Những người “vá” rừng Pơmu

Đã có không biết bao nhiêu tiếng chuông cảnh tỉnh chuyện đại ngàn pơmu ở Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) bị tàn sát. Và quả thực, sau một tuần lang thang trong Tà Xùa, có thể khẳng định rằng rừng pơmu ở đây có nguy cơ chỉ còn trong… truyện cổ tích. Song, cũng rất may tôi gặp được những người đang ra sức cứu rừng.

Ngắc ngoải rừng già

Mỗi năm, ở Tà Xùa có vài chục hộ ra ở riêng. Tùy sức khỏe và tùy điều kiện mà họ làm nhà to nhỏ khác nhau. Song có một điểm chung là tất cả đều lấy gỗ pơmu trong rừng để dựng nhà. Rừng pơmu cứ thế mỗi năm một vơi.

Không chỉ lấy gỗ làm nhà, người dân Tà Xùa còn lấy gỗ làm đến 90% các vật dụng trong gia đình. Pơmu được dùng làm giường, phản, làm tủ, làm ghế. Thậm chí làm… bát ăn cơm, gàu múc nước, máng cho lợn ăn… Thế nhưng, nếu chỉ lấy gỗ làm nhà và các vật dụng thôi thì pơmu của Tà Xùa chắc sẽ còn kha khá.

Khoảng chục năm trở lại đây, đại ngàn pơmu ở Tà Xùa đã bị các “tập đoàn lâm tặc” thi nhau tàn sát. Mỗi năm có hàng nghìn cây bị đốn gục. Gỗ pơmu cứ thế rầm rập về xuôi theo cả đường bộ lẫn đường sông.

Nhiều người dân địa phương kể lại, thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ XX, pơmu của Tà Xùa còn có cây vài trăm năm tuổi với đường kính cả mét, những “tập đoàn lâm tặc” câu kết với dân địa phương, vào rừng, cùng nhau “xơi tái” nhiều cây.
Có dịp qua Tà Xùa vào thời gian ấy, chính mắt tôi đã chứng kiến những thân cây pơmu xù xì dài hàng chục mét, phải 2 đến 3 người ôm, khi đổ xuống đã kéo theo những tầng cây dưới, làm tan hoang cả khoảng rừng.

Cùng với những thân pơmu vừa bị đốn còn tươi nguyên là những cây đã bị lâm tặc chặt hạ trước đó vài tháng nhưng chưa kịp mang đi nằm ở thung sâu, lưng chừng núi hay chắn ngang trên đường đi.

Để xơi tái gỗ pơmu, bọn lâm tặc thường tổ chức hàng tốp ở lỳ trong rừng sâu khai thác, sau đó thuê người dân bản địa vận chuyển ra khỏi rừng rồi dùng đủ loại phương tiện như xe Minks, xe ôtô, tàu thuyền chở về xuôi tiêu thụ. Thậm chí có lái xe không phải là lâm tặc cũng tranh thủ chở vài thanh gỗ về để… tăng thu nhập,

Khi mà đường vận chuyển bằng đường bộ bị chặn bắt gắt gao, lâm tặc chuyển sang đường sông (sông Đà). Bọn lâm tặc thường lợi dụng mùa nước nổi để vận chuyển gỗ, lúc đó lòng sông rất rộng, bọn chúng lại hoạt động về đêm nên rất khó phát hiện.

Gỗ pơmu là một loại gỗ không chìm, vì vậy chúng thường buộc đá vào gỗ cho chìm dưới nước tới hàng mét. Có những lúc lâm tặc tưởng rằng lực lượng kiểm lâm không phát hiện ra nên chống đối ra mặt. Đến khi anh em nhảy xuống cắt dây, gỗ trồi lên trên thì bọn chúng lại hò nhau nhảy hết xuống sông chạy trốn.

Những tiếng chuông cảnh tỉnh về tình trạng tận diệt pơmu đã được rung lên không biết bao nhiêu lần, trên đủ các loại phương tiện thông tin đại chúng.

Xác định pơmu là loài gỗ quý, Chính phủ đã có nhiều chỉ thị để bảo vệ, tuyệt đối cấm khai thác từ khá lâu. Thậm chí cả các “chỉ tiêu” tận thu cành ngọn pơmu gẫy mục trong rừng gần đây cũng bị cấm tiệt đề phòng tình trạng lợi dụng chính sách tận thu để… phá rừng.

Thế nhưng lần này, quay lại Tà Xùa không khỏi giật mình khi thấy những cánh rừng pơmu xơ xác trụi thùi lụi, đến cùng kiệt. Suốt một tuần liền đi khắp các bản của xã Tà Xùa, và sang cả đất Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái), song đâu đâu cũng là những đồi núi trọc lông lốc. Với cái đà này, chỉ một vài năm nữa, chưa nói đến người thành phố, mà ngay cả người Tà Xùa chắc cũng chỉ nhắc đến những cánh rừng pơmu hùng vĩ trong… truyện cổ tích.

 
Ông Mùa A Chống đang nâng niu những bầu Pơmu.

Những người “vá” rừng

Dường như số phận của những cánh rừng đại ngàn pơmu của Tà Xùa đã bị định đoạt, thì may mắn thay chính tại nơi đây đã xuất hiện những con người đang cố gắng níu giữ lại nguồn gen rừng quý giá ấy. 

Gặp Lù A Sáy (31 tuổi) – Cán bộ Mặt trận tổ quốc của xã khi anh vừa từ nương về nhà. Dẫn chúng tôi ra vườn, Sáy chỉ vào những thân cây pơmu cao tầm 2-3m bảo, Pơmu của Tà Xùa sẽ không bao giờ bị tuyệt diệt.

Những đêm không ngủ được vì nghe tiếng pơmu đổ rào rào do lâm tặc chặt, Sáy bảo cảm tưởng như họ đang chặt vào tay mình. Sáy nghĩ, mình phải tìm cách trồng loài gỗ cây quí này. Nghĩ là làm, hôm sau Sáy hì hục băng qua 50 cây số đường rừng sang Yên Bái để xin hạt và học tập kỹ thuật trồng pơmu. Sau mấy ngày, anh mang về cả chục kg quả rồi tách ra lấy hạt, hì hục trồng trên mảnh đất nhà mình.

Cuối cùng, pơmu cũng chẳng phụ công người trồng và Lù A Sáy trở thành người đầu tiên ở Tà Xùa trồng được pơmu bằng hạt. Bây giờ thì tất cả người dân Tà Xùa C đã “tâm phục khẩu phục”, khi mà diện tích trồng pơmu của anh đã lên tới 5ha.

Cũng trong những ngày lang thang Tà Xùa, tôi thường được nghe người dân ở đây kể về hai người đàn ông, một già một trẻ ngày nào cũng thay nhau chăm sóc hàng trăm cây pơmu trên đại ngàn. Đó là cha con ông Mùa A Chống, Mùa A Dạng bản Háng Đồng A (Tà Xùa).

Ông Mùa A Chống sinh năm 1933 ngay giữa đại ngàn Bắc Yên. Ký ức của ông về những cánh rừng pơmu bao la bát ngát rất sâu đậm. Ông bảo, nhà ông khi ấy nằm giữa hàng trăm cây pơmu. Khi dựng nhà, cha ông phải chặt bớt đi hàng chục cây mới có chỗ trống.

Khoảng chục năm trở lại đây, ông Chống thực sự kinh hoàng trước tốc độ tàn sát những cánh rừng của người dưới xuôi. Họ ùn ùn kéo lên, cưa xẻ suốt ngày, suốt tháng, suốt năm. Mỗi khi cán bộ kiểm lâm xuất hiện thì họ trốn tiệt.

Ông Chống cứ thấy lâm tặc là báo cho kiểm lâm, hoặc yêu cầu họ không được chặt cây pơmu. Thế nhưng không ăn thua. Nhiều người dân Tà Xùa vì tham đồng tiền, đã dẫn đường chỉ lối cho lâm tặc tàn sát rừng.

Thế rồi nghe tiếng chàng thanh niên Lù A Sáy trồng pơmu bằng hạt, ông cũng lọ mọ lên rừng nhặt hạt pơmu về trồng. Ông thuật lại, khoảng thời gian năm 2005, ông bắt đầu tìm tòi cách trồng pơmu. Lấy hạt về rồi, ông mới mang ra mảnh đất ngoài vườn gieo. Song chờ mãi mà chả thấy mọc lên cây nào. Không nản chí, ông xoay xỏa, thử đủ mọi cách, cuối cùng mới kết luận được trồng pơmu cũng như trồng… rau. Phải ủ nước ấm, cho hạt pơmu mọc mầm rồi mới đem ra vườn ươm.

Từ năm 2005 đến nay, vừa mò mẫm tìm tòi, ông Chống vừa trồng được cả ngàn cây pơmu trên khoảng diện tích vài héc ta. Cho đến thời điểm này, đã có trên 300 cây sống khỏe, chắc chắn sẽ phát triển tốt.

Anh Mùa A Dạng, con trai ông Chấn kể. Trước thảm cảnh rừng già bị tàn sát, không ít lần Dạng thấy cha ngồi khóc dưới suối. Thế rồi, cha anh lụi cụi trồng lại rừng. Anh mừng lắm, song cũng lo vì công việc này xem ra khó như đi lên trời vậy. Thật may, trời không phụ lòng cha anh. Những cây pơmu cứ lớn dần lên từng ngày. Và hàng tuần, Dạng cũng cặm cụi theo cha đi rào giậu những cây pơmu non, không để súc vật phá.

Trước Lù A Sáy và cha con ông Mùa A Chống, không một người dân Tà Xùa nào nghĩ đến chuyện trồng lại pơmu. Thế nên, họ gọi hai người trên là người tiên phong của bản làng.

Đêm cuối cùng ở Tà Xùa, giữa bốn bề rừng núi âm u, thầm nghĩ: “Đại ngàn pơmu ở Tà Xùa may mắn thoát khỏi sự tuyệt chủng, thế nhưng liệu ai có thể đảm bảo chắc chắn rằng, lâm tặc sẽ không bao giờ sờ tới những cây pơmu được chính bàn tay con người trồng?”