Thời gian gần đây người dân thị trấn Long Mỹ và hai xã Thuận Hưng, Vĩnh Thuận Đông của huyện Long Mỹ (Hậu Giang) rất bức xúc trước tình trạng nước sông ô nhiễm. Đã có nhiều ao cá chết hàng loạt và rau nhút của dân trồng ven sông cũng bị héo đọt.
Cá chết, rau héo đọt
Những ngày này, cán bộ Nhà máy đường – cồn Long Mỹ Phát thường xuyên đi xuống các khu dân cư xung quanh để cùng địa phương lập danh sách các hộ dân có cá, rau bị thiệt hại. Người dân ở đây cho biết, từ đầu tháng 04/2008 đã có mùi hôi thối nồng nặc vì nước dưới sông Cái Lớn, sông Trà Ban và một số nhánh kênh, rạch trong vùng chuyển sang màu đen như mực tàu. Cũng từ đó cá nuôi trong ao và cá ở ngoài sông cũng nổi lên chết hàng loạt.
Qua khảo sát, thấy không chỉ có cá nuôi bị thiệt hại mà khoảng 10ha rau nhút của người dân trồng ven sông cũng bị héo đọt. Hàng trăm hộ nuôi thủy sản phía trong ruộng cũng bị ảnh hưởng vì nguồn nước ô nhiễm đã xâm nhập vào nội đồng.
Ông Nguyễn Minh Sang, ở xã Thuận Hưng, thở dài: “Tất cả tiền bạc của gia đình tôi đã dồn hết vào cá nhưng bây giờ cá chết gần hết. Chính nguồn nước ô nhiễm do nhà máy đường – cồn đổ ra sông đã làm nhiều nông dân đứng trước nguy cơ trắng tay”.
Bên phía xã Vĩnh Thuận Đông, ông Tư Nê có 50.000 con cá giống và khoảng 20.000 con cá lóc đang chờ ngày thu hoạch cũng bị chết sạch vì nguồn nước sông ô nhiễm. Không riêng gì ông Nê mà hàng chục hộ dân ở xã Thuận Hưng, Vĩnh Thuận Đông và thị trấn Long Mỹ cũng đang kêu trời vì những ao cá rô, cá lóc sắp thu hoạch bỗng chết trắng sau một đêm thức dậy.
Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết, vài ngày trước hàng chục người dân đã kéo đến UBND xã để cầu cứu, nhờ địa phương tìm cách khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng xã không có thẩm quyền giải quyết nên đã chuyển đơn lên huyện, tỉnh. Có người quá bức xúc vì cá chết hàng loạt nên đã kéo đến Nhà máy đường – cồn Long Mỹ Phát để phản đối việc xả nước thải chưa qua xử lý ra sông.
Chỉ tiêu coliform vượt trên… 1.500 lần
Hiện nay ở mé sông Nhà máy đường – cồn Long Mỹ Phát còn rất nhiều ghe mía, dự kiến đến hết tháng này nhà máy mới ngừng hoạt động để kết thúc niên vụ sản xuất và bảo trì thiết bị, máy móc. Vì việc sản xuất đường vẫn hoạt động nên nước thải vẫn còn chảy ra sông Trà Ban và lan ra các nhánh kênh, rạch trong vùng.
Ông Hồ Hoàng Diệu, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) huyện Long Mỹ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cá chết, rau héo đọt là do nhà máy xả nước thải trực tiếp ra sông. Theo đúng quy trình, ngành chức năng của huyện Long Mỹ đã kết hợp cùng Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang lấy mẫu nước mang đi phân tích để tìm nguyên nhân chính xác dẫn đến cá chết. Qua phân tích mẫu nước cho thấy lượng BOD, COD đều vượt so với tiêu chuẩn, đặc biệt chỉ tiêu coliform vượt đến… 1.533 lần.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, quản đốc Nhà máy đường – cồn Long Mỹ Phát, cho biết: “Xưởng sản xuất cồn đã tạm ngừng sản xuất để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải với kinh phí trên 30 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 5-2008 để nước thải ra sông đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn về môi trường. Hiện nay nhà máy đang cử cán bộ đi khảo sát thực tế để thống kê mức độ thiệt hại nhằm có phương pháp hỗ trợ cho người dân”.
Theo ông Nguyễn Văn Huyền, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang, Sở đã yêu cầu Nhà máy đường – cồn Long Mỹ Phát làm cam kết khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và lập phương án đền bù thiệt hại cho người dân. Nếu nhà máy tiếp tục gây ô nhiễm sẽ đề nghị tỉnh ra quyết định xử phạt theo Luật Bảo vệ môi trường.