ThienNhien.Net – Đến vùng châu thổ sông Mê Kông – vựa lúa của Việt Nam để khảo sát kết quả của dự án phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) cấp vốn một phần, tôi những tưởng rằng với giá lương thực tăng vùn vụt, mình sẽ được chứng kiến những người nông dân mang vẻ mặt hân hoan vì sự giàu có, thịnh vượng đang đến. Nhưng, thực tế đã không vậy.
Một trong những dự án mà chúng tôi đã khảo sát là cải thiện việc quản lý nguồn nước ở vùng châu thổ này bằng cách nâng cấp hệ thống kênh rạch và xây dựng thêm nhiều cửa cống. Với ý tưởng là để ngăn chặn nước biển xâm nhập làm hại cây trồng trong mùa khô; và ngăn chặn nước lũ cuốn trôi mùa màng trong mùa mưa. Những kết quả thu được thật đáng ngạc nhiên.
Với hệ thống thuỷ lợi tốt và an toàn hơn cho phép những người nông dân như bà Ngô Kim Tân, 64 tuổi ở tỉnh Cần Thơ, có thể sắp xếp thời vụ và trồng được nhiều vụ hơn trong một năm. Việc ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng đã làm cho hương vị trái cây trở nên thơm ngon và năng suất lúa đạt cao hơn. Năng suất lúa trên ruộng nhà bà đạt từ 7 tạ đến 1 tấn trên một công (tương đương 1000m2). Trong lúc đó, giá lúa chỉ trong vòng 1 năm đã tăng xấp xỉ 1,5 lần. Bà Tân cho biết thu nhập của gia đình bà đã tăng gấp đôi. Cảm thấy dư dả, bà đã quyết định sẽ xây thêm nhà cửa và sẽ cho đứa con nào kết hôn đầu tiên.
Tuy nhiên, tình trạng lạm phát đã phá vỡ những dự định của bà. Giá ga, rồi giá các loại thực phẩm và mọi thứ đều tăng cao. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhiên liệu và những biến động của khí hậu, môi trường đã làm cho những người nông dân mà tôi trò chuyện khó có thể thấy lạc quan được về vận may đổi đời.
Anh Đoàn Văn Dền (cùng với con trai trong ngôi nhà của mình) tưởng rằng sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá gạo nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. (Ảnh: Worldbank). |
Anh Đoàn Văn Dền – một người nông dân 48 tuổi, có mảnh đất ruộng nằm tiếp giáp với một con kênh thứ cấp được bảo vệ bởi một cửa cống mới ở tỉnh Kiên Giang, đã nói về sự chuyển đổi mùa vụ của gia đình anh từ một vụ lúa một năm lên hai vụ lúa và một vụ hoa màu. Cũng như những người hàng xóm của mình, anh nhận thấy rằng năng suất cây trồng tăng lên đáng kể từ khi mạng lưới kênh rạch, cửa cống được hoàn thành. “Thu nhập của chúng tôi đã tăng lên. Nhưng khi chúng tôi trồng lúa chuyên canh thì cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi phải tốn nhiều tiền hơn cho phân bón. Do đó, mặc dù chúng tôi thu được lợi nhuận từ việc giá lúa tăng cao nhưng thực tế thì chúng tôi vẫn nghèo”. Người cha của tám đứa con nhỏ ngồi trong ngôi nhà mái rạ nền đắp bùn đơn sơ, mời chúng tôi chén trà pha từ nguồn nước tù đọng của dòng sông MeKong, nói: “Dù rất muốn nhưng chúng tôi vẫn chưa đủ tiền để sửa lại căn nhà”.
Có một người nông dân đã thử trồng ba vụ lúa trong một năm thì đã bị thiệt hại lớn trong vụ cuối do sâu hại tàn phá. Ông Trịnh Văn Ôn, 53 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng nói: “Nếu anh trồng lúa một cách liên tục thì sẽ vắt kiệt sức sản xuất của đất, do đó năng suất sẽ bị giảm. Mặt khác. anh cần phải tăng gấp đôi số lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho vụ mùa thứ ba bởi vì lúc đó đất đã bị cạn kiệt”.
Khi đi trên những con đường mòn, những kênh rạch kết nối những người nông dân đến thị trường tiêu thụ trên vùng châu thổ, tôi lại phân vân làm thế nào mà môi trường có thể chịu đựng được áp lực để trồng được nhiều lúa hơn. Với hệ thống thuỷ lợi tốt hơn sẽ cho phép tăng cường việc trồng lúa nhưng cùng với nó sẽ là sự gia tăng ô nhiễm nguồn nước, vốn là yếu tố giữ vai trò cơ bản duy trì cuộc sống và những cánh đồng trên vùng châu thổ này. Vậy làm thế nào để giữ được cân bằng giữa việc sản xuất lương thực và chất lượng nước?
Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam đã cảnh báo người dân không nên tăng vụ lúa để có thể kiểm soát được các loài côn trùng và bệnh hại. Trồng hai vụ lúa và một vụ màu sẽ cho phép đất được phục hồi nhanh hơn là ba vụ lúa liên tiếp không có thời gian gián đoạn. Cảnh báo này cũng đề cập đến việc nên giảm ba nguồn đầu vào là: số lượng giống, thuốc trừ sâu và phân bón – bằng cách áp dụng các kỹ thuật gieo trồng mới, bón phân hợp lý cho đất, sử dụng nước và các biện pháp kỹ thuật khác để loại trừ sâu hại.
Tôi không phải là một chuyên gia nông nghiệp, mà chỉ là một nhà báo viết về những tác động của sự phát triển, nhưng tôi phân vân không biết những biện pháp bảo vệ nào là thực sự phù hợp, tránh những giải pháp được đưa ra một cách vội vàng, gây ra những hậu quả khó khắc phục. Liệu các biện pháp nông nghiệp bền vững có tồn tại được không dưới áp lực phải sản xuất ngày càng nhiều lương thực hơn nữa? Sẽ là tốt hơn khi ta khai thác hành tinh này mà không phải giết nó.