Đề án "Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản từ nay đến năm 2020” có tổng vốn đầu tư hơn 850 tỷ đồng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giới thiệu tại một hội nghị tổ chức ngày 21/04/2008, tại Hà Nội.
Việc thực hiện đề án này nhằm tạo bước đột phá mới trong phát triển nuôi trồng và công nghệ sau thu hoạch thuỷ sản một cách bền vững, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo đó, Đề án tập trung vào các nội dung như tạo giống thuỷ sản và bảo tồn khai thác nguồn gen; chế biến quản lý chất lượng; phát triển công nghệ công nghiệp sinh học thuỷ sản; nâng cao nguồn nhân lực và tăng cường trang thiết bị, phòng thí nghiệm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Các ý kiến tham luận tại hội nghị cho rằng, hiện nay, công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, như số lượng cán bộ nghiên cứu và nhân viên kỹ thuật công nghệ sinh học thủy sản còn thiếu, chưa được đầu tư đúng mức và chưa có kế hoạch dài hạn.
Việc nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ thuỷ sản ở Việt Nam mới chỉ dừng ở các viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ sở nhà nước, chứ chưa được thực hiện ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học thủy sản.