Với diện tích không lớn – chỉ vài sào Bắc Bộ, nhưng nhiều hộ dân ở xã Kiến Quốc (Kiến Thụy – Hải Phòng) đã tạo ra nguồn thu hàng chục triệu đồng/năm. Đó là nhờ bà con đã áp dụng mô hình trồng lúa kết hợp nuôi thuỷ sản.
Hiệu quả cao hơn độc canh lúa
Ông Vũ Hữu Báu ở thôn 2, khẳng định: “Tôi là một trong những người đầu tiên áp dụng mô hình lúa + thuỷ sản. Với diện tích 6 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), tôi dành 2 sào ao để thả cá, 4 sào còn lại cấy lúa, thu 10 triệu đồng/năm. Riêng nguồn thu từ cá đạt 8 triệu đồng”.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Báu quyết định chuyển hướng làm ăn. Vài năm trước, ông đã nổi tiếng là người “hốt bạc” nhờ các mô hình kinh tế mới. Chỉ với 150m2 ao cá nhưng mỗi lần thu đến hàng triệu đồng. Nhận thấy nuôi thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông bắt tay vào việc dồn đổi ruộng đất.
Ông bộc bạch: “Tôi chọn mô hình lúa + thuỷ sản vì thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Kiến Quốc nằm ở rìa sông Văn úc nên nguồn nước luôn lưu thông, sạch sẽ. Vào mùa nước lên có thể tận dụng được nguồn cá tự nhiên. Kết hợp trồng lúa để cá ăn lá thừa, giúp ruộng luôn sạch sẽ, ít sâu bệnh”. Khi lúa đứng cây, ông bắt đầu thả cá vào ruộng. Đến kỳ thu hoạch lúa, cá lại được thả về ao. Mỗi năm, ông thu hai vụ lúa, một vụ cá.
Điều làm ông Báu trăn trở nhất là vấn đề giống và vốn. Chất lượng giống chưa tốt do chưa có dịch vụ cung cấp đảm bảo chất lượng đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất. Việc huy động vốn để mở rộng sản xuất cũng hạn chế.
Ngay sát nhà ông Báu, mô hình lúa + cá của bà Đào Thị Nhuôm cũng “nhộn nhịp” không kém. Bà Nhuôm có gần 8 sào (6 sào ao và 2 sào lúa), năm 2007, riêng nguồn thu từ cá, bà đã có 6 triệu đồng. Nhiều gia đình khác cũng làm giàu từ mô hình này như ông Đào Xuân Tý, mỗi năm thu 12 triệu đồng; ông Nguyễn Sỹ Đề thu 14 triệu đồng; ông Nguyễn Sỹ Hiệp thu 16 triệu đồng…
Còn nhiều bất cập
Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: “Mấy năm trước, mặc dù cơ cấu kinh tế của Kiến Quốc chuyển dịch theo hướng phát triển chăn nuôi nhưng nhìn chung nông nghiệp chưa có gì khởi sắc. Các tiềm năng chưa được khai thác. Do vậy, chính quyền xã đã quyết định chuyển các vùng đồng sâu trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp với nuôi thuỷ sản”.
Theo đó, từ năm 2004-2010, Kiến Quốc phấn đấu chuyển đổi 85,25ha. Tính đến nay, xã đã chuyển được 27,04ha (bằng 31,7% kế hoạch). Nhờ đó, sản lượng thuỷ sản nuôi thả của xã liên tục tăng: năm 2004 đạt 160 tấn, năm 2005 là 221 tấn, năm 2006 đạt 238, 1 tấn, năm 2007 đạt khoảng 250 tấn.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, xã gặp không ít khó khăn. Ông Đỗ Danh Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Còn nhiều gia đình không nhất trí chuyển đổi, gây trở ngại cho quy hoạch mặt bằng. Thậm chí, có hộ chuyển đổi theo kiểu nửa vời, không triệt để; một số người tự ý phá vỡ mặt bằng canh tác, đào ao không theo quy hoạch, ảnh hưởng đến các hộ lân cận”.
Hệ thống mương thoát nước chưa được cải tạo nên hiện tượng cá chết ở một số ao thường xuyên xảy ra. “Những năm tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo sát sao để khắc phục những tồn tại để mô hình lúa + thuỷ sản đạt được những hiệu quả thiết thực” – ông Cảnh nhấn mạnh.