Nhiều khu bảo tồn biển đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ khi đang tồn tại mâu thuẫn giữa quyền lợi cộng đồng cư dân biển và những mục tiêu bảo tồn. Sức ép này đang đặt các khu bảo tồn một yêu cầu khá bức thiết là phải có một cách tiếp cận hợp lý trong bảo tồn biển. Với sự trợ giúp của các chuyên gia quốc tế về lĩnh vực bảo tồn biển, mới đây, những nhà quản lý ở các khu bảo tồn biển Việt Nam đã cùng nhau nhóm họp để tìm ra giải pháp bền vững các khu bảo tồn.
Các nhà quản lý ở các khu bảo tồn biển đưa ra những thông tin cụ thể và xác thực về những vùng biển – nơi ngày ngày họ chứng kiến sự suy giảm đa dạng sinh học. Họ là những người quản lý các khu bảo tồn biển, là những người dân sống ở khu bảo tồn, là những chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn biển của Việt Nam và các nước khác.
Một sự thật được khẳng định tại đây: nguồn lợi biển đã bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là vùng ven bờ. Tổ chức Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên hoang dã, qua khảo sát vùng biển Việt Nam cho rằng: cho dù số tàu đánh cá của Việt Nam đã tăng 86% trong vòng 10 năm qua, nhưng sản lượng cá đánh bắt của mỗi tàu lại giảm mạnh. Lượng cá tạp, cá kích thước nhỏ nhiều hơn trên những chiếc thuyền cập bến
Việt Nam đã và đang xây dựng 20 khu bảo tồn biển. Sự ra đời của các khu bảo tồn biển không ngoài mục đích giảm bớt sự cạn kiệt thuỷ sản, tạo vùng lõi, vùng đệm bảo vệ nguồn lợi. Thế nhưng, hầu hết các khu bảo tồn đều chưa dung hoà giữa mục tiêu bảo tồn với quyền lợi người dân biển. Liệu người dân có thể bảo tồn biển chấp nhận đóng cửa ngư trường khi cuộc sống của họ chưa ổn định?
Khu bảo tồn Rạn Trào, tỉnh Khánh Hoà – khu bảo tồn biển đầu tiên do người dân lập ra. Để duy trì hoạt động khu bảo tồn này, những người dân ở đây tìm ra biện pháp sinh kế là nuôi thuỷ sản để thay thế đánh bắt vùng lõi. Còn ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, việc tạo sinh kế cũng đang được triển khai trong cư dân với các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, làm dịch vụ du lịch.
Giáo sư Anne Walton, Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển Hoa Kỳ cho biết: “Người dân sống ven khu bảo tồn có vai trò rất quan trọng và chúng ta nên huy động người dân tham gia bảo tồn vì họ hiểu rõ về vùng biển, về địa hình. Nhiều khu bảo tồn biển thành công là nhờ tạo mối liên hệ mật thiết giữa người dân và nhà quản lý. Từ đó, người dân tham gia bảo tồn biển”.
Thực ra, mọi cách tiếp cận đều được các khu bảo tồn biển Việt Nam lưu ý từ lâu. Song kết quả thực hiện có lâu dài được hay không phụ thuộc vào sự liên kết giữa quy chế khu bảo tồn với các chính sách khác của địa phương. Những người dân biển tự chèo thuyền ra khu bảo tồn để giữ biển. Họ hiểu công việc này mang lại khoản lợi cho chính họ và cộng đồng.