Nguyên nhân chính làm cho sông, hồ nội thành ô nhiễm là bởi tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến cho cơ sở hạ tầng thoát nước và khả năng quản lý không theo kịp. Lời giải cho bài toán ô nhiễm sông, hồ nằm ở trong tay những nhà quản lý và những người dân Hà Nội.
Ô nhiễm sông, hồ Hà Nội, thực trạng đáng sợ (Kỳ 1)
Quản lý yếu, kinh phí thiếu
Thời gian qua, mặc dù các sở, ngành và chính quyền các cấp đã nỗ lực nhưng việc quản lý, khai thác sông, hồ vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng lấn chiếm hồ vẫn xảy ra. Sự phức tạp, chồng chéo trong quản lý, khai thác dẫn đến tình trạng không thống nhất khiến hệ thống sông, hồ không phát huy hết chức năng phục vụ công tác thoát nước và điều hòa vi khí hậu. Ví dụ điển hình nhất là trước đây chỉ riêng Hồ Tây đã có tới 9 sở, ngành và 10 doanh nghiệp tham gia khai thác, kinh doanh.
Việc quản lý yếu kém, chồng chéo vừa là nguyên nhân gây ra ô nhiễm vừa là nguồn gốc gây khó khăn trong việc cải tạo sông, hồ đang bị ô nhiễm nặng. Hiện nay, Hà Nội đã phân cấp các hồ về quận, huyện để tập trung công tác quản lý, khai thác hồ về một đầu mối. Nhưng, khi được giao về quận, huyện các hồ vẫn bị bỏ rơi, bị lấn chiếm và xả rác vô tội vạ. Trong khi đó, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội lại chỉ được giao nhiệm vụ quản lý mực nước hồ và tiêu thoát nước vào mùa mưa.
Cùng với khó khăn từ khâu quản lý, khó khăn do thiếu kinh phí cải tạo sông, hồ dễ nhìn ra nhất và cũng khó giải quyết nhất bởi chi phí xử lý ô nhiễm thường rất lớn. Ông Đặng Dương Bình-Nguyên Trưởng phòng Quản lý môi trường và Khí tượng thủy văn (Sở TN-MT&NĐ) cho biết, vốn đầu tư cho xử lý nước thải là rất lớn. Theo đơn giá hiện hành, chi phí để xử lý 100% nước thải của Hà Nội lên tới 1,5 tỷ đồng/ngày, nghĩa là khoảng 550 tỷ đồng/năm. Ông Bình khẳng định: Mặc dù xử lý nước thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm nước mặt là vấn đề không mới nhưng rất cấp thiết. Việc này tuy không mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp nhưng là việc cần phải làm nếu muốn phát triển bền vững.
Nỗ lực chưa đủ mạnh
Những năm qua, chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý sông, hồ trên địa bàn nhưng những nỗ lực này xem ra vẫn chưa đủ. Hà Nội đã đang và sẽ tiến hành nâng cấp, cải tạo những hồ lớn như Trúc Bạch, Thành Công, Giảng Võ, Thiền Quang, Thanh Nhàn… Thực tế cho thấy việc nâng cấp, cải tạo hồ là biện pháp hữu hiệu chống được tình trạng lấn chiếm hồ trước đây và góp phần giảm ô nhiễm.
Tuy nhiên, cũng như nhiều công trình khác trên địa bàn, việc cải tạo hồ và sông đang vướng ở chỗ chưa có nhà để bố trí tái định cư cho các hộ dân nằm trong diện phải di dời để giải phóng mặt bằng. Một số dự án cải tạo hồ, sông bị chậm so với tiến độ đề ra vì phải chờ căn hộ tái định cư như dự án cải tạo hồ Văn Chương, Kim Liên, Linh Quang…
Mặt khác, thành phố đã đưa 2 trạm xử lý nước thải Trúc Bạch (công suất 2.300m3/ngày-đêm) và Kim Liên (3.700m3/ngày-đêm) thuộc Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn I vào hoạt động. Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long-Vân Trì (thuộc Dự án phát triển hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long-Vân Trì) với công suất 42.000 m3/ngày-đêm cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, nếu so với tổng lượng nước thải trên toàn thành phố thì tổng lượng nước thải được 3 nhà máy này xử lý quá nhỏ !
Cần một giải pháp tổng thể
Làm việc với UBND thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định Bộ sẽ làm hết sức để hỗ trợ Hà Nội cải thiện chất lượng nước mặt, kể cả vấn đề kinh phí. Bộ trưởng cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề nước thải, Hà Nội cần tập trung xử lý các nhà máy gây ô nhiễm trước, sau đó mới đến khu dân cư.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi đã xử lý được tất cả cơ sở công nghiệp lớn và bệnh viện, nguy cơ ô nhiễm nước mặt tại Hà Nội vẫn cao bởi thành phố vẫn còn hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ, tiểu thủ công nghiệp như nhuộm, sản xuất nhựa, hóa chất, luyện kim… nằm xen kẽ trong khu dân cư. Ngoài ra, ý thức người dân còn kém, tình trạng xả rác thải, chất thải rắn bừa bãi vào hệ thống thoát nước vẫn phổ biến.
Mấy ngày qua, sau khi hồ Linh Quang được nạo vét, Thành đoàn Hà Nội cùng các sở, ngành liên quan đã phát động phong trào thanh niên tình nguyện cải tạo các hồ Hố Mẻ, Khương Thượng, Đống Đa. Đây là việc làm đáng hoan nghênh, nhưng xét về lâu dài, kết quả của đợt nạo vét này sẽ không có ý nghĩa nếu như thành phố thiếu giải pháp tổng thể cải thiện ô nhiễm sông, hồ, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Chỉ còn 900 ngày nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Người Hà Nội có rất nhiều giá trị quý báu để tự hào. Nhưng cũng còn nhiều điều trăn trở, trong đó có tình trạng ô nhiễm sông, hồ. Giá như đến dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, lũ trẻ lại có thể bơi trên sông, trên hồ như ngày nào?
Ủy ban nhân dân TP Hà Nội vừa ký hợp đồng huy động các nhà khoa học vào việc bảo vệ môi trường ở hồ Văn trong khuôn viên Quốc Tử Giám – Văn Miếu. Theo hướng này chính quyền thành phố sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp cùng các viện nghiên cứu tìm ra giải pháp tổng thể đồng bộ từ kế hoạch đầu tư đến công nghệ, giải quyết từng bước, theo lộ trình, một cách triệt để tình trạng ô nhiễm trên các sông hồ để dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, người dân thủ đô có thêm niềm tự hào từ những công trình làm sạch, đẹp Thủ đô.
Mong ước thành phố tổ chức một cuộc thi về ý tưởng cải tạo sông, hồ để tìm ra những giải pháp tốt và sau đó biến nó thành hiện thực. Hơn ai hết, người Hà Nội rất mong hệ thống sông, hồ được hồi sinh.