Đã hàng chục năm nay, những hộ dân trên địa bàn các phường 3, 4, 11… Q11, TPHCM phải sống chung với nạn ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn do các lò sản xuất thủy tinh (LTT) gây ra. Người dân nhiều lần kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý.
Hơn 30 năm sống trong ô nhiễm
Người dân ở hẻm 156 đường Bình Thới, P14 Q11 nhiều lần làm đơn tố cáo LTT Hưng Phát của ông chủ Sì Biếu (tên thường gọi).
LTT Hưng Phát có diện tích khoảng 400m2, nằm lọt thỏm giữa khu phố đông đúc dân cư. Chính vì vậy, khói, bụi, hơi nóng từ LTT cứ phả thẳng vào nhà dân. Cái nóng hầm hập và những đám khói đen kịt mang theo vô số tạp chất tuôn qua ống khói hoặc xả thẳng từ khoảng trống phía trên mái nhà xưởng bay sang bám đầy các vật dụng, nhà cửa người dân.
“Tình trạng này kéo dài đã hơn 30 năm. Đóng bít cửa lại thì nóng, mà hé ra một chút là khói bụi ùa vào đầy nhà… Do LTT sát vách nhà nên dù tôi đã cho xây hai vách tường ngăn dày hơn 40cm để cách nhiệt nhưng vẫn không chịu nổi sức nóng. Chưa hết, xe cộ vào ra chở hàng hóa ầm ầm suốt ngày đêm làm chúng tôi không phút nào được yên”, ông B., một hộ dân ở hẻm 156, bức xúc nói.
Theo các hộ dân, do phải sống trong ô nhiễm lâu ngày nên hầu hết người dân nơi đây đều bị mắc các loại bệnh về tai, mũi, họng.
Thậm chí nhiều người mới độ tuổi trung niên, tự nhiên bị đột tử không rõ nguyên nhân. Thấy vậy, một số hộ dời đi nơi khác nhưng người đến sau lại tiếp tục chịu đựng ô nhiễm. Ngay cả gia đình ông chủ LTT cũng dời đi nơi khác từ lâu, chỉ còn lại cơ sở sản xuất!
Ông Dương Công Thành, người trực tiếp quản lý cơ sở Hưng Phát thừa nhận, tình trạng ô nhiễm là do LTT gây ra. Cơ sở đã khắc phục bằng cách dùng hơi nước để giảm độ nóng và hạn chế bụi. Tuy nhiên, trên thực tế giải pháp này không mang lại hiệu quả mà còn làm nước tràn ra hẻm.
Hiện Q11 còn 12 LTT và những LTT này đang “uy hiếp” người dân như cơ sở Hưng Phát.
Thiếu cơ chế hay buông lỏng quản lý?
Theo bà Quách Thị Mai, Chủ tịch UBND P14, Q11, từ lâu phường đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng LTT gây ô nhiễm. Chính quyền địa phương đã cho tiến hành kiểm tra, xử phạt theo quy định (mỗi lần sai phạm bị phạt tối đa 2 triệu đồng-PV).
Bà Mai cho biết, trước đây phường có rất nhiều LTT, nhưng đã tự nguyện di dời gần hết. Riêng P14 hiện còn 4 LTT. Tuy nhiên, do các cơ sở này chưa có quyết định di dời và giấy phép đăng ký kinh doanh không ghi thời hạn nên phường chỉ còn cách vận động di dời, còn cơ sở vi phạm sẽ xử phạt.
Phó Chủ tịch UBND quận 11 Vương Tái Phước khẳng định, việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên toàn địa bàn theo chủ trương của TP (theo Quyết định số 80/2002/QĐ-UB ngày 08/07/2002) đến nay được thực hiện khá tốt. Riêng đối với LTT, do không nằm trong danh sách di dời, nên nếu đúng như người dân phản ánh, quận sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý theo Luật Môi trường.
Thực tế, ngay khi UBND quận 11 khảo sát, lập danh sách di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trước khi trình UBNDTP đã để “sót” các LTT, là nguyên nhân dẫn đến hậu quả nhãn tiền hiện nay. Năm 2008, TPHCM thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị, Q11 sẽ hưởng ứng bằng cách nào, khi mà nhiều hộ dân tại địa bàn đang ngày càng bị nạn ô nhiễm từ LTT uy hiếp?