ThienNhien.Net – Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa phối hợp với Chương trình rùa Châu Á tại Việt Nam (ATP) và Vườn Quốc gia Cúc Phương sản xuất phim ngắn mang tựa đề "Vĩnh biệt rùa", với thông điệp kêu gọi mọi người cùng chung sức bảo vệ các loài rùa của Việt Nam.
Đoạn phim miêu tả đoạn đời của một chú rùa từ khi bị thợ săn bắt và bán cho lái buôn, sau đó bị vận chuyển qua biên giới Trung Quốc. Trên thực tế, đây là số phận chung của rất nhiều loài rùa ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Phim sẽ được sử dụng trong các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn rùa của ENV và ATP. Các hoạt động này được thực hiện tại các trường học, cộng đồng dân cư và đặc biệt ở những nơi phân bố của các loài rùa nguy cấp quý hiếm. Ngoài ra, ENV còn tiến hành các buổi nói chuyện về “Mối hiểm họa đối với các loài rùa Châu Á” tại các trường đại học ở khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Hiểm họa đối với các loài rùa Châu Á
Việt Nam là nơi phân bố của 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Song, hầu hết chúng đều được liệt kê trong Sách Đỏ thế giới của IUCN (2007) ở mức độ bị đe dọa. Trước đây, thường chỉ có người dân sống tại các vùng hẻo lánh hoặc gần rừng mới bắt rùa và đem tiêu thụ ngay tại địa phương. Đến đầu thập niên 90, nạn săn bắt và buôn bán rùa ở Việt Nam bắt đầu bùng phát do chính sách mở cửa kinh tế với Trung Quốc và để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về việc sử dụng rùa làm thức ăn, cũng như làm thuốc của người dân Trung Quốc. Tính đến thời điểm cuối thập niên 90, những quần thể rùa hoang dã hầu như bị khai thác hết, chỉ còn một số lượng nhỏ sống sót trong các khu bảo tồn và vườn quốc gia.
Năm 2000, các chuyên gia ước tính hàng năm có khoảng 10 triệu cá thể rùa bị buôn bán ở khu vực Đông Nam Á và phần lớn trong số chúng bị bán sang Trung Quốc. Với tốc độ khai thác như vậy thì không có quần thể rùa nào có thể được tiếp tục tồn tại một cách bền vững trong tự nhiên. Nhiều bằng chứng cho thấy các quần thể rùa đã và đang tiếp tục bị tiêu diệt do nạn buôn bán trái phép.
Quá trình sinh sản của rùa cần một thời gian dài mới đảm bảo số lượng loài của chúng được duy trì và phát triển bền vững. Trong tự nhiên, các loài rùa thường bị nhiều kẻ thù tự nhiên tấn công khi còn trong trứng và khi còn non nớt. Đến giai đoạn trưởng thành thì chúng hầu như không còn kẻ thù tự nhiên nào nữa. Tuy nhiên, chính con người lại trở thành những “siêu kẻ thù”, săn bắt những cá thể rùa trưởng thành, tác động trực tiếp tới việc duy trì nòi giống, và làm suy giảm nhanh chóng số lượng trong quần thể, thậm chí gây nên sự tuyệt chủng của các loài rùa trong khu vực.
Tương lai của hầu hết 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam vẫn không chắc chắn. Chúng ta cần hành động để chấm dứt nạn khai thác và buôn bán trái phép các loài rùa quý hiếm và bảo tồn chúng như một phần di sản thiên nhiên quý giá cho các thế hệ tương lai. Mỗi người có thể giúp bảo vệ rùa bằng cách:
|