"Người ta chẳng bao giờ có thể phát minh ra được đèn điện nếu chỉ chăm chú đến việc cải tiến cái đèn dầu". (Thomas Edison). Bài học này có lẽ đúng khi tạo lập một hệ thống các hành động nhằm bảo vệ môi trường – phòng chống dịch bệnh thay cho cải tiến các hình thức vận động tuyên truyền.
Từ ví dụ cụ thể…
Anh Hùng Cimart – một Việt kiều rất quen thuộc với cộng đồng người Việt sống tại thị trấn nhỏ cách thủ đô Oslo (Na Uy) khoảng 50 km. Anh là chủ một siêu thị nhỏ tại thị trấn. Rất sởi lởi với đồng hương ghé qua nơi này, lại có rất nhiều thực phẩm thích hợp với khẩu vị người Việt, nên cửa hàng anh là địa chỉ của nhiều người Việt lui tới.
Luật Na Uy cấm bán bia rượu sau 18 giờ, cậy quen thân, mấy người khách du lịch Việt Nam đề nghị bán “ngoại lệ” một bịch bia 6 chai. Anh từ chối thẳng thừng “Không được, làm vậy là anh mất nghiệp đó!”.
Rồi anh kể, để có được giấy phép kinh doanh ở khu vực này, anh phải tham gia rất nhiều công tác xã hội để chứng tỏ sự có ích của mình cho cộng đồng, sau khi cửa hàng được cấp giấy phép kinh doanh, phải làm đúng luật, nếu có bất cứ khách hàng nào phàn nàn về chất lượng vệ sinh thực phẩm hoặc vệ sinh môi trường, sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh ngay.
Tại Na Uy, trước cửa các siêu thị đều có một máy nghiền chai pep, rất nhiều cô cậu học sinh kiếm thêm bằng cách nhặt hàng bao tải vỏ chai đến đó nhét vào máy. Máy nuốt các vỏ chai ép mỏng lại, mỗi chai ép xong máy nhả ra vài đồng xu. Các nhà sản xuất phải nộp tiền cho cơ quan quản lý môi trường khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường nội địa để cơ quan này có kinh phí thu hồi vỏ chai.
Các loại túi vỏ nilon, giấy, thuỷ tinh, kim loại hay các chất thải tự nhiên – công nghiệp đều có cách thu hồi thích hợp. Nhựa tái chế làm hàng rào, vỉa ba toa, nắp cống… rất phổ biến, tất nhiên là các hoạt động tái chế rác thải được hỗ trợ từ quỹ bảo vệ môi trường được thu từ nhiều nguồn mà câu truyện trên chỉ là một ví dụ.
Đến chính sách của cả một quốc gia
Na Uy là quốc gia đi đầu trong vấn đề môi trường toàn cầu. Là một nước nhỏ, bản thân không gặp phải những vấn đề lớn về môi trường nhưng chính sách Quốc gia là: môi trường của Na Uy không thể bị tàn phá nghiêm trọng từ nước khác gây ra.
Người dân Na Uy sử dụng quyền được biết thông tin về môi trường – coi đây là quyền dân chủ cơ bản. Thông tin đầy đủ và tin cậy có tính thuyết phục tới mức họ sẵn sàng chấp nhận những khoản tiền không nhỏ (từ đóng thuế) cho sự hợp tác về môi trường ở phạm vi địa phương, khu vực và toàn cầu. Động cơ thúc đẩy các nỗ lực hợp tác quốc tế của đất nước này chính là bảo vệ môi trường của chính mình.
Họ đã tham gia vào các dự án tại Đông Âu, Trung Âu, Trung Quốc và Nam Phi. Trẻ em Na Uy được giáo dục về ý thức bảo vệ thiên nhiên từ rất sớm, được khuyến khích tham gia vào CLB quốc gia Na Uy cho trẻ em quan tâm đến môi trường có tên gọi là “Cánh tay mực và các thám tử sinh thái” có từ năm 1989 với 20.000 hội viên từ 4-14 tuổi hoạt động rất hiệu quả.
Công viên Oslo (Na Uy) (Ảnh nguồn: Hanoi Data). |
Môi trường quanh ta, gần gũi hay xa vời?
Chưa bao giờ vấn đề môi trường tại Việt Nam có nhiều như hiện nay, ở đâu lúc nào cũng nghe chuyện môi trường ô nhiễm. Từ đô thị thị đến nông thôn, từ nhà trường đến bệnh viện. Trong không khí ta hít thở , trong thức ăn ta đang thuởng thức, trong nguồn nước sử dụng hàng ngày, phải hết sức cảnh giác để tự bảo vệ mình…như vậy môi trường thật gần gũi.
Nhưng những công việc liên quan đến bảo vệ môi trường thì mọi ngưòi thường liên tưởng đến cảnh ở đâu đó có những hội thảo với các diễn giả đăng đàn diễn thuyết đầy trăn trở, tâm huyết, các đại biểu ghi ghi chép chép la liệt, nhiệt tình nhưng họp song ra về rồi lại để đấy.
Hoặc là các phong trào được phát động bởi khẩu hiệu, cờ hoa, ô tô phát thanh, đoàn mô tô áo dài com lê hai hàng diễu phố…hết buổi rồi tan, ai về nhà nấy. Bằng chứng không ai làm gì là năm sau môi trường ô nhiễm trầm trọng hơn năm trước, dịch bệnh từ gia cầm vật nuôi tới của người lan truyền rộng hơn, lực dịch mạnh hơn, tần suất lớn hơn…
Thật tiếc là để đối phó với thực trạng này ta lại thấy các cuộc họp bàn được tổ chức dầy hơn, các cuộc kiểm tra có tác dụng tuyên truyền là chính, các cấp đưa tin trên đài báo nhiều hơn… Những lời lẽ thể hiện quyết tâm ngày càng sâu sắc. Nhiều sáng kiến được đưa ra, các đợt ra quân rầm rộ biểu ngữ, nhiều tờ rơi đã được phát hành… Toàn những chuyện xa xôi.
Hàng ngày, người nông dân vẫn múc nước dưới mương lên tưới rau mà không biết chất lượng nước do đâu quyết định. Khi ra chợ mua thực phẩm , các bà nội trợ thật khó biết thực phẩm nào là sạch hay không.
Trong các hàng ăn đường phố hay nhà hàng nơi nào thớt dính vi trùng ít hơn. Một nhà đổ rác đúng nơi quy định thì có cải thiện tình hình được bao nhiêu khi hàng xóm mở hàng ăn, hàng ngày thải nước thải ra vỉa hè, chảy dọc phố không ai ngăn cản.
Gần đây còn có sáng kiến tổ chức hội nghị lớn, vinh danh những người bảo vệ môi trường để nhân rộng điển hình, thì những tấm gương này đã được biết khá lâu rồi , mà nay vẫn chưa thêm được bao nhiêu gương mặt mới, trong khi chuyện tàn phá môi trường xuất hiện thưòng xuyên…
Câu chuyện bảo vệ môi trường tại Na Uy cho thấy những biện pháp bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh như hiện nay của chúng ta nên chăng thay đổi theo cách khác.
Mục tiêu các hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ là “nâng cao nhận thức của người dân” mà cần thiết “thay đổi nhận thức từ người quản lý”. Làm sao để các biện pháp chỉ ra cụ thể, tác động trực tiếp đến người dân, nhà sản xuất.
Mặt khác, cũng cần cơ chế giám sát của cả xã hội đối với các nhà quản lý, nhằm hạn chế những quyết định thiếu cân nhắc, dẫn đến tổn hại môi trường, đồng thời loại bỏ những biện pháp mang tính hình thức cũ kỹ, tốn kém thời gian, công sức đã lâu không mang lại tác dụng như mong đợi.
Cần một hệ thống cảnh báo
“Người ta chẳng bao giờ có thể phát minh ra được đèn điện nếu chỉ chăm chú đến việc cải tiến cái đèn dầu”. (Thomas Edison). Bài học này có lẽ đúng khi tạo lập một hệ thống các hành động nhằm bảo vệ môi trường – phòng chống dịch bệnh thay cho cải tiến các hình thức vận động tuyên truyền.
Có rất nhiều việc sẽ phải làm, nhiều mô hình mới được xây dựng. Nên đề xuất việc cần thiết nhất và có khả năng nhất, nên ưu tiên nhất để khởi sự đó là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bảo vệ môi trường – phòng chống dịch bệnh trên nền bản đồ số.
Trong cuộc đấu tranh với giặc dịch, rất cần thiết một bản đồ tác chiến. Kể từ khi có dịch cúm gà đã mấy năm nay, mới thấy có website của Cục Thú y – Bộ Y tế, thể hiện bản đồ đánh dấu ổ dịch gia cầm, cập nhật thông tin số lượng, thời gian, một số biểu đồ phân tích đánh giá…
Rất tiếc thông tin đó cũ rồi, từ năm 2006- 2007 và bản đồ thì tỷ lệ quá nhỏ do lấy ảnh vệ tinh làm nền. Phóng to hết cỡ bản đồ cả tỉnh nhỏ hơn bao thuốc lá, có cũng để xem cho vui chẳng đem lại tác dụng cụ thể nào. Để cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu, bản đồ có tỷ lệ đủ lớn đển xác định nguồn phát dịch bệnh từ từng đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ trong các hộ nông dân.
Do vậy, bản đồ nền chi tiết đến từng phường, xã, thôn, làng. Trên đó đánh dấu vị trí ổ dịch, nguồn nước đi đến, đường vận chuyển, khu vực chăn thả, số lượng gia súc gia cầm, cập nhật diễn biến từ lúc tiêm phòng đến lúc xuất chuồng hay tiêu huỷ…
Việc này thật chẳng dễ và cũng không phải tốn kém. Nhưng chỉ cần tính toán về sự thiệt hại do dịch bệnh lan truyền ảnh hưởng đến kinh tế của bà con nông dân và sức khoẻ của cả cộng đồng thì mới thấy rất nên làm. Hơn nữa cơ sở dữ liệu này còn giúp công tác dự báo chính xác để lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, môi trường địa phương: cung ứng vốn, thức ăn chăn nuôi, điều tiết phân phối thực phẩm hay xác nhận nguồn gốc xuất xứ…
Mở rộng ra là bảo hiểm cây trồng vật nuôi, tránh gian lận khi có chính sách hỗ trợ tiêu huỷ. Mô hình trao đổi thông tin trên mạng liên quan đến bảo vệ môi trường đã có nhiều đơn vị giới thiệu.
Về mặt kỹ thuật, cục bảo vệ môi trường đã trong tay những cơ sở cần thiết để xây dựng hệ hống cơ sở dữ liệu bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh trên nền bản đồ số.
Rất tiếc là cho tiếc nay tiếp cận những thông tin dạng này thật khó hoặc chưa thấy phổ biến ở đâu. Rất hy vọng trong thời gian để cụ thể hoá trách nhiệm của ngành Môi trường với xã hội, cơ sở dữ liệu này sẽ được phổ biến rộng rãi, tạo điều kiện cho cộng đồng xã hội tiếp cận dễ dàng, nhằm đóng góp vào công việc bảo vệ môi trường một cách thiết thực.