoái về nhiều hơn cả, chúng tôi đếm được 225 con!
Cả đoàn dừng ghe để leo lên một bờ mương. Bờ mương khá cao, đứng ở đây có thể quan sát được cánh đồng mênh mông trước mặt. Đó là cánh đồng đã được tháo cạn nước làm bãi đáp cho sếu kiếm ăn. Từng đàn cò trắng, gà nước thấy người, ào ạt bay lên rồi trả lại sự yên tĩnh cho cánh đồng.
Giám đốc Tâm chỉ tay về phía xa xa nói: – Các anh thấy chưa, sếu đầu đỏ kia kìa! Anh giải thích: Cứ 3 con cụm lại kiếm ăn với nhau. Đó là gia đình nhà sếu. Được biết, ở Tràm Chim này anh Tâm là một “cuốn từ điển sống” về loài sếu. Hỏi đâu nói đó, toàn những điều bất ngờ với du khách về loài sếu đầu đỏ. Anh lần lượt đưa ống dòm cho mọi người quan sát. Qua ống kính télé của máy ảnh, có thể nhìn rõ mồn một những gia đình sếu đang cần mẫn kiếm ăn, cụm lại từng cụm 3 con!
Những gam màu vàng nhiều cung bậc của cánh đồng cỏ năn đã rút cạn nước với điểm nhấn là những bụi tràm cổ thụ xanh rì còn sót lại trên đồng… làm người khách nhớ tới bức tranh “mùa thu vàng” của Lê-vi-tan. Chỉ có danh họa Nga này sống lại, họa may mới pha đủ cung bực màu vàng để vẽ sắc vàng của Đồng Tháp Mười Việt Nam. Nhưng những con sếu đầu đỏ cái đầu đỏ chót, không lẫn vào đâu được giữa đám cỏ dại đã úa vàng. Loài chim này còn được gọi là “hạc” trong các đền chùa, đình làng mà ông bà ta xưa kia cúng bái đã đặt lên bàn thờ, hẳn còn nhiều điều mà nhiều người đến nay chưa biết về nó.
Theo các nhà khoa học thì loài sếu đầu đỏ đã xuất hiện trên trái đất tròn 60 triệu năm, cùng thời với loài bò sát khổng lồ khủng long. Nó được phân bổ mọi châu lục. Sếu Canada là loài chim hiện tại cổ nhất trong các loài chim và nó không thay đổi gì trong vòng 9 triệu năm.
Rất nhiều chim trên thế giới có chân dài, cổ dài, mỏ dài như diệc, cò, giang sen nhưng không phải là sếu. Cái khác nhau là cò lớn, diệc, và cò trắng có ngón chân sau dài và dùng nó để đỗ trên cây. Chúng làm tổ trên cây, có khi trên nóc nhà! Còn sếu đầu đỏ và các loài sếu khác có ngón chân út ngắn và cao hơn những ngón khác vì thế chúng không thể đỗ trên cây. Tổ của chúng luôn ở trên mặt đất và làm tổ đơn độc. Sếu con nở ra sau vài giờ là có thể đi kiếm ăn một mình. Sếu có một tình yêu rất chung thủy, chúng “kết hôn” cả đời. Nếu chẳng may một trong 2 con chết, con kia mới… đi bước nữa! Khi mùa xuân đến, chúng nhảy múa để ghép đôi. Điệu múa này được diễn ra ở tất cả các đôi. Khi bay cổ và chân sếu duỗi thẳng, người ta dễ nhận ra một đàn sếu đang bay. Nó còn được nhận biết vì tiếng kêu to và vang xa hàng 2-3 cây số. Tiếng kêu độc đáo này do khí quản đặc biệt dài tạo nên hiện tượng cộng hưởng âm thanh, giống như những ống xoắn của kèn trompet.
Hầu hết sếu di cư trên một đoạn đường dài giữa hai nơi sinh sống mùa đông và mùa hè, chủ yếu là để kiếm ăn và nước. Sếu ăn tạp, cả động vật và thực vật. Nhờ chân cao và mỏ dài, sếu lội nước và qua những đám cỏ rậm rạp để kiếm thức ăn. Vì là loài chim lớn nên chúng cần những vùng ngập nước lớn, an toàn để nuôi con. Điều đó cũng làm cho chúng khó tồn tại.
Ở Đồng Tháp Mười xứ ta như Tràm Chim (Tam Nông), sếu kiếm ăn từ ếch nhái, côn trùng, củ năn mọc trên bãi đã cạn, sau đó tìm đến các đầm nước để uống và tắm. Vì thế, nhất thiết phải có những khu ngập nước rộng lớn mới có thể nhử sếu về được! Ở Tràm Chim hiện nay, khu ngập nước hoang hóa được quy hoạch là hơn 7.000 héc ta! Người có công gây dựng Vườn Quốc gia Tràm Chim này bác Mười Nhẹ (Nguyễn Xuân Trường). Lớn lên ở vùng Đồng Tháp, tuổi nhỏ bác Mười đã say mê những đàn sếu, giang sen, già đẫy, bồ nông, cồng cộc… của Tháp Mười hoang sơ.
Chính bác Mười đã từng bắt được sếu non đưa về nhà nuôi. Trong 2 cuộc chiến tranh ác liệt, lăn lộn tại Đồng Tháp, bác Mười đã nghĩ đến ngày đất nước độc lập sẽ khôi phục lại tràm chim để dụ sếu về quê hương! Đến khi trở thành người lãnh đạo của tỉnh, bác Mười đã thực hiện ngay ý đồ đó. Đến năm 1989, Vườn Quốc gia Tràm Chim ra đời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhờ công đầu của bác Mười. Vì thế bà con Đồng Tháp gọi bác là “Ông Mười sếu”!
Hiện nay hàng năm có 5-6 ngàn du khách đến tham quan Tràm Chim, trong đó 30% là du khách quốc tế. Giám đốc Tâm cho hay, năm 2007 vừa qua có 26 đoàn quốc tế đến làm việc. Chủ yếu là các nhà khoa học môi trường và sinh viên làm luận văn tốt nghiệp đến để nghiên cứu tìm hiểu và… thích thú!
Vườn Quốc gia Tràm Chim Đồng Tháp, cũng như Vườn Quốc gia U Minh Hạ, U Minh Thượng… với những vườn tràm đặc chủng, những đàn dơi quạ quý hiếm… còn đến hôm nay là niềm tự hào của Đồng bằng sông Cửu Long. Chính tại Tràm Chim này đã sinh ra một nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên chụp sếu đầu đỏ là Bác sĩ Đoàn Hồng ở Đồng Tháp. Có nhà khoa học đã từng tuyên bố: Một đất nước không có những vùng hoang thì không ra đất nước!
… Đêm hôm đó cả đoàn về ngủ tại một khách sạn khá sang trọng ở một thị xã đông vui… Nằm mãi không ngủ được… lại nghĩ đến các anh ở Tràm Chim, ở U Minh… Các anh suốt tháng năm trực ở đó, không nề hà mưa nắng hoang vu và cả hiểm nguy nữa để… canh giữ những báu vật của quê hương. Các hội nghị quốc tế về môi trường đang họp ở các nơi trên thế giới trước thảm cảnh thiên nhiên bị tàn phá… chắc chắn không nhắc tới tên tuổi các anh… Nhưng nhân dân Việt Nam và con cháu đời sau chắc chắn sẽ không quên.