Tây Nguyên: Đầu tư thủy lợi để phát triển nông nghiệp bền vững

ThienNhien.Net – Tây Nguyên có diện tích tự nhiên rộng 54.474 km2, dân số hơn 4.865.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32,5%. Tây Nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh lớn. Toàn vùng có gần 1,6 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó 1 triệu ha đất đỏ ba-zan, phù hợp phát triển cây công nghiệp dài ngày, nhất là cà phê, cao su, hồ tiêu.

Trên thực tế, các tỉnh trong vùng đã phát triển được hơn 850 nghìn ha cây công nghiệp dài ngày, trong đó có hơn 446 nghìn ha cà phê, 15 nghìn ha hồ tiêu, 124 nghìn ha cao su, 95 nghìn ha điều và 27 nghìn ha chè. Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn vùng hiện đạt gần 800 nghìn ha, với tổng sản lượng lương thực khoảng 1,7 triệu tấn.

Tuy nhiên, từ 1980 trở về trước, do hệ thống thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, năng lực tưới chỉ đảm bảo cho 20% tổng diện tích cây trồng của toàn vùng, nền nông nghiệp Tây Nguyên luôn trong tình trạng bấp bênh và thường xuyên phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề khi xảy ra lũ lụt trong mùa mưa và hạn hán trong mùa khô.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 – 2010; Quyết định 168/2001/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001- 2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên, vùng Tây Nguyên đã được Trung ương quan tâm đầu tư lớn cho phát triển kinh tế xã hội, trong đó thủy lợi cũng được ưu tiên phát triển đúng mức.

Từ năm 2002 đến 2006, tổng vốn đầu tư toàn xã hội toàn vùng Tây Nguyên là hơn 40 nghìn tỷ đồng, riêng lĩnh vực phát triển thủy lợi, đã có 7 công trình thủy lợi lớn được đầu tư xây dựng, với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Những công trìngh thủy lợi lớn đã hoàn thành và đưa vào khai thác như Ea Súp thượng, Buôn Yông (Đắk Lắk), Azun hạ (Gia Lai). Nhờ đó, đến năm 2007, năng lực tưới của hệ thống thủy lợi ở Tây Nguyên đã bảo đảm được cho 57% tổng diện tích cây trồng và tỷ trọng kinh tế nông nghiệp Tây Nguyên vẫn duy trì ở mức hơn 50% trong cơ cấu kinh tế.

Tìm hiểu thực tế về đầu tư hệ thống thủy lợi ở Đắk Lắk – tỉnh có diện tích cây nông nghiệp lớn nhất Tây Nguyên với hơn 422 nghìn ha, chúng tôi nhận thấy, trong những năm gần đây, Đắk Lắk đã huy động nhiều nguồn lực cho việc mở mang hệ thống thủy lợi. Đắk Lắk đã không thụ động trông chờ vào nguồn đầu tư của Trung ương, mà tranh thủ các nguồn vốn vay, nguồn hỗ trợ và huy động sự đóng góp của nhân dân cho phát triển hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 550 công trình hồ đập thủy lợi lớn nhỏ, đã bảo đảm nguồn nước tưới cho 50 nghìn ha cà phê và 18 nghìn ha lúa nước, đạt tỷ lệ 50% tổng diện tích cây trồng. Mặc dầu đã có nhiều nỗ lực, nhưng với thực trạng hệ thống thủy lợi hiện có ở Đắk Lắk, thì sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước, với 179 nghìn ha, trong khi cây cà phê rất cần nước tưới trong 6 tháng mùa khô, thế nhưng thực tế hệ thống thủy lợi mới bảo đảm nước tưới cho 50 nghìn ha, còn lại 129 nghìn hà cà phê phải trông chờ nguồn nước ngầm và sông suối. Vì thế, theo kỹ sư nông nghiệp Phan Hùng Cường, cán bộ Phòng trồng trọt Sở Nông nghiệp Đắk Lắk nhận định, khi hạn hán xảy ra sẽ có khoảng hơn 10 nghìn ha cà phê ở Đắk Lắk bị thiệt hại. Cụ thể trong đợt hạn hán mùa khô 2006 – 2007, toàn tỉnh Đắk Lắk có 4.870 ha lúa, 6.338 ha cà phê và gần 1.000 ha cây trồng khác bị khô hạn, trong đó diện tích cây trồng mất trắng 1.700 ha, tổng thiệt lên đến 79 tỷ 213 triệu đồng.

Trong định hướng phát triển thủy lợi từ nay đến năm 2010, theo ông Nguyễn Trung Trình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk cho biết: “Trung ương đang tiếp tục đầu tư cho Đắk Lắk những công trình thủy lợi lớn như Krông Búk hạ có tổng kinh phí đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, năng lực tưới cho gần 12 nghìn ha cây trồng. Công trình thủy lợi Ea Súp Thượng tiếp tục được đầu tư cho xây dựng hệ thống kênh chính Tây, nhằm nâng năng lực tưới từ 1,5 nghìn ha hiện nay lên 8,5 nghìn ha khi hệ thống kênh mương này hoàn chỉnh”.

Cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Trung Trình, trong số những công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng mới ở Đắk Lắk những năm gần đây, thì Thủy lợi Buôn Yông ở Huyện Cư M’gar được xem là mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Với tổng kinh phí xây dựng 60 tỷ đồng, dung tích chứa 18 triệu m3 nước, thủy lợi Buôn Yông đã bảo đảm nước tưới cho hơn 3 nghìn ha cà phê ở các huyện Buôn Đôn và Chư M’gar.

Từ năm 2003 trở về trước, khi chưa có thủy lợi Buôn Yông, cây cà phê ở Buôn Đôn và Cư M’gar liên tục bị thiệt hại do khô hạn trong mùa khô. Nhưng khi công trình thủy lợi Buôn Yông đưa vào khai thác, có hệ thống kênh mương kiên cố, thì cây cà phê ở các huyện này không còn bị khô hạn nữa, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đã được khắc phục.

Được biết, trong chương trình phát triển hệ thống thủy lợi của Đắk Lắk giai đọan 2007 – 2010, tỉnh này huy động 4,5 nghìn tỷ đồng, cho việc xây dựng mới hơn 150 hồ đập lớn nhỏ. Mục tiêu của Đắk Lắk, đến năm 2010, hệ thống thủy lợi sẽ bảo đảm cho 70% diện tích cây trồng, giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn nước ngầm như hiện nay. Ngoài đầu tư xây dựng mới, tỉnh Đắk Lắk còn thường xuyên tu bổ, sửa chữa và nâng cấp những công trình thủy lợi hiện có. Riêng trong năm 2008 này, Đắk Lắk đang tiến hành sửa chữa hơn 150 công trình thủy lợi đã bị xuống cấp.

Theo theo ý kiến của những nhà chuyên môn, thì vấn đề đặt ra trong phát triển thủy lợi ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay, không chỉ là huy động các nguồn đầu tư cho xây dựng mới các công trình hồ đập, mà phải quản lý và khai thác có hiệu quả hệ thống thủy lợi hiện có. Trong đó có những vấn đề cần quan tâm như điều tiết và tích trữ nước trong mùa mưa, vận động người dân tưới nước vừa phải để tiết kiệm nguồn nước…

Để làm việc này, mới đây tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức tập huấn cho cán bộ thủy lợi các xã, huyện đang quản lý khai thác công trình thủy lợi về khai thác nguồn nước tiết kiệm, chống thất thoát, phát hiện và sửa chữa kịp thời những sự cố và từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Lê Ngọc Báu, Phó viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên cũng cho rằng, yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp bền vững đó là thuỷ lợi. Phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho phát triển thuỷ lợi ở Tây Nguyên, làm cho hệ thống thuỷ lợi có đủ năng lực điều hoà lượng nước trong hai mùa mưa – nắng. Mùa mưa, các công trình thủy lợi tích nước, góp phần hạn chế lũ lụt, nhất là lũ quét.

Bên cạnh đó cần có chiến lược giữ rừng và trồng rừng, mới mong giữ được nguồn nước mặt và nước ngầm ở Tây Nguyên.

Trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2006 – 2010, toàn vùng Tây Nguyên sẽ huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 115 nghìn tỷ đồng, theo đó sẽ có hàng trăm công trình thủy lợi được xây dựng mới, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh lớn và ngày một bền vững./.