Theo đánh giá của các chuyên gia thì tiềm năng phát triển thủy điện của Việt Nam là rất lớn vì có hệ thống sông suối nhiều, đa dạng và sự chênh lệch về độ cao giữa các vùng trong lưu vực sông lớn. Tuy nhiên việc phát triển ồ ạt các dự án thủy điện trong thời gian vừa qua đang bị cảnh báo là tiềm ẩn những nguy cơ lớn đối với môi trường. Ông Nguyễn Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi trao đổi về vấn đề phát triển thủy điện bền vững.
Ông có thể cho biết những cơ sở để xác định tiềm năng về phát triển thủy điện của Việt Nam?
Tiềm năng lý thuyết về thủy điện trên tất cả các hệ thống sông của Việt Nam khoảng 300 tỉ kWh/năm, trong đó lưu vực sông Hồng là 122 tỉ kWh/năm (chiếm 41% tiềm năng lý thuyết), sông Đồng Nai 27,35 tỉ kWh/năm (chiếm 9%) và sông Sêsan 16,46 tỉ kWh/năm(chiếm 6%). Trên toàn quốc, một số lưu vực sông có tiềm năng thủy điện lớn như sông Đà, sông Đồng Nai, Sêsan, Serepok, sông Ba, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Lô – Gâm, sông Mã và sông Cả. Trong đó lớn nhất là lưu vực sông Đà, khoảng 7.800 MW, sông Sesan là 4.000 MW và sông Đồng Nai khoảng 1.900 MW. Ngoài ra, trên các lưu vực sông, suối nhỏ khác có thể khai thác thủy điện nhỏ với trữ năng kinh tế có thể đạt tới 16 tỉ kWh/năm.
Theo quy hoạch phát triển điện Việt Nam trong giai đoạn 2001-2010, định hướng 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 95/2001/QĐ-TTg ngày 22/06/2001, các lưu vực sông lớn nước ta có tổng tiềm năng thuỷ điện (tại các vị trí có thể khai thác với công suất lắp máy lớn hơn 30 MW) đạt 15.374 MW, tương đương sản lượng điện khoảng 66,9 tỉ kWh/năm, các lưu vực sông nhỏ và trạm thuỷ điện với công suất lắp máy dưới 30 MW ước tính chiếm khoảng 10% công suất của các trạm có công suất lớn hơn 30 MW, tương đương khoảng 1.530 MW.
Hiện nay, thủy điện là nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia. Đến nay, các công trình thuỷ điện đã khai thác được khoảng 4.238 MW, chiếm hơn 40% tổng công suất lắp máy của toàn hệ thống điện quốc gia(khoảng 10.445 MW). Lượng nước sử dụng để phát điện từ dung tích hữu ích của các hồ chứa thuỷ điện khoảng 13,6 tỉ m3. Theo quy hoạch thuỷ điện trên 9 lưu vực sông chính, dự kiến thuỷ điện sẽ cung cấp khoảng 16.200MW, chiếm 62% trong tổng số 26.000MW cần bổ sung đến năm 2020.
Như giải thích của ông, rõ ràng là việc khai thác và sử dụng nguồn nước vào mục tiêu phát triển thuỷ điện đã đạt được kết quả. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc phối hợp giữa phát triển thuỷ điện với yêu cầu cấp nước và phòng lũ ở hạ du. Đặc biệt, việc phát triển thuỷ điện ồ ạt chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường?
Hiện nay yêu cầu về bảo vệ tài nguyên nước là một vấn đề cấp thiết do tài nguyên nước trên nhiều lưu vực sông đã và đang có biểu hiện suy thoái. Đó là hậu quả của việc khai thác, sử dụng không hợp lý và không đầu tư đúng mức cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên này trong một thời gian dài. Việc xây dựng, vận hành các công trình thuỷ điện có tác động sâu sắc và lâu dài đến tài nguyên nước và môi trường lưu vực sông, bao gồm cả tác động tích cực và tác động bất lợi.
Các công trình thuỷ điện đã xây dựng ở Việt Nam phần lớn là các công trình đập lớn với hồ chứa có dung tích chứa nước từ hàng chục triệu đến hàng tỉ m3 nước. Khi xây dựng đập thường làm ngập một diện tích lớn đất đai trong khu vực lòng hồ. Đồng thời trong quá trình vận hành, khai thác cũng gây nhiều tác động tới tài nguyên nước và môi trường trong lưu vực sông. Tác động trước tiên của các dự án thủy điện đó là làm biến đổi số lượng và chế độ dòng chảy của sông. Nhiều hồ chứa thuỷ điện chưa quan tâm đầy đủ đến viêc duy trì nước cho hạ du sau công trình nên khi thiết kế, xây dựng đập, không bố trí hoặc bố trí chưa đủ các hạng mục công trình xả nước để trả lại lượng nước cần thiết nhằm duy trì dòng chảy tự nhiên trong sông. Việc thay đổi chế độ dòng chảy ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh trong sông ở hạ lưu các công trình.
Bên cạnh đó, nhiều công trình thuỷ điện dùng đường ống áp lực để dẫn nước từ hồ chứa đến nhà máy thuỷ điện bố trí ở cao trình thấp để tạo đầu nước lớn, nâng cao hiệu quả phát điện, nên đoạn sông từ đập đến nhà máy không có nước trở thành một đoạn sông chết có chiều dài từ vài kí lô mét đến hàng chục kí lô mét (km) ngay sau tuyến đập chính. Ví dụ, sau tuyến đập của hồ sông Ba Hạ đoạn sông chết dài 8km, của hồ Đồng Nai 3 dài 4km, hồ thuỷ điện Nậm Chiến dài hơn 16km và nhiều hồ thuỷ điện nhỏ khác.
Trong mùa cạn, do chủ yếu chú ý đến sản lượng điện, nhiều hồ chứa thuỷ điện tăng cường việc tích nước để dự trữ phát điện, nên lượng nước xả xuống hạ lưu không đáng kể, đôi khi ngừng hoàn toàn việc xả nước xuống hạ lưu, gây cạn kiệt nguồn nước phía hạ lưu trong thời gian dài. Từ đó, gây ảnh hưởng bất lợi đến việc cung cấp nước cho các mục đích sử dụng khác ở hạ du như cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, giao thông, thuỷ sản… đồng thời làm biến đổi chế độ dòng chảy và suy thoái hệ sinh thái thủy sinh.
Một tác động phổ biến khác thường xảy ra ở hạ lưu các công trình thuỷ điện là gây xói lở vùng hạ du, thay đổi hình thái lòng dẫn, làm gia tăng mức độ biến đổi lòng dẫn đoạn sông ngay sau đập. Sự thay đổi về chế độ dòng chảy dẫn đến sự thay đổi lưu lượng tạo lòng làm thay đổi hình thái sông, nhất là vùng cửa sông, ven biển. Ngoài ra, việc sử dụng nước của thuỷ điện làm biến đổi rất nhiều chất lượng nước trong thời gian đầu tích nước vào lòng hồ do quá trình phân huỷ thực vật trong lòng hồ.
Việc thu dọn lòng hồ trước khi tích nước lần đầu cũng rất quan trọng. Nhìn chung, các hồ chứa thuỷ điện đã xây dựng ở nước ta trong thời gian vừa qua đều thực hiện thu dọn lòng hồ ở mức sơ bộ. Song việc thực hiện thu dọn lòng hồ ở nhiều công trình thủy điện chưa được nghiêm túc và chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây tình trạng ô nhiễm nước hồ.
Trong thời gian thi công các hạng mục công trình, độ đục của nước sông tại đoạn sông hạ lưu sau đập thuỷ điện tăng lên rất nhiều. Do thay đổi chế độ dòng chảy nên lượng các chất hữu cơ trong nước của các công trình thuỷ điện bị giảm, sự đa dạng và số lượng các loài cá và các loài thuỷ sinh bị thay đổi rõ rệt, đặc biệt là những loại di trú theo mùa, hoặc làm mất đi các bãi đẻ trong mùa sinh sản.
Thưa ông, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia trong ngành cho rằng còn nhiều hạn chế và bất cập trong quy hoạch và thiết kế các công trình thuỷ điện?
Hiện tượng khá phổ biến trong quy hoạch, thiết kế các công trình thuỷ điện là chưa chú ý đến hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội và môi trường. Các công trình thường chỉ chú trọng tới hiệu quả về phát điện và lợi nhuận của đầu ra, chưa đưa yêu cầu phòng lũ cho hạ du như là một trong những nhiệm vụ chính của công trình. Ở nhiều công trình thuỷ điện, nhiệm vụ chống lũ cho hạ du chỉ được xem là nhiệm vụ kết hợp. Theo tôi, có một số vấn đề cần phải được xem xét ở đây là: chưa có sự phối hợp giữa quá trình vận hành, xả nước của nhà máy thuỷ điện và yêu cầu dùng nước ở hạ lưu nên các ngành chưa sử dụng một cách hiệu quả nhất lượng nước mà công trình thuỷ điện xả xuống hạ du. Thực tế này đã làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn nước được tạo từ các công trình thuỷ điện.
Thứ hai, các nhà máy thuỷ điện hiện nay đều vận hành phát điện hàng ngày theo chế độ phù đỉnh. Trong đó, để tạo ra hiệu quả sản xuất điện năng cao nhất nên vào ban đêm, lượng nước qua tuốc bin xả xuống hạ lưu giảm đến mức tối thiểu, hoặc có khi ngừng hẳn. Thực tế này ảnh hưởng đến việc sử dụng nước của các ngành khác ở hạ du, nhất là khi hạ lưu nhà máy thuỷ điện là các đập dâng lớn lấy nước tưới cho ngành nông nghiệp.
Việc tổ chức quản lý và lập kế hoạch đầu tư, khai thác phục vụ các ngành thủy sản, du lịch, dịch vụ giải trí của các hồ thuỷ điện chưa được chú trọng nên hiệu quả sử dụng nước các hồ chứa thuỷ điện trong thực tế còn rất hạn chế. Nhiều hồ chứa không tổ chức và quản lý chặt chẽ việc nuôi cá trong hồ để người dân tự do đánh bắt, tình trạng sử dụng mìn và xung điện đánh bắt cá vẫn thường xuyên xảy ra, làm cạn kiệt nguồn cá trong hồ. Có thể thấy, hiệu quả sử dụng nguồn nước của các công trình thuỷ điện cho phát điện, cấp nước và phòng lũ cho hạ du khá rõ nét. Tuy nhiên, do việc quy hoạch, thiết kế và quản lý, vận hành các công trình thuỷ điện đã xây dựng thời gian qua chưa toàn diện dẫn đến hiệu qủa sử dụng nguồn nước của các công trình thủy điện chưa cao và còn làm ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc thiếu điện trong thời gian vừa qua là do Việt Nam quá phụ thuộc vào việc phát triển điện năng từ các dự án thuỷ điện?
Tôi cho rằng đây cũng là một vấn đề cần phải nghiên cứu trong thời gian tới. Tiềm năng của thuỷ điện đã thấy rõ nhưng không phải là không có những hạn chế. Với tốc độ khai thác thuỷ điện vừa và lớn như hiện nay, có thể thấy trong 10-15 năm tới, các vị trí có tiềm năng thuỷ điện lớn sẽ bị khai thác hết. Do đó, việc phát triển các nguồn năng lượng khác thay thế cũng phải sớm được tính đến.
Vậy các ngành chức năng sẽ có những động thái gì cụ thể để vừa đảm bảo được điện năng từ phát triển thuỷ điện, vừa không ảnh hưởng xấu đến môi trường, thưa ông?
Đối với khai thác, sử dụng nước trong thủy điện, yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, quản lý bảo vệ môi trường lưu vực sông cần được xem xét ngay từ quá trình lập quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng và quản lý khai thác các công trình thuỷ điện. Việc đánh giá tác động của sử dụng nước trong thuỷ điện đến tài nguyên nước và môi trường lưu vực sông cũng như hiệu quả thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động bất lợi là rất cần thiết, nhằm định hướng cho công tác quản lý, sử dụng nước của thuỷ điện sau này…
Sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát các quy hoạch thuỷ điện trên các lưu vực sông chính theo tiêu chí và khuôn khổ pháp lý chung của lưu vực, từ đó đề xuất điều chỉnh hoặc bổ sung quy hoạch điện. Chúng tôi cũng sẽ rà soát lại toàn bộ những dự án về thuỷ điện thuộc thẩm quyền của bộ, để xác định xem dự án nào đã được cấp phép, dự án chưa được cấp phép. Dự án nào vi phạm và ảnh hưởng lớn đến môi trường sẽ bị “đóng cửa” ngay.
Nghị định số 149 của Chính phủ đã quy định rõ việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải xin phép và phải được cấp phép rõ ràng. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ quản lý việc cấp phép này, trong đó có việc cấp phép các dự án thuỷ điện có sử dụng tài nguyên nước chặt chẽ hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững cho môi trường.
Chúng ta không thể không phát triển thuỷ điện, vì đây là nguồn năng lượng quý giá và cần thiết để phục vụ cho nhu cầu phát triển. Nhưng chúng ta phải cân đối giữa tiêu chí phát triển thuỷ điện vì nhu cầu và lợi nhuận với sự ổn định của môi trường. Nếu không chúng ta sẽ phải trả giá rất lớn nếu môi trường bị tàn phá.
Xin cảm ơn ông!