Quyền tiếp cận thông tin môi trường của cộng đồng

ThienNhien.Net – Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách đều quan tâm đến việc thực hiện một sự phát triển dung hoà được tăng trưởng kinh tế với việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên và thực hiện bình đẳng xã hội trong phạm vi mỗi quốc gia, giữa các quốc gia và giữa các thế hệ – sự phát triển bền vững. Kinh nghiệm cho thấy sẽ "được" nhiều hơn nếu các mối quan tâm về môi trường được liên kết với các quyết định về kinh tế vì như vậy sẽ vừa có lợi về kinh tế vừa có lợi về môi trường. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các vấn đề xã hội và các vấn đề môi trường cũng ngày càng nhận được sự quan tâm. Đây là một lĩnh vực rất rộng lớn mà trong giai đoạn hiện nay chúng ta mới chỉ có thể tập trung vào một số ít vấn đề cấp bách và quan trọng nhất, trong số đó có vấn đề về sự tiếp cận của công chúng về thông tin môi trường.

Xu thế quốc tế về tiếp cận thông tin môi trường

Năm 1992, đại diện của trên 170 quốc gia tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro đã ra Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, trong đó Nguyên tắc 10 nêu rõ tầm quan trọng của các quyền của công chúng tiếp cận thông tin môi trường, tham gia vào các quyết định về môi trường và tiếp cận tư pháp. Năm 2002, các nước trên thế giới đã tái khẳng định cam kết thực hiện nguyên tắc này tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững tại Johannesburg.

Năm 1998, tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ tư về “Môi trường cho Châu Âu” diễn ra tại thành phố Aarhus, Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp về các vấn đề môi trường (Công ước Aarhus) đã được ký kết với sự tham gia của 39 nước và Cộng đồng Châu Âu. Mục tiêu của Công ước là “góp phần vào việc bảo vệ quyền của mọi người thuộc các thế hệ hiện tại và tương lai được sống trong một môi trường thích hợp với sức khoẻ và phúc lợi của họ”.

Công ước này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 30/10/2001 đã được coi như là một sự đáp ứng có tính chất cơ sở về vấn đề tiếp cận thông tin môi trường.

Như đã thể hiện ở tên của Công ước, nó bao gồm ba cái trụ: thông tin, sự tham gia, và tiếp cận tư pháp. Dưới đây là vài nét về trụ “thông tin”. Trụ này có 2 yếu tố được trình bày riêng lẽ ở 2 điều trong Công ước (Điều 4 và Điều 5). a) Quyền của công chúng được yêu cầu cung cấp thông tin mà các cơ quan có thẩm quyền nắm giữ (và do đó là sự bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp thông tin) (yếu tố “thụ động” hay “phản ứng”); b) Sự bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền thu thập, sắp xếp, xử lý và chủ động phổ biến thông tin. Hai yếu tố này đều là cơ bản và bổ sung cho nhau trong một chế độ thông tin có hiệu quả.

Về mặt thụ động, theo Công ước, các cơ quan có thẩm quyền cần phải đáp ứng yêu cầu về thông tin môi trường trong phạm vi một tháng (hai tháng đối với những trường hợp đặc biệt) kể từ khi có yêu cầu và không được bắt người có yêu cầu phải giải thích về sự cần thiết về thông tin đó. Hiển nhiên, có những trường hợp mà theo quy định, thông tin có thể không được cung cấp, thí dụ như thông tin được yêu cầu không có, yêu cầu đưa ra quá tổng quát, thông tin đã được bảo vệ do bí mật thương mại và quyền sở hữu trí tuệ… Các cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu trả tiền cung cấp thông tin nhưng phải trên cơ sở hợp lý.

Về mặt chủ động, các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm thu thập và cập nhập thông tin, làm thế nào để thông tin đó được minh bạch và có thể tiếp cận được, và chủ động phổ biến một số loại thông tin nào đó; thí dụ như công bố các báo cáo về hiện trạng môi trường, khoảng cách giữa các lần công bố không được quá 4 năm. Trong tru¬ờng hợp có sự đe doạ sắp xảy ra về sức khoẻ hay môi trường (sau một sự cố hạt nhân hay hoá học chẳng hạn), việc cung cấp thông tin cần phải được thực hiện ngay lập tức.

Như nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã từng phát biểu “… Công ước Aarhus… là một việc làm có nhiều tham vọng nhất trong lĩnh vực “dân chủ môi trường” đã được tiến hành cho đến nay dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc”, “một bước tiến khổng lồ trong việc phát triển luật quốc tế trong lĩnh vực này {thông tin môi trường}”, “sự cụ thể hoá có ấn tượng nhất nguyên tắc 10 của Tuy bố Rio {về môi trường}”.

Các nước ASEAN cũng có những chương trình có liên quan, cụ thể là Kế hoạch hành động ASEAN về giáo dục môi trường 2008 – 2012 đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng phi chính thức về môi trường ASEAN lần thứ 10, tháng 9 năm 2007; Báo cáo Hiện trạng môi trường ASEAN được xuất bản định kỳ 3 năm một lần.

Bên cạnh đó, với nhận thức rằng việc thực hiện Nguyên tắc 10 đòi hỏi phải có các chính sách và hệ thống có hiệu quả, năm 2001, một số tổ chức xã hội dân sự của các nước Chilê, Hungary, Thái Lan, Uganda và Mỹ đã khởi xướng việc thành lập Liên minh về Tiếp cận Môi trường (TAI). Về tổ chức, đó là liên minh của các tổ chức xã hội dân sự nhằm mục tiêu tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Nguyên tắc 10 tại các quốc gia với mong muốn thu hẹp khoảng cách giữa các cam kết quốc tế và việc thực hiện chúng trên thực tế. Từ 5 nước khởi xướng ban đầu, ngày nay, tại 42 quốc gia đã có các liên minh xã hội dân sự đang thực hiện đánh giá, tìm kiếm tài trợ hoặc bắt đầu lập kế hoạch cho đánh giá TAI. Cho tới nay, đã có 23 đánh giá TAI của 20 quốc gia được hoàn thành. Các đánh giá này bước đầu đã có ảnh hưởng tích cực đến một số chính sách và giải pháp cho các vấn đề môi trường ớ cấp quốc gia. Tại Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tham gia thực hiện dự án này.

Khuôn khổ thể chế, chính sách về quyền tiếp cận thông tin môi trường ở Việt Nam
 
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thông qua nhiều chiến lược như: Chiến lược toàn diện về Tăng trưởng và Xoá đói giảm nghèo (năm 2002) Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia (năm 2003) và Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam hay còn gọi là Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam (năm 2004). Hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan về môi trường, tài nguyên thiên nhiên như luật bảo vệ môi trường, luật đất đai, luật tài nguyên nước, luật bảo vệ và phát triển rừng, luật thủy sản, luật khoáng sản, luật dầu khí,… được ban hành và liên tục được cập nhật điều chỉnh, bổ sung. Nhiều chương trình kinh tế – xã hội cũng đã được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Trong vòng 15 năm 1990 – 2004, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam đã tăng gần gấp 3 lần; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7,5% năm; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 24% năm 2004; các nguồn lực phát triển trong nước được tăng cường; quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là về thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp tục được mở rộng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; tình hình chính trị – xã hội ổn định.

Tuy vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: chất lượng phát triển và hiệu quả sử dụng các nguồn lực, kể cả nguồn tài chính của nhà nước chưa cao; chênh lệch thu nhập giữa các vùng và các nhóm xã hội đang có xu hướng tăng lên; các vùng nghèo và đồng bào dân tộc ít người còn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; những bất bình đẳng về giới vẫn còn tồn tại; diễn biến HIV/AIDS phức tạp và rất đáng lo ngại…

Những thách thức nghiêm trọng liên quan đến các vấn đề tài nguyên và môi trường. Việc khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng, đất, nước, khoáng sản, thủy sản,… đã làm cạn kiệt, suy thoái các tài nguyên này, đồng thời tác hại tới môi trường. Mặc dù đã ngăn chặn được một phần, nhưng ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, có nơi có lúc đến mức trầm trọng.

Môi trường không khí ở hầu hết các đô thị và các khu công nghiệp đều bị ô nhiễm nặng về bụi và khí thải độc hại; vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP) từ 1,3 đến 3 lần, cá biệt có chỗ vượt 10 – 20 lần. Lượng khí thải Cacbonic ở Việt Nam không lớn, nhưng đang có chiều hướng tăng và sẽ tăng nhanh vào cuối thập kỷ này nếu không có những giải pháp xử lý, hạn chế hữu hiệu. Trong thời gian tới, dự báo các ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất. Dự tính tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010 là trên 140 triệu tấn và năm 2020 là trên 233 triệu tấn. Chất lượng nước tại các điểm gần đô thị và khu công nghiệp của một số sông chính đều không đạt tiêu chuẩn nguồn cấp nước sinh hoạt. Hầu hết các sông nhỏ, hồ, kênh, mương nội thành của các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh… đều bị ô nhiễm ở mức báo động, đều vượt so với TCCP từ 4-5 lần. Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2006 cho thấy có nhiều sông đã hoặc sắp “chết” trong hệ thống 3 sông quan trọng của Việt Nam là sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy và sông Đồng Nai – Sài Gòn.

Việt Nam hiện đang rất nỗ lực để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đưa đất nước đi theo con đường phát triển bền vững. Có thể nói, về mặt chủ trương, về mặt xác định các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Việt Nam đã chuẩn bị tương đối đầy đủ. Chính phủ Việt Nam đã ký kết Tuyên bố RiO, trong đó có Nguyên tắc 10 và kế hoạch hành động của Hội nghị Thượng đỉnh Rio-1992 về môi trường và phát triển và Tuyên bố Joha, trong đó tái khẳng định Nguyên tắc 10 của Tuyên bố RiO và kế hoạch thực hiện của Hội nghị thượng đỉnh Joha – 2002 về phát triển bền vững ngay trong thời gian diễn ra các Hội nghị. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thông qua Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững (kế hoạch 1991 – 2000) và là một trong những nước đầu tiên xác định ở tầm quốc gia Định hướng phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã cố gắng tổ chức thực hiện việc tiếp cận giải quyết các vấn đề môi trường, chú trọng các giải pháp liên quan đến cộng đồng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đánh giá tác động môi trường, nếu Luật BVMT 1993 chưa đề cập đầy đủ đến sự tham gia (bắt buộc) của cộng đồng, thì Luật BVMT 2005 và tiếp đó là Nghị định số 80/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ ràng, chặt chẽ các điều khoản này. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tiếp đó và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên tục ký kết các nghị quyết liên tịch với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Đoàn Thanh niên Việt Nam và nhiều tổ chức phi chính phủ khác về các nội dung liên quan đến việc tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

Thực hiện chủ trương dân chủ từ cơ sở, các cấp chính quyền và các đoàn thể quần chúng không ngừng lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào các nội dung Dân chủ từ cơ sở như về tiêu chuẩn thi đua, tiêu chuẩn làng xã, khu phố văn hoá, tiêu chuẩn đơn vị, địa phương tiên tiến. Đây không những là cam kết của Nhà nước mà đã biến thành cam kết của người dân, của cộng đồng về việc cùng tham gia bảo vệ môi trường. Vấn đề xã hội hoá BVMT, vấn đề thực hiện nguyên tắc “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” trong hoạt động BVMT đã là nguyên nhân thành công của nhiều mô hình cộng đồng tham gia BVMT ở Việt Nam.

Có thể tin tưởng rằng, mặc dù còn rất nhiều việc phải làm sau khi tham gia WTO, Việt Nam có nhiều tiềm năng thực hiện quyền tiếp cận môi trường của người dân cùng với việc thực hiện nhiều chiến lược quốc gia quan trọng, trong đó có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo. Nhằm đạt được sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường, một trong những bước đột phá chính của Chính phủ Việt Nam là thực hiện Chương trình tổng thể về cải cách hành chính trong đó đặc biệt chú trọng đến tiếng nói của người dân, đến trách nhiệm phải giải trình của các cơ quan công quyền và việc định hướng lại phong cách làm việc “vì dân” của công chức ở trung ương và địa phương. Chương trình tổng thể về cải cách hành chính khẳng định tầm quan trọng của tính công khai, của sự tham gia của người dân, của tính minh bạch trong việc xác lập kế hoạch và quy hoạch, của việc ra quyết định và tổ chức thực hiện ở các cấp, trong đó có rất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường.

Cần nhấn mạnh là Chương trình tổng thể cải cách hành chính hiện đang được thực hiện có kết quả với những giải pháp có thể nói đã làm thay đổi một phần diện mạo quản lý nhà nước ở Việt Nam. Chẳng hạn giải pháp “một cửa, một con dấu” đã trở thành quy chế bắt buộc đối với các cơ quan hành chính công trên toàn Việt Nam từ tháng 6 năm 2003. Việc quản lý môi trường cũng nằm trong guồng máy này.

Các quy định có lợi cho người dân về thông tin, về tham gia và quyền tiếp cận tư pháp về môi trường được thể hiện khá nhiều trong Luật bảo vệ môi trường sửa đổi được thông qua năm 2005 và đang được đưa vào dự thảo Luật Đa dạng sinh học dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2008. Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho quyền tiếp cận môi trường của người dân và cộng đồng. Cụ thể, Điều 102 Luật Bảo vệ môi trường đã quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thống kê, lưu trữ dữ liệu, thông tin về môi trường; các Điều 103, 104 đã quy định cụ thể các nội dung liên quan đến việc công bố, cung cấp thông tin về môi trường, công khai thông tin, dữ liệu về môi trường. Đặc biệt, Điều 105 Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ việc thực hiện dân chủ cơ sở về bảo vệ môi trường, trong đó quy định “các cơ quan chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường có trách nhiệm công khai với nhân dân và người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ về tình hình môi trường, các biện pháp phòng ngừa…”.

Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường 1993, hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường đều xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia trình Quốc hội nhằm cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về tình hình môi trường Việt Nam. Theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2005, báo cáo hiện trạng môi trường được tiến hành 5 năm 1 lần, hàng năm tiến hành báo cáo môi trường chuyên đề, trong đó tập trung vào các vấn đề nóng, bức xúc mà dư luận quan tâm, năm 2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành báo cáo môi trường quốc gia về “Chất lượng nước 03 lưu vực sông: Cầu, Nhuệ – Đáy và Đồng Nai – Sài Gòn”, hiện đang xây dựng báo cáo “Hiện trạng môi trường không khí đô thị 2007”. Cùng với sự phát triển của ngành môi trường, các kênh thông tin phục vụ việc tiếp cận của người dân cũng đa dạng và phong phú hơn. Ngoài việc tìm hiểu các thông tin qua đài báo của Trung ương, địa phương, các báo ngành, các trang web có liên quan trong lĩnh vực môi trường, người dân còn có thể tham gia, phản ánh trực tiếp các kiến nghị của mình thông qua các buổi giao lưu trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các Sở Tài nguyên và Môi trường ở địa phương. Có thể nói đây là một cách làm mới, tỏ ra rất hiệu quả trong việc đưa các thông tin về môi trường đến với người dân.

Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quyền được tiếp cận với các thông tin về môi trường ở Việt Nam trong thời gian tới, tôi xin đề xuất, khuyến nghị một số giải pháp sau:

Một là, cần tiếp tục thể chế, cụ thể hóa quyền được tiếp cận với các thông tin về môi trường vào trong các các quy định của pháp luật, đặc biệt là trong Luật Bảo vệ môi trường 2005 nhằm nhanh chóng đưa các quyền này đi vào cuộc sống. Chỉ khi có một hành lang pháp lý đủ mạnh, đồng bộ và khả thi thì người dân mới có thể dễ dàng tiếp cận được với các thông tin về môi trường.

Hai là, cần tiếp tục tăng cường việc đầu tư nhân lực, vật lực và tài lực cho các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải quyết các vấn đề môi trường. Đặc biệt các cơ quan nhà nước cấp địa phương cần được tăng cường năng lực mạnh mẽ để hỗ trợ người dân thực hiện các quyền tiếp cận thông tin, tư pháp và tham gia vào các quá trình ra quyết định về môi trường tại địa phương. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách huy động mạnh mẽ và rộng rãi hơn nữa sự tham gia của công chúng, đặc biệt là các thành phần có nhiều khó khăn trong xã hội, vào các hoạt động BVMT.

Ba là, cần có kế hoạch hướng dẫn và đào tạo công chúng về kiến thức, kỹ năng và thủ tục tiếp cận thông tin môi trường và sử dụng quyền khiếu kiện của mình khi môi trường hoặc các quyền lợi hợp pháp của mình liên quan đến môi trường bị xâm phạm.

Bốn là, cần sớm có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hướng tới cộng đồng của các cơ quan truyền thông đại chúng và các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.


* Bài viết này tóm tắt tham luận của Tiến sĩ Trần Hồng Hà tại Hội thảo Kết nối các sáng kiến cộng đồng trong bảo vệ môi trường do Quỹ Môi trường Sida, IUCN, và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào 27/11/2007.