Chưa bao giờ Tây Nguyên lại phải đối mặt với nguy cơ mất rừng lớn như năm 2008, khi giá cà phê tăng cao. Mới đây, nhân có chuyến đi rừng về các xã Phúc Thọ, Đạ Đờn (Lâm Hà), Đạ K’Nàng (Đam Rông) của tỉnh Lâm Đồng, mới tận mắt chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá một cách không thương tiếc. Cứ đà này, Tây Nguyên sẽ chẳng còn rừng?
Tan hoang rừng Phúc Thọ
Trước mặt là xóm Con Ó. Một xóm nhỏ vỏn vẹn đúng 10 nóc nhà tranh nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng già. Những vườn cà phê lúp xúp thay cho rừng. Tất cả như vừa mới du cư đến đây. Bước vào ngôi nhà gần nhất. Ông Hà Tư, chủ nhà, cười nói: “Trước tôi ở thị trấn Đinh Văn, năm 2004 di cư vào đây phá rừng làm rẫy trồng cà phê, hộ khẩu vẫn ngoài thị trấn, vẫn biết vào đây phá rừng là sai nhưng vì đông con không đủ đất sản xuất nên…”.
Rừng đang tiếp tục “được” phát quang ở hai bên xóm. Từng vạt rừng mới bị phát chưa kịp đốt, lá vàng chóe. Vừa leo lên một khu rừng, trước mặt đã thấy một cây gỗ quý dài hơn 3m đang chuẩn bị xẻ, mực đã kẻ sẵn, chỉ chờ cưa. Người dẫn đường khẳng định đó là gỗ huỳnh đàn – một loại gỗ quý có giá trị hàng chục triệu đồng một khối. Vân gỗ có đường kính hơn 40cm, màu sẫm khá đẹp.
Từ đây đi ngược về phía Tây Bắc, lại thấy những vạt rừng già nữa mới bị đốn hạ, nhiều gốc cây to khoảng một người ôm còn tươi nguyên, nhựa đang ứa ra, lá cây chưa kịp héo. Cây rừng cao 15 – 20m, đường kính phổ biến 25 – 40cm bị cưa, chặt hạ không thương tiếc, nằm ngổn ngang. Phía trước mặt, ở một quả đồi thấp gần đó, có hai người phụ nữ đang dọn cây để trồng cà phê.
Trở sang phía Đông để cắt đường rừng về cho gần, cũng gặp một số quả đồi có cây rừng bị triệt hạ. Trong đó, một quả đồi lớn hình bát úp khá đẹp có hơn 50 cây rừng hàng chục năm tuổi bị cháy đen nhẻm, nằm chỏng chơ.
Sau một đêm trằn trọc, cả đoàn tiếp tục vượt đường rừng để đến thôn Păng Ta. Tại Tiểu khu 252 (thuộc BQL rừng Lán Tranh), hàng trăm cây gỗ nằm ngổn ngang giữa đám cỏ lau bị đốt nham nhở và chỉ cần mồi lửa nữa là thành than.
Gặp hai người dân tộc thiểu số đang phá rừng, hỏi: “Bà con có biết phá rừng Nhà nước là vi phạm pháp luật và gây ra lũ lụt không?”. Cả hai người thản nhiên đáp: “Không phá rừng thì lấy đất đâu làm ăn, mình không phá thì mọi người cũng phá mà!”. Đó là hai vợ chồng Ka Đua và K’reng (dân tộc K’Ho) từ xã Tân Thanh vào.
Từ tháng 9 năm ngoái, cứ một tháng hai vợ chồng vào đây phá rừng 3 lần và hiện đã có 5 sào trồng cà phê, 2 sào vừa mới khai phá. Đất rừng ở đây được mọi người chia nhau ranh giới để phá, những ngày rảnh rỗi họ lại chặt vài ba cây rừng để lấy đất.
Thôn Păng Ta có khoảng 50 hộ dân (chủ yếu là đồng bào K’Ho) từ Tân Thanh vào năm 2002. Ban đầu chỉ có vài người, sau thấy phá rừng dễ quá, họ liền kéo anh em vào phá tiếp và lập thôn. Gần đây đã bắt đầu xuất hiện người Kinh và người Dao từ ngoài Bắc vào đây mua đất rừng; xúi giục người dân tộc thiểu số phá rừng và sau đó mua lại đất với giá khoảng 5 – 6 triệu đồng/sào. Dịp tết, đồng bào thường ăn tiêu và mua sắm hết tiền, ra tháng 4 là bắt đầu đói và phá rừng là cách duy nhất để kiếm sống!
Ngoài tầm kiểm soát?
5g chiều, trở ra xã Đạ K’Nàng và gặp ngay một cảnh tượng hoang tàn ở rìa thôn Pang Pá (thuộc Tiểu khu 236, BQL rừng Phi Liêng). Màu đen của cây rừng bị đốt cháy bao trùm lên cả một quả đồi rộng lớn, ước tính phải lên đến hơn 10ha. Cây đổ cháy đen nằm vương vãi trên mặt đất không thể đếm xuể, có vài cây đang cháy dở, nhiều cây mới bị hạ chưa kịp đốt và rất nhiều gốc cây to hơn 40cm, cao hơn 10m trở lên, suôn đuột, còn nguyên dấu cưa.
Ở quả đồi bên kia, rừng cũng chung số phận, cây đổ nằm ngổn ngang. Xa hơn một chút, lửa đang cháy từng ngọn lớn đỏ rực mà không thấy bóng dáng của nhân viên kiểm lâm hay chính quyền địa phương. Vài tốp người dân địa phương xà gạt vác trên vai bình thản từ rừng về nhà.
Ông Đàm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có diện tích trên 5.000ha, dân số 1.772 người và có 8 dân tộc sinh sống. Người dân thường phá rừng vào ban đêm, mùa mưa nên xã không có đủ lực lượng ngăn cản, kiểm lâm chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm.
Ông nói: “Vẫn biết đồng bào dân tộc thiểu số phá rừng bán cho người Kinh, người Dao nhưng xã không có người theo dõi để xử lý, nhiều lần xã cũng phối hợp với kiểm lâm huyện cùng ra quân giải tỏa nhưng sau đó họ tiếp tục phá trở lại”.
Rừng sau khi bị chặt phá, đốt và dọn sạch thực bì xong đã được sang tay với nhau, thường là cho người Kinh. Về giá cả, anh Ka Giai (thôn Păng Pá, xã Đạ K’Nàng) cho hay: “Đất có cà phê thì ít người bán, còn đất mới khoảng 5 – 6 triệu đồng/sào, để tôi hỏi cho, vài hôm nữa đem tiền lại mua”.
Từ trước tết, Công ty cổ phần Du lịch Phương Nam nhận bảo vệ 300ha rừng, đã phải thuê hẳn 2 vệ sĩ từ Đà Lạt xuống cùng giữ rừng nhưng cách đây vài ngày, lâm tặc đã dọn sạch một lối đi vào bãi khai thác, dùng rựa, dao đi rừng hoặc xà gạt vạt quanh gốc cây theo kiểu “chia rừng”.
Hôm sau, nhờ một người dân Phú Sơn dẫn đường, lại tiếp tục chứng kiến cảnh cây đổ, rừng mất, dân đang đào lỗ trồng cà phê ở khu vực cách trung tâm xã 8km, mà theo một “lâm tặc” thì thuộc địa phận xã Đạ Đờn.
Buổi chiều, gặp ông Trần Thanh Phương, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, ông phân trần: “Vì giá cà phê tăng lên hơn 30.000đ, dân thấy dễ làm hơn so với các loại cây khác, thêm vào đó nhiều người ở miền núi phía Bắc vào trước, rồi lôi kéo số vào sau phá rừng lấy đất sản xuất không mất tiền, nên áp lực giữ rừng tăng ghê lắm”.
Tân Thanh, Phúc Thọ và Đạ K’Nàng từ lâu đều thuộc vùng “đất dữ” trong cuộc chiến với lâm tặc ở Tây Nguyên. Và tình hình hiện nay, hình như đang ngoài tầm kiểm soát. Cứ đà này, Tây Nguyên sẽ chẳng còn rừng?!