Khu vực bến tàu thuộc địa bàn ấp 1, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau xuất hiện một đoạn đất bị rạn nứt, dài hàng chục mét và sâu vào đất liền từ 3 – 10 m, nằm ven sông Cửa Lớn. Khu vực này đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. Huyện Năm Căn đang khẩn trương di dời các hộ gia đình sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Ở các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Phú Tân cũng có một số khu vực đang đứng trước nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng.
Cà Mau có hơn 7.600 km sông ngòi, kênh, rạch và trên 250 km bờ biển. Tình trạng sạt, lở bờ sông, bờ biển đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân, đe dọa sự an toàn của các công trình đê, cống, đường giao thông, nhà cửa, trường học, lưới điện.
Nhiều khu vực đang nằm trong vùng nguy hiểm nhưng chính quyền địa phương chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Hàng năm, ở Cà Mau, sạt lở đất đã cuốn trôi xuống sông, biển hàng trăm héc ta đất sản xuất, vườn cây ăn trái, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, gây bất an trong cộng đồng dân cư sinh sống tại chỗ.
Nguyên nhân của tình trạng này được xác định do người dân đào bới kênh rạch không đúng kỹ thuật khi tiến hành chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm.
Bên cạnh đó, dưới tác động của thuỷ triều lên, xuống, mực nước chênh lệch khá cao tạo thành dòng nước chảy xiết, tác động lên nền địa chất yếu gây sạt lở. Sóng nước tự nhiên kết hợp với sóng nước do các phương tiện giao thông thủy công suất lớn tạo nên được xác định là một trong những nguyên nhân gây sạt lở..
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp như: xây dựng khu tái định cư để di dời những hộ dân đang sinh sống trên vùng nguy hiểm; cắm biển báo hiệu giao thông; giới hạn phương tiện và tốc độ trên những tuyến sông, rạch… Tuy nhiên, nhiều địa phương, đơn vị còn thờ ơ, chưa quan tâm đúng mức đối với công tác phòng, chống và khắc phục sạt lở đất.