ThienNhien.Net – Khu vực đồn điền cao su – được thể hiện bằng màu đỏ trên bản đồ của nhà sinh thái học Liu Wenjie, người Trung Quốc, đã thay thế gần như toàn bộ màu xanh của những vùng rừng nhiệt đới đất thấp ở Xishuangbanna, và bắt đầu xâm lấn sang cả những vùng đất cao. Liu và các nhà khoa học khác lo lắng rằng, sự mở rộng các đồn điền cao su để cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp lớn nhất thế giới của Trung Quốc, sẽ huỷ diệt hệ sinh thái của Xishuangbanna, nơi có hệ động thực vật đa dạng bậc nhất ở Trung Quốc.
Cách đây ba thập kỉ, rừng nhiệt đới và rừng trên núi cao bao phủ khoảng 70% diện tích Xishuangbanna, nằm giữa biên giới Trung Quốc với Lào và Myanmar. Đến năm 2003, tỷ lệ đó đã bị thu hẹp xuống hơn 50%.
Liu, một giáo sư của Vườn Thực vật Nhiệt đới Xishuangbanna nói: “Với giá cao su tăng một cách chóng mặt, thì bất cứ cây nào có thể chặt được đều bị đốn hạ để nhường chỗ cho cây cao su”
Rừng mưa đã bị thu hẹp đến những mảnh đất của khu bảo tồn ở Xishuangbanna, một trong những vùng sản xuất cao su hàng đầu của Trung Quốc. Kinh tế tăng trưởng gấp đôi nhờ việc xâm lấn những mảnh đất tự nhiên cuối cùng ở đất nước đông dân nhất thế giới này.
Số liệu chính thức về diện tích cao su của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc là 334.000 hecta, chiếm khoảng 43% tổng diện tích cao su của cả nước, nhưng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Trong năm 2007, Trung Quốc tiêu thụ hết 2,35 triệu tấn cao su tự nhiên. Trong đó khoảng 70% được nhập khẩu từ nước ngoài, phần lớn là từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác – những nơi cũng đang phải đối mặt với tình trạng phá rừng do mở rộng diện tích trồng cao su.
Trung Quốc thừa nhận rằng lượng cao su tự nhiên nhập khẩu đã tăng gần gấp đôi từ năm 2000 do nhu cầu ôtô nội địa tăng nhanh và Trung Quốc cũng đang trở thành nhà sản xuất cũng như xuất khẩu lốp xe hàng đầu thế giới.
Trung Quốc đã sản xuất được 330 triệu lốp xe trong năm 2007 và xuất cảng gần một nửa ra nước ngoài. Các nhà sản xuất lốp xe lớn như Goodyear, Continental AG Michelin và Bridgestone, đều đang có kế hoạch xây dựng thêm và mở rộng các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Cao su Trung Quốc dự báo: để có thể đáp ứng được nhu cầu, Trung Quốc sẽ phải tăng sản lượng cao su tự nhiên của mình khoảng 30% và đạt khoảng 780.000 tấn vào năm 2010.
Nhưng quỹ đất thích hợp để trồng cao su là rất có hạn vì loài cây này cần được trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới, mà điều kiện khí hậu đó chỉ có một phần rất nhỏ nằm ở phía Nam Trung Quốc.
Các đồn điền cao su làm thu hẹp diện tích rừng
Theo một bài báo của các nhà nghiên cứu của Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc và một nhà khoa học đến từ trường Đại học Puerto Rico, trong những năm từ 1976 đến 2003, khoảng 67% diện tích rừng mưa của vùng đã bị mất để trồng cao su.
Các nhà khoa học nói rằng, cả những đồn điền cao su quốc doanh và tư nhân đều là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng.
Công ty Công nghiệp Cao su Tự nhiên Vân Nam, nhà sản xuất hàng đầu của tỉnh này đã phủ nhận thực tế nêu trên. Công ty này đã nói rằng, những đồn điền cao su của họ chỉ mở rộng ở những khu vực đất nông nghiệp trước đây bỏ hoang hoặc các khu rừng tái sinh.
Yin Shinming, người đứng đầu của Hiệp hội cao su Vân Nam nói: “Chúng tôi đã sử dụng hầu hết quỹ đất có thể để trồng cao su ở đây và bây giờ chúng tôi sẽ cần phải trồng cao su ở nước ngoài”.
Công ty Cao su Yunnan hiện đã có hơn 1.333 hecta diện tích cao su ở các nước láng giềng là Lào và Myanmar và sẽ bắt đầu sản xuất cao su trong 6,7 năm tới.
Công ty này cũng có kế hoạch mở rộng diện tích cao su lên đến 33.333 hecta trong vài năm tới, thay thế cho những cánh đồng trồng thuốc phiện. Giá trị cao của cây cao su đã lôi cuốn những người nông dân trước đây vốn thu được rất ít lợi nhuận từ việc trồng và tinh chế thuốc phiện.
Ở Xishuangbanna, những hàng cây cao su xanh mướt có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Những cây cao su con còn được trồng bên cạnh những cây chuối trên các cánh đồng. Chúng thậm chí còn xuất hiện trên những mảnh đất xung quanh nhà, và được xem như là một hình ảnh đặc trưng của cảnh quan địa phương.
Các nhà nghiên cứu cho biết, dần dần, những người dân địa phương đã xâm lấn đến cả những khu rừng được bảo vệ. Liu nói: “Sự thu hẹp diện tích rừng mưa đã cản trở sự sinh sôi của loài voi cũng như các loài động thực vật khác”. Ngoài ra các loài voi Châu Á , hổ, công và linh trưởng sống ở khu vực rừng mưa cũng đang bị đe doạ nghiêm trọng.
Theo một nghiên cứu năm 2006 nói trên cho biết, sự đa dạng của các loài chim cũng bị giảm sút cùng với sự chuyển đổi từ rừng mưa nhiệt đới thành các đồn điền cao su. Thậm chí Công ty Cao su Vân Nam cũng thừa nhận tác động của việc mở rộng diện tích cao su đối với đa dạng sinh học. Yin nói: “Các đồn điền cao su là những khu rừng nhân tạo và sự thật là mức độ đa dạng sinh học ở đây không thể cao như những khu rừng tự nhiên”. Ông cũng cho biết rằng, các đồn điền cao su của họ vẫn đang áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, đó là cho phép các loài cây khác mọc trên các khoảng đất trống giữa các hàng cây cao su.
Công ty Cao su Vân Nam, cũng đang nghiên cứu các biện pháp làm cho cây cao su của họ trưởng thành sớm hơn, cũng như các biện pháp làm tăng sản lượng mà không cần phải mở rộng diện tích. Bình thường cây cao su có thể cho mủ sau khoảng 7 năm.
Các nhà khoa học cho rằng như vậy là quá muộn để có thể bảo vệ rừng. Giá cao su gần như đã tăng gấp 3 so với thế kỷ trước và hiện tại đang là khoảng 20.000 NDT/tấn(tương đương 2,815 USD). Sự mở rộng của các đồn đền cao su vẫn tiếp tục không kiểm soát được nếu giá cao su vẫn tiếp tục tăng mà không có sự can thiệp của chính phủ.