Ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội: Thực trạng đáng sợ (Kỳ 1)

Từ nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm hệ thống sông, hồ trong khu vực nội thành Hà Nội đã được báo chí và các cơ quan quản lý, nghiên cứu quan tâm. Chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý, khai thác, giữ gìn hệ thống sông, hồ. Tuy nhiên, những nỗ lực của chính quyền và người dân trong nhiều năm qua vẫn chưa đủ để giải quyết thực trạng ô nhiễm trước mắt cũng như nguy cơ ô nhiễm nặng hơn trong tương lai.

Hệ thống sông, hồ trên địa bàn Thủ đô bị ô nhiễm không phải là vấn đề mới được phát hiện. Việc nạo vét, làm vệ sinh sông, hồ cũng không phải là việc giờ mới làm. Nhưng khi xảy ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và nhiều người bị nhiễm bệnh người ta mới giật mình nhìn lại môi trường sống-cũng là môi trường lây nhiễm bệnh-xung quanh mình. Sông, hồ ở khu vực nội thành ngày càng ô nhiễm nặng bởi nhiều nguyên nhân.

Vì nước thải sinh hoạt và…

Bằng giác quan thông thường, ai cũng nhận thấy hệ thống sông, hồ (ngoại trừ những hồ đã được cải tạo) đều đã bị ô nhiễm ở mọi cấp độ. Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất (TN-MT&NĐ), nước mặt ở các sông, hồ đều bị nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng, nhất là vào mùa khô. Nếu như cách đây 15 năm, nhiều người vẫn có thể bơi, tắm trên một số hồ ở nội thành thì nay không ai dại thử làm điều này. Những con sông ở nội thành đều biến thành kênh thoát nước, đen ngòm và hôi thối!

Theo Sở TN-MT&NĐ, tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp ở khu vực nội thành khoảng 500.000 m3/ngày, đều tiêu thoát qua hệ thống cống và 4 sông tiêu chính là Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Nước thải từ hoạt động sản xuất, bệnh viện và cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất gây ô nhiễm chưa được xử lý chiếm tới 90% tổng lượng nước thải công nghiệp, dịch vụ, xả thẳng vào nguồn nước mặt. Hiện Hà Nội mới chỉ có 40 cơ sở sản xuất công nghiệp, 29 cơ sở dịch vụ và 5 bệnh viện có trạm xử lý nước thải.

Những hồ chưa được cải tạo, chưa tách hệ thống nước thải và nước mưa cũng gánh chịu lượng nước thải này cùng lượng nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh. Theo Sở Giao thông công chính, trên địa bàn 9 quận nội thành hiện có 110 hồ với tổng diện tích hơn 1.000 ha, riêng diện tích Hồ Tây đã là 526 ha. Trong đó, mới chỉ có vài hồ được cải tạo, kè xung quanh, tách nước thải và nước mưa riêng như Hoàn Kiếm, Thiền Quang; vài hồ đang được cải tạo như Văn Chương, Kim Liên, Linh Quang… và dự án kè xung quanh Hồ Tây đang ở giai đoạn cuối.

Trong khi đó, lượng nước thải do các cơ sở sản xuất được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường chỉ chiếm khoảng 7% tổng lượng nước thải. Nước thải sinh hoạt phần lớn mới được xử lý sơ bộ tại các bể tự hoại. Hơn nữa, với mật độ dân số ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, hệ thống sông, hồ vốn đã ô nhiễm sẽ ngày càng bị ô nhiễm hơn.

 
Thanh viên tình nguyện Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 nạo vét sông Kim Ngưu. (Ảnh: Việt Khánh).

Vì nước thải bệnh viện

Ngoài những nguồn ô nhiễm trên, hệ thống sông, hồ nội thành còn phải chịu thêm nguồn ô nhiễm từ nước thải của các bệnh viện trên địa bàn. Nước thải từ bệnh viện được dồn vào bể phốt rồi thoát thẳng ra cống. Hiện nay, một thực tế không thể phủ nhận là chính các bệnh viện lại là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết bệnh viện không thể xử lý nước thải y tế theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường vì chưa được đầu tư cho việc này.

Điển hình như Bệnh viện Việt-Đức hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước đạt chuẩn. Mỗi năm bệnh viện này thực hiện hàng chục nghìn ca mổ, đồng nghĩa với việc xả ra lượng nước thải y tế rất lớn. Thế nhưng, khu xử lý nước thải ở đây đã được xây dựng từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước với quy mô nhỏ. Do đó, nước thải từ đây vẫn gần như giữ nguyên mức độ độc hại khi thải thẳng ra cống rãnh. Bệnh viện Việt-Đức chỉ là một trong số những bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không đạt tiêu chuẩn. Theo thống kê, cả nước có khoảng 900 bệnh viện cũng ở trong tình trạng tương tự.

Theo Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Việt Nam có hơn 1.000 bệnh viện thì chỉ 1/3 trong số đó có hệ thống xử lý nước thải (chủ yếu là ở tuyến trung ương và tỉnh), trong đó chỉ có một số đạt tiêu chuẩn. Nhiều nơi có khu xử lý nước cũng như không vì hệ thống không được bảo dưỡng, dẫn đến hỏng hóc. Nhiều bệnh viện chỉ vận hành hệ thống trong giai đoạn còn bảo hành, sau đó bỏ không với lý do không có kinh phí trả tiền điện, hóa chất khử trùng… Nước thải y tế chưa qua xử lý còn rất nhiều vi sinh vật gây bệnh.

Theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg, Bộ Y tế trực tiếp quản lý 5 “ổ ô nhiễm” lớn: Bệnh viện Đa khoa TƯ Thái Nguyên, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt – Đức, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TƯ, Bệnh viện Phụ sản TƯ. Trong 5 “ổ ô nhiễm” trên, chỉ có duy nhất BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải đúng theo quy định và đang làm thủ tục để xin ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 4 “ổ ô nhiễm” còn lại đều nằm trong nội thành Hà Nội và chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định. Những gì mà những ổ bệnh trong nội thành làm được mới chỉ dừng lại ở chỗ xây dựng đề án.