Từ làng Mài, xã Bình Lương, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, được một lão nông đã ngoài 60 tuổi dẫn đường đến khu vực rừng lim của Vườn Quốc gia Bến En – nơi người dân địa phương quen gọi là “rừng cấm”. Dọc đường đi, dù đã được nghe kể về việc rừng lim xanh bị chặt hạ, nhưng khi chứng kiến cảnh lim xanh phơi xác ngổn ngang mới không khỏi xót xa.
Từ ngoài đường mòn nhìn vào cả một rừng lim bạt ngàn, phía dưới tán xanh của những thân lim cường tráng cao hàng chục mét là các loại lim nhỏ tranh giành từng vệt nắng.
Tuy nhiên, chỉ đi sâu vào khoảng 20m thì đã gặp nhiều khoảng rừng bị đánh vạt xuống bởi những thân lim lớn, tán rộng chừng 5m bị chặt hạ từ bao giờ. Cành, nhánh bị gẫy khô khốc treo trên những cây lim kề bên. Tất cả những cây lim xanh bị đốn hạ đều bị cắt khoảng 3,5 m phần thân phía gốc, phần thân còn lại nằm ngổn ngang bên cạnh đống vỏ, mạt cưa. Có những cây bị chặt hạ, thân cây đổ chắn ngang đường đi. Có cây sau khi bị hạ, “lâm tặc” còn để lại bơm kim tiêm trên phần gốc thâm đen như một lời thách thức…
Theo lời người dẫn đường và những người dân địa phương đi cùng thì tất cả những cây lim trên đều bị hạ bằng cưa tay. Các đối tượng thường đi khai thác thành nhóm, chia ra các khu vực khác nhau. Mỗi cây lim thường được “lâm tặc” hạ trong khoảng 1 tiếng, cắt khúc, đẽo vỏ trong khoảng 2 tiếng, rồi dùng xe thồ, hoặc trâu và sử dụng một cái “thang” để kéo (thiết kế tương tự như ray tàu để đặt gỗ lên trên) vận chuyển ra ngoài nhằm tránh để lại dấu vết. Các đối tượng đi chặt trộm lim thường nghiên cứu kỹ “lịch” hoạt động của các kiểm lâm (KL) viên rồi lợi dụng các thời điểm nhạy cảm để hạ lim.
Những khúc gỗ lim sau khi được vận chuyển ra khỏi rừng thường được tiêu thụ ngay, với giá bán chỉ khoảng vài ba trăm nghìn đồng. Người chặt lim có thêm một khoản tiền để chi tiêu nhưng đã làm thiệt hại không nhỏ đến tài sản Quốc gia, vi phạm nghiêm trọng Luật Quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).
Nơi những cây lim xanh bị chặt hạ là rừng của Vườn Quốc gia Bến En thuộc địa phận quản lý của các Trạm KL Đức Lương, Xuân Bình và Điện Ngọc. Khu vực bị chặt hạ nhiều nhất là tại địa bàn Trạm KL Xuân Bình quản lý. Tại các khoảnh 2, 4 tiểu khu (TK) 633 có 76 cây lim xanh bị chặt, đường kính gốc từ 20 đến 40 cm; khối lượng tương đương 41,234 m3 gỗ. Tại các khoảnh 3, 4 TK 636 có 12 cây bị chặt gồm các loại trường, lim xanh và de, đường kính từ 25 đến 45 cm; khối lượng 5,154 m3 gỗ. Địa bàn Trạm KL Điện Ngọc tại khoảnh 2, 3, 4, 5 có 8 cây de lá to bị chặt. Địa bàn Trạm Đức Lương, tại khoảnh 5, 6 TK 620 có 11 cây de lá to bị chặt.
Ông Phạm Hồng Phong, Hạt trưởng Hạt KL Bến En cho biết: các trạm KL dù đã cố gắng trong công tác QLBVR nhưng do địa bàn quản lý rộng, giao thông bị chia cắt, sức ép của người dân vào rừng rất lớn nên công tác tuần tra, bảo vệ gặp nhiều khó khăn.
Đặc thù của Vườn Quốc gia Bến En là có dân sống đan xen, tuy hạt đã có chỉ đạo các Trạm KL kiểm tra ráo riết nhưng vào thời điểm giáp hạt, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhiều đối tượng là người dân, chủ yếu của các xã Tân Bình, Xuân Thái, Bãi Trành, Xuân Hòa… đã tìm nhiều cách vào rừng để chặt trộm gỗ và khai thác lâm sản khác. Chính vì thế đã xảy ra tình trạng lim xanh bị chặt trộm trên địa bàn quản lý của các trạm KL Điện Ngọc, Xuân Bình và Đức Lương.
Thời điểm chặt trộm lim thường diễn ra tập trung từ tháng 10/2007 đến tháng 03/2008. Trước tình hình trên, ngày 09/03/2008, hạt đã tổ chức thành lập 2 đoàn kiểm tra tài nguyên rừng trên toàn tuyến thuộc các khoảnh 2, 3, 4 TK 633; khoảnh 3, 4 TK 636; khoảnh 2, 3, 4, 5 TK 633; khoảnh 2, 3, 4, 5 TK 625; khoảnh 3, 4, 5, 6, 8 TK 620; khoảnh 1, 2, 3, 4 TK 636. Đồng thời có Công văn số 13/CV- KL ngày 03/04/2008 yêu cầu các Trạm KL Xuân Bình, Điện Ngọc, Đức Lương tổ chức kiểm điểm đối với tập thể và từng cá nhân, có bản kiểm điểm gửi về hạt để tiến hành họp kiểm điểm, đưa ra các hình thức kỷ luật trong thời gian sắp tới. Lãnh đạo hạt cũng nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm. Tuy nhiên, buổi kiểm điểm trách nhiệm chung trong toàn hạt chưa được tiến hành vì còn vướng trong việc xác định ranh giới quản lý trên thực địa giữa 2 Trạm KL Điện Ngọc và Xuân Bình.
Mặc dù kết luận thanh tra của Hạt KL Bến En xác định rằng, rừng bị chặt phá chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, nhưng trên thực tế với số lượng khá lớn: khoảng 100 cây lim xanh, trường, de bị chặt hạ trong khoảng thời gian trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tý. Việc kiểm điểm trách nhiệm là cần thiết, tuy nhiên vấn đề thiết yếu là phải có giải pháp ngăn chặn triệt để việc chặt phá lim đã lặp lại nhiều lần ở các khu vực xung yếu của Vườn Quốc gia Bến En, vì toàn bộ diện tích rừng của Vườn Quốc gia Bến En là rừng đặc dụng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn, bảo vệ nguồn gen động, thực vật.
Hơn nữa, rừng lim xanh trong Vườn Quốc gia Bến En lại được coi là “cấm địa” (chỉ những nhà khoa học mới được nghiên cứu), tránh để xảy ra tình trạng vừa mất rừng lại vừa tiếp tục mất cán bộ (trước đó đã có 2 Trạm trưởng Trạm KL Xuân Bình và Đồng Thổ bị cách chức và Trạm trưởng Trạm KL Đức Lương bị cảnh cáo).
Thiết nghĩ, cùng với các biện pháp mà Hạt KL Bến En đang triển khai, cần nhanh chóng có giải pháp để ổn định và nâng cao đời sống vốn còn gặp nhiều khó khăn cho bà con nhân dân. Huy động, khuyến khích những người giàu kinh nghiệm tham gia vào công tác bảo vệ tài nguyên rừng, làm hạt nhân cho công tác QLBVR. Sớm báo cáo các cơ quan chức năng cấp trên nắm tình hình để nghiên cứu, phối hợp tìm ra giải pháp QLBVR có hiệu quả bền vững.