Không phải ngẫu nhiên mà gần đây dư luận xã hội cũng như lãnh đạo Đảng và Chính phủ đề cập đến khá nhiều vấn đề an ninh lương thực quốc gia và quỹ đất sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi sang làm công nghiệp, khu đô thị đã diễn ra quá nhanh, khiến diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nhanh chóng. Đặc biệt, ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nhiều địa phương vốn “thuần nông”, với đất màu mỡ chuyên canh lúa nước từ ngàn đời, nay hầu như không còn đất để sản xuất…
Những con số đáng báo động
Theo quy hoạch sử dụng đất đến 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất nông nghiệp sẽ tăng từ 8.973.783 ha (năm 2000) lên 9.363.063 ha (năm 2010). Tuy nhiên, dân số nước ta từ hơn 77,6 triệu của năm 2000 sẽ tăng lên khoảng 86,5 triệu vào năm 2010.
Như vậy, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người của cả nước sẽ giảm từ 0,113 ha (năm 2000) xuống còn 0,108 ha (năm 2010) và trong vòng 10 năm, bình quân đất nông nghiệp trên đầu người đã giảm 50m², trung bình mỗi năm giảm 5m²!
Đây là con số mà PGS.TS Lê Thái Bạt (Hội Khoa học đất Việt Nam) cho rằng rất đáng lo ngại, vì hiện nay khoảng 75% dân số nước ta vẫn sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2005 đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 02/2007, thì diện tích đất trồng lúa của cả nước là 4.165.277 ha và 60% của số đó thuộc 24 tỉnh của 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc bộ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu định canh (thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam) cho thấy, từ năm 2000 đến hết 2006, với việc mở rộng của các khu công nghiệp và khu đô thị mới, diện tích đất trồng lúa của cả nước đã mất đi 318.400 ha. Một con số không nhỏ chút nào khi mà đất đai, nhất là đối với đất chuyên canh trồng lúa, không thể “tự nhiên” sinh ra được!
Cách đây 10 năm, ở miền Bắc có 3 tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn, đồng bãi phì nhiêu, được coi là tỉnh “thuần nông”, bỗng tốc độ công nghiệp hóa nhanh và mạnh mẽ là Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên. Nhờ việc quy hoạch và phát triển các dự án khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư, nên cả 3 tỉnh đều sớm gia nhập “Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng”.
Những cánh đồng lúa “thẳng đường cày”, đất đai phì nhiêu, màu mỡ nằm dọc quốc lộ 5 chỉ sau vài năm đã bị lấp kín bởi hàng trăm công ty, nhà máy. Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc nhanh chóng thoát khỏi cái tiếng “thuần nông”, vươn lên đạt danh hiệu “tỉnh giàu”. Sau 3 “mô hình” này, ở đồng bằng Bắc bộ lại có thêm nhiều tỉnh khác như Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh… đua nhau chạy theo quy hoạch, xây dựng ồ ạt các khu công nghiệp trên đất trồng lúa, khiến nhiều nơi không còn đất để cấy trồng.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài nguyên-Môi trường, trong 7 năm qua (năm 2001-2007), tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp trên 500.000 ha (chiếm hơn 5% đất nông nghiệp đang sử dụng). Đặc biệt, việc đất nông nghiệp bị thu hồi và chuyển sang mục đích đô thị hóa và công nghiệp hóa năm sau luôn tăng hơn năm trước. Chỉ tính riêng trong năm 2007, diện tích đất trồng lúa cả nước đã giảm 125.000 ha.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, trong vòng 10 năm qua, tỉnh đã thu hồi trên 4.000 ha đất nông nghiệp để bàn giao cho 650 dự án xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị và kết cấu hạ tầng. Tại Hưng Yên, 4 vùng chuyên canh lúa là Phù Cừ, Tiên Lễ, Kim Động và thị xã Hưng Yên, trong năm 2007 đã thu hồi 500 ha đất lúa cho việc xây dựng 4 khu công nghiệp. Tỉnh Bắc Ninh, năm 2000, có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 49.000 ha (con số của Sở NN-PTNT Bắc Ninh), nhưng bước sang đầu 2008, diện tích đất trồng trọt giảm chỉ còn hơn 42.000 ha. Chỉ tính năm 2005, Bắc Ninh có hơn 2.500ha đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, khiến 9% số hộ mất 80-100% đất sản xuất, 20% số hộ mất 50-80%. Trong đó, phần lớn diện tích bị thu hồi là đất chuyên canh lúa 2 vụ.
“Mất nhiều đất nông nghiệp quá”
Đó là phát biểu của GS Lê Văn Tiềm (Viện Khoa học Nông nghiệp) tại hội thảo Sử dụng tài nguyên đất ở Việt Nam với định cư đô thị và nông thôn do Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam tổ chức vào năm 2007. Theo GS Tiềm, xu thế đô thị hóa, mất đất nông nghiệp không thể tránh; nhưng tốc độ thế nào và hạn chế nó ra sao là điều cần phải tính. “Chúng ta có chủ quan không trong an ninh lương thực? Đi đâu chúng ta cũng khoe từ 1 nước nhập khẩu 1 triệu tấn/ năm, nay đã xuất khẩu được 4-5 triệu tấn/năm. Nhưng với tốc độ và tình trạng mất đất nông nghiệp như hiện nay, đến lúc nông dân sẽ không còn đất trồng lúa nữa, lấy đâu ra gạo để xuất khẩu…” – GS Tiềm nói.
Tại xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), một xã thuần nông nằm sát quốc lộ 5, thật khó hình dung được nơi này trước đây là những cánh đồng lúa, hoa màu trù phú. Nay tường rào của những nhà máy, khu công nghiệp như vây kín gần hết các làng và xen kẽ giữa những bức tường đó, một vài thửa ruộng còn sót lại nông dân đang cấy trồng.
Bà Luyến ở thôn An Lạc, xã Trưng Trắc cho biết, xã có 5 thôn thì 3 thôn gần như đã mất hết đất ruộng, chỉ thôn An Lạc và Ngọc Lịch là còn ruộng. Riêng An Lạc, trước đây có hơn 200 mẫu ruộng (một mẫu là 10 sào, 3.600m²), nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 100 mẫu.
“Bây giờ chính quyền đang vận động để dân bán đất cho mở tiếp nhà máy đấy.
Chắc sẽ mất hết ruộng thôi. Trước đây giá đền bù là 19 triệu một sào, bây giờ là 24 triệu nhưng dân không chịu, nghe đâu là sẽ nâng lên 36 triệu một sào đất ruộng…” – bà Luyến tâm sự.
Sát ngay An Lạc là thôn Chiều Đông thuộc xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang (Hưng Yên) cũng rơi vào tình trạng như vậy. Thôn có hơn 150 mẫu đất ruộng, nhưng giờ chỉ còn hơn 50 chục mẫu sát đầu làng. Anh Nghị, người thôn Chiều Đông cho biết: “Chính quyền rồi doanh nghiệp về vận động dân bán đất ruộng để mở nhà máy hết đợt này đến đợt khác.
Người dân cũng tính toán, lưỡng lự. Nhưng rồi có người cứ bán, lấy tiền đền bù. Một nhà làm được, nhà khác cũng làm theo. Chủ trương chính quyền như thế, mọi người làm thế, mình cũng phải theo. Cứ thế, đất ruộng cứ mất dần đi. Bán một sào ruộng lấy mấy chục triệu, tiếc và đau lòng lắm, nhưng không thể làm khác được…”.
Tìm đến xã An Khánh thuộc huyện Hoài Đức (Hà Tây). Đây là một ngôi làng cổ vốn nằm lặng lẽ giữa cả cánh đồng lúa rộng hàng trăm hécta. Thế nhưng hiện tại, bốn bề đều bị “vây bọc” bởi dự án khu đô thị mới. Ông Nguyễn Văn Sơn và Vũ Văn Nhu, ngoài 50 tuổi, cùng ở thôn Lũng Vân, xã An Khánh, cho biết: “100% đất nông nghiệp của xã đã bị thu hồi để làm khu đô thị mới và khu công nghiệp”. Đứng trên đường Láng-Hòa Lạc nhìn về phía Bắc là khu đô thị Bắc An Khánh.
Theo quy hoạch, nơi đây sẽ mọc lên một khu đô thị rộng 264,4 ha với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Hiện đất đã được thu hồi, nhà đầu tư đang tiến hành san lấp mặt bằng. Từ đường Láng-Hòa Lạc đi về phía Nam, xuyên qua làng cổ An Khánh là cánh đồng trải dài lút tầm mắt nhìn từ đầu làng đến tận trục đường 72 (Hà Đông – Quốc Oai). Nhưng từ đầu năm đến nay, cánh đồng này cũng đã được đổ đất san lấp mặt bằng để khẩn trương xây dựng khu đô thị mới Nam An Khánh. Những tuyến đường nội khu đô thị, hình bóng của những tòa nhà cao tầng, đồ sộ đã dần hiện lên.
Không chỉ những khu dự án đã được phê duyệt, từ khi có thông tin tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, còn có thêm nhiều nhà đầu tư khác cũng muốn nhảy vào đất Hà Tây để “thôn tính” nốt những cánh đồng còn lại, nhằm biến thành khu đô thị mới. Bởi vì ở đây có địa thế rộng, đất đai bằng phẳng, cảnh quan thơ mộng, giao thông thuận tiện, có lợi cho việc kinh doanh chung cư cao cấp, biệt thự liền kề, khu du lịch, trung tâm thương mại…
UBND tỉnh Hà Tây khẳng định, ngoài những dự án đã và đang triển khai, còn có hàng loạt dự án đang chờ phê duyệt như dự án khu đô thị mới Sơn Đồng, Vân Canh, Tân Lập (nằm kề sát khu đô thị mới Bắc An Khánh). Phía bên kia đường 72, nằm kề sát khu đô thị mới Nam An Khánh sẽ là khu đô thị mới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, rộng 840 ha (lớn thứ 2 ở Hà Tây) sẽ phủ trùm lên toàn bộ cánh đồng lúa của 3 xã La Phù, Đông La, Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức, Hà Tây).
Lớn thứ nhất là khu đô thị Tây Quốc Oai, rộng 900 ha, sẽ phủ trùm lên toàn bộ cánh đồng của các xã Hoàng Ngô, Thạch Thán, Ngọc Mỹ, Sài Sơn (huyện Quốc Oai) và còn hàng chục khu đô thị khác nằm rải rác khắp địa bàn tỉnh Hà Tây. Trong đó, riêng ở xã Dương Nội (ngoại ô TP Hà Đông), hiện đang có 13 dự án muốn nhảy vào, trong đó chủ yếu là dự án xây dựng khu đô thị mới. UBND tỉnh Hà Tây đã ra quyết định thu hồi 100% đất nông nghiệp của người dân Dương Nội để giao cho nhà đầu tư.
An Khánh, Dương Nội là 2 xã đầu tiên ở Hà Tây bị mất 100% đất nông nghiệp. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển các dự án như hiện nay, Hà Tây sẽ còn có thêm nhiều xã khác, nông dân tiếp tục không còn một tấc đất ruộng để trồng rau màu, ngô, lúa. Và rồi, những nông dân sẽ làm gì kiếm sống khi không còn đất ruộng sản xuất?