Xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện – Hải Dương) từ lâu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn bởi phong cảnh hữu tình với hòn đảo xanh bóng cây và rất nhiều chim muông. Cảnh thiên nhiên hoang dã ấy không chỉ tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ với du khách mà còn là cơ hội để người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ phát triển du lịch.
Điểm du lịch sinh thái tự nhiên
Từ trung tâm thành phố Hải Dương dọc theo Quốc lộ 39 khoảng hơn 30km là đến đảo cò. Trong cái nắng vàng nhẹ của tiết trời cuối xuân, vẻ đẹp của hòn đảo càng rực rỡ, cuốn hút hơn. Theo chân ông Nghị, chủ nhân hồ An Dương, mới biết thêm nhiều thông tin lý thú về đảo Cò.
Không ai biết chính xác đảo Cò có từ khi nào. Tương truyền, đầu thế kỷ XV xảy ra một trận đại hồng thuỷ, con đê ven sông Luộc bị vỡ do nước lũ. Cả xã Chi Lăng Nam và vùng lân cận chìm trong nước, trở thành vùng sình lầy. Trải qua bao thời gian với sự thay đổi của địa lý, vùng sình lầy ấy giờ chỉ còn duy nhất hồ An Dương với một hòn đảo nổi giữa hồ. Thiên nhiên trù phú, đất lành chim đậu, từng đàn cò, vạc cùng các loài chim từ khắp nơi đổ về quần tụ. Số lượng cò, vạc ngày càng đông, cái tên đảo Cò bắt nguồn từ đó.
Để có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của những cánh cò, cánh vạc chao nghiêng, du khách phải xuôi thuyền xung quanh đảo. Với diện tích 3.000m2, đảo Cò tập trung gần 16.000 con cò và hơn 6.000 con vạc. Không chỉ có vậy, đảo còn là nơi sinh sống của nhiều loài chim nước như le le, bìm bịp, bói cá, bồ nông… Ngay trong thành phần mỗi loài cũng hết sức đa dạng, có cò trắng, cò nghênh, cò ruồi, cò lửa, cò bợ, cò diệc… Vạc cũng có tới ba loại, vạc xám, vạc lưng xanh và vạc sao.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, người có thâm niên lái thuyền đưa khách tham quan gần 10 năm, cứ vào đầu mùa xuân, cò, vạc ở khắp nơi lại tụ họp về đây, tạo nên cảnh tượng nhộn nhịp, huyên náo. Bây giờ đang là mùa sinh sản của cò và vạc. Nhìn từ trên chòi quan sát được đặt ngay ven hồ An Dương, dễ dàng nhìn thấy những tổ cò, vạc chon von trên ngọn cây. Lúc bình minh, khi hoàng hôn là thời điểm cò và vạc “giao ca”.
Một khoảng không lớn của mặt hồ bị phủ lấp bởi những đàn cò đi kiếm ăn về và những đàn vạc chuẩn bị bay đi tìm mồi. “Đây cũng là thời điểm mà khách du lịch mong đợi”. Nhìn những cánh cò chao liệng, tôi như đắm chìm vào ký ức tuổi thơ, thuở còn được nghe lời ru của mẹ về cánh cò bay lả bay la”, ông Nam vui vẻ nói.
Khi làng cò… làm du lịch
Với hồ nước mênh mông quanh năm gợn sóng, không khí mát mẻ trong lành, những hàng tre xanh, cây cổ thụ um tùm cùng hàng nghìn cánh cò, nơi đây dường như hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành điểm du lịch sinh thái. Có lẽ vì vậy mà số lượng khách tham quan, du ngoạn ngày càng đông. Sự lên ngôi của đảo Cò cũng đồng nghĩa với sự hưng thịnh của người dân xã Chi Lăng Nam. Từ những người nông dân chân lấm tay bùn, họ đã trở thành hướng dẫn viên du lịch dí dỏm, thông minh và nhanh nhẹn.
Đảo Cò không chỉ mang lại no ấm cho người dân mà còn là nơi giới thiệu những làng nghề truyền thống của địa phương tới du khách. Nhờ những chuyến tham quan đó mà người dân có thêm thu nhập từ việc bán sản phẩm và làm dịch vụ. Ông Nghị cho biết, nhờ làm du lịch mà cuộc sống của người dân được nâng lên rất nhiều, những ngôi nhà cao tầng kiên cố mọc nhanh như nấm, số hộ nghèo giảm liên tục. Điện, đường, trường, trạm được xây dựng khá khanh trang, bề thế.
Nhận thấy giá trị và tiềm năng to lớn của đảo Cò, các cấp chính quyền và người dân nơi đây đã có ý thức gìn giữ và phát triển đàn cò, vạc. Nhiều phong trào được triển khai, mang lại hiệu quả rõ rệt như trồng tre làm chỗ trú ngụ cho cò, vạc, tạo điều kiện cho cò sinh sôi và phát triển; cấm bắn và lấy trứng cò, vạc cùng các loại chim quý khác. Bằng những biện pháp thiết thực trên, hy vọng rằng trong tương lai không xa, đảo Cò sẽ là điểm du lịch hấp dẫn.