Dự thảo quy định quản lý và sử dụng tạm thời một phần lề đường và vỉa hè trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) được soạn khá đầy đủ, cụ thể và chặt chẽ. Nếu triển khai vào cuộc sống, nó không chỉ làm thay đổi bộ mặt đô thị hiện nay mà còn giải quyết được các vấn đề dân sinh xã hội khác. Vấn đề còn lại là các quận – huyện có quyết tâm thực hiện hay không.
Tháng 10/2007, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch 6650 về 8 giải pháp cấp bách để kéo giảm ùn tắc giao thông; trong đó, UBND TPHCM chỉ đạo kiên quyết: sau 10 ngày, các quận – huyện phải giải tỏa trắng vỉa hè trên toàn địa bàn thành phố để trả lại cho giao thông. Việc trả lại vỉa hè cho giao thông là hoàn toàn đúng đắn.
Thế nhưng, sau chỉ đạo này thì đa phần quận – huyện lại “làm thinh”. Bởi, theo lãnh đạo các quận – huyện trên, hầu hết các nhà mặt tiền đường đều hoạt động kinh doanh, dịch vụ… nên họ cần phải có nơi để xe cho khách đến giao dịch, hưởng thụ các dịch vụ này. Nếu không cho họ để xe trên vỉa hè thì người dân để ở đâu? Vì lẽ đó, tình trạng chiếm dụng vỉa hè trong thời gian qua vẫn cứ diễn ra một cách tự nhiên.
Riêng quận 1, sau khi có chủ trương nói trên, lãnh đạo quận này đã giải tỏa trắng các vỉa hè; trong đó có cả 500 bãi giữ xe được cấp phép hoạt động tạm. Ngay lập tức, các điểm giữ xe trái phép mọc lên như nấm sau mưa và giá giữ xe lấy “cắt cổ” và người dân vẫn phải “bấm bụng” gửi vì họ không còn cách nào khác để chọn lựa, một khi tất cả các dự án bãi đậu xe ngầm cho trung tâm chưa có cái nào khởi động.
Còn các cơ quan như: ngân hàng, bưu điện, chợ… lâm vào cảnh khốn đốn do không tìm được chỗ để xe cho khách đến giao dịch. Và, thực tế lực lượng chức năng của quận không thể nào xử lý được những biến tướng về giá giữ xe ở khu vực trung tâm vì đây là nhu cầu có thật của người dân. Đó là chưa kể, theo cơ quan thuế quận 1, việc giải tỏa hết các bãi xe tạm trên vỉa hè đã làm cho nhà nước thất thu hàng tỷ đồng mỗi năm, từ tiền thu phí sử dụng đất công, trong khi vỉa hè vẫn bị chiếm dụng.
Vì vậy, có thể nói, dự thảo quy định về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè khá hợp với tình hình thực tế của TP.HCM hiện nay vì nó giải quyết được nhu cầu cho các hoạt động kinh doanh, chỗ để xe trên địa bàn quận – huyện, đồng thời vẫn đảm bảo còn vỉa hè cho giao thông.
Nếu như quy định này được triển khai vào cuộc sống, chắc chắn bộ mặt đô thị của TP.HCM sẽ có những chuyển biến nhất định. Bằng chứng từ bài học kinh nghiệm của quận 6 cho thấy: Sau khi UBND TPHCM chỉ đạo giải tỏa trắng vỉa hè nhưng quận xét thấy không thể nào áp dụng được cho địa bàn mình, khi tỷ lệ hộ dân kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ khá lớn. Nhưng để vỉa hè được gọn gàng, ngăn nắp, lãnh đạo quận đã có cách làm riêng của mình.
Đối với vỉa hè rộng trên 3m, quận cho kẻ vạch sơn quy định vị trí cho phép người dân được buôn bán, để xe và tùy theo chiều rộng của vỉa hè mà diện tích được sử dụng khác nhau, nhưng trên nguyên tắc chung phải đảm bảo chừa lối cho người đi bộ. Tính đến thời điểm này, có 12/14 phường của quận 6 có vỉa hè được quy hoạch. Nhờ vậy, tại một số tuyến đường có vỉa hè rộng như: Hậu Giang, Minh Phụng, Nguyễn Văn Luông… đã khá ngăn nắp so với trước đây.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà cũng đồng tình với cách làm này của quận 6 và trong buổi làm việc với quận 6 vừa qua xung quanh việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn quận này, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà một lần nữa đánh giá cao cách làm nói trên của quận 6.