Nhiều sông, kênh rạch tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần đây bị “mắc nghẹn” bởi lục bình. Chúng sinh sôi, nẩy nở ào ạt, lấp đầy mặt sông, gây cản trở giao thông đường thủy, làm gia tăng chi phí vận chuyển hàng hóa nông sản…
Lục bình “tấn công”
Kênh Lộ Hoang nối thị trấn Long Mỹ (Hậu Giang) vào nhiều vùng nông thôn đông dân cư hiện đang bị phủ lục bình dày cộp, việc giao thông đường thủy rất khó khăn.
Một chủ nhà máy xay lúa nằm bên đoạn sông này lắc đầu: “Chiếc ghe nhỏ chạy 1km phải “uống” đến 5 lít dầu, trong khi bình thường chỉ mất chưa đầy 1 lít”. Trên những con sông Cái Bần, Cái Nai ở gần đó, lục bình cũng sinh sôi dầy đặc mặt sông.
Có mặt tại ngã tư kinh Chống Mỹ chưa đầy một giờ, chúng tôi chứng kiến hàng chục ghe, xuồng, vỏ lãi mắc kẹt, chết máy vì lục bình; nhiều chiếc quay đầu không tiếp tục đi vào con kinh này. Kinh Chống Mỹ chỉ là một trong hàng chục con sông lớn nhỏ ở 2 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu lâm vào “vấn nạn” lục bình.
Khổ nhất là những gia đình sinh sống dọc bờ kinh, rất khó khăn trong đi lại. Nhiều kênh rạch trước đây ghe xuồng tấp nập thì giờ vắng ngắt, chỉ còn thấy toàn… lục bình. Ở xa hơn, con sông Ngan Dừa, giáp ranh hai tỉnh Bạc Liêu – Hậu Giang, người dân cũng bắt đầu lao đao với lục bình.
Lục bình thường xuyên quấn vào chân vịt động cơ, làm chết máy giữa dòng, người điều khiển phải lặn sâu xuống sông mới gỡ ra được. Từ khi xuất hiện lục bình dầy trên sông, những chiếc phà đưa khách ở đây đã phải tốn gấp rưỡi tiền nhiên liệu so với bình thường
Trồng lục bình chiếm dụng lòng sông
Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chính dẫn đến lục bình lấp đầy các dòng sông là do cư dân ven sông lấn chiếm lòng sông, thả lục bình bao quanh để dụ cá, tôm vào ở rồi khai thác.
Ngoài ra, vài năm gần đây, khi các làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triểm khắp ĐBSCL, cọng lục bình được dùng làm sản xuất nhiều mặc hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Khi nguồn khai thác tự nhiên không đủ, người dân ven sông rạch ồ ạt chiếm lòng sông để trồng lục bình làm nguyên liệu. Không bao lâu, các dòng sông “chết” vì bị lục bình lấp đầy, phương tiện giao thông thủy không đi lại được.
Sông Cái Tàu – Sóc Tro là một trong những tuyến giao thông đường thủy quan trọng của tỉnh Vĩnh Long. Nhưng sau khoảng 2 năm nay, đoạn sông dài 3km hai xã Hòa Thạnh I – Xã Thạnh Quới – huyện Long Hồ bị lục bình lấp đầy. Chính những thảm lục bình đã làm cho lượng phù sa bồi lắng, lòng sông ngày càng cạn dần, tàu, ghe không thể lưu thông.
Ông Phạm Văn Nghĩa, ấp Hoà Thạnh, xã Thạnh Quới, bức xúc: “Đúng ra người dân chỉ được trồng lục bình khoảng 3m từ bờ sông tính ra thôi. Chứ trồng đầy sông thì ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhiều người khác”.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, ông Đặng Hữu Phước cho biết, sẽ kiểm tra, yêu cầu nông dân phá dỡ lục bình giữa sông và quy định diện tích được phép trồng lục bình để bảo đảm giao thông.